Trong khi FE Credit vẫn tuyển dụng ồ ạt, VPBank cắt giảm hơn 2.300 nhân viên ở ngân hàng mẹ trong 9 tháng đầu năm

Ngọc Bích |

Việc cắt giảm lượng nhân sự khá lớn là một trong những yếu tố giúp ngân hàng tiết kiệm chi phí hoạt động, từ đó cải thiện chỉ số CIR (chi phí hoạt động/ thu nhập) của ngân hàng mẹ xuống còn 38,8% trong 9 tháng đầu năm.

Báo cáo tài chính quý 3/2019 do VPBank mới công bố cho thấy, tổng số nhân viên của VPBank (ngân hàng mẹ) cuối tháng 9/2019 chỉ còn 9.144 người, giảm tới 2.324 nhân viên so với hồi đầu năm.

Tính cả các công ty con, tổng số nhân sự của VPBank (hợp nhất) cuối tháng 9/2019 là 26.733 nhân viên, giảm 696 người so với hồi đầu năm. Như vậy, trong khi cắt giảm mạnh nhân sự ở ngân hàng mẹ, VPBank vẫn tiếp tục tuyển dụng số lượng lớn khá nhiều ở các công ty con (chủ yếu là FE Credit).

BCTC của VPBank cũng cho biết, thu nhập bình quân tháng của nhân viên ngân hàng riêng lẻ trong 9 tháng đầu năm là 24,59 triệu đồng/tháng, tăng so với mức 19,8 triệu đồng/tháng cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, thu nhập bình quân tháng của nhân viên cả ngân hàng và các công ty con là 20,65 triệu đồng/tháng, tăng so với mức 17,94 triệu đồng/tháng cùng kỳ năm ngoái.

Trong quý 3/2019, lợi nhuận trước thuế của VPBank (hợp nhất) đạt 2.856 tỷ, tăng tới 63% so với cùng kỳ. Trong khi trước đó, lợi nhuận trước thuế 6 tháng của VPBank tăng trưởng âm. Ngoại trừ hoạt động kinh doanh ngoại hối bị lỗ, các mảng kinh doanh còn lại đều có kết quả khả quan, thậm chí tăng trưởng theo cấp số nhân.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần quý 3 của ngân hàng đạt 7.977 tỷ đồng, tăng 32,9% so với cùng kỳ. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng tới 77% đạt 708 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư lần lượt đạt 145 tỷ và 200 tỷ, tăng 248% và 172%.

Trong khi đó, do không còn ghi nhận khoản lợi nhuận đột biến từ bảo hiểm như năm ngoái, lãi từ hoạt động khác chỉ đạt 549 tỷ, thấp hơn nhiều so với mức 866 tỷ đồng đạt được cùng kỳ.

Với việc tiếp tục cắt giảm mạnh nhân sự, chi phí hoạt động của VPBank trong quý 3 chỉ ở mức 3.122 tỷ đồng, tăng 18 tỷ (tương đương 0,6%) so với cùng kỳ năm 2018.

Chỉ số chi phí hoạt động trên thu nhập (CIR) 9 tháng của ngân hàng hợp nhất xuống còn 34,7% so với mức 35,8% trong nửa đầu năm. Còn tại ngân hàng mẹ, CIR cũng giảm từ 41,3% hồi cuối tháng 6/2019 xuống còn 38,8% cuối tháng 9/2019.

"Sự cải thiện về các chỉ số chi phí là kết quả của những điều chỉnh trong mô hình tổ chức kinh doanh và hoạt động vận hành được tiến hành từ cuối năm 2018", VPBank cho biết.

Đối với trích lập dự phòng rủi ro, ngân hàng đã trích ra 3.522 tỷ trong quý 3, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với việc bứt tốc mạnh mẽ trong quý 3, lũy kế 9 tháng đầu năm, LNTT của VPBank đạt 7.199 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận của FE Credit là gần 3.500 tỷ đồng, đóng góp xấp xỉ 49% cho lợi nhuận ngân hàng hợp nhất.

Đáng chú ý, song song với việc lợi nhuận bứt tốc trở lại, nợ xấu của VPBank có những chuyển biến tích cực.

Tính đến cuối tháng 9/2019, nợ xấu hợp nhất của VPBank đang ở mức 3,10%. Tỷ lệ này đã giảm từ 4,24% tại thời điểm một năm trước đó. Cụ thể, nợ xấu của ngân hàng VPBank riêng lẻ giảm xuống còn 2,45% cuối quý 3/2019. Nợ xấu của FE Credit cũng giảm từ 6,36% xuống 5,21% cuối quý 3/2019.

Hoạt động xử lý nợ từ VAMC tiếp tục được ngân hàng đẩy mạnh trong quý 3, đưa dư nợ trái phiếu VAMC giảm hơn 70% so với thời điểm cuối năm 2018, từ hơn 3.100 tỷ xuống còn dưới 908 tỷ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại