Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - VPB) sẽ tổ chức đại hội cổ đông vào cuối tuần này tại Hà Nội.
Ngoài kế hoạch kinh doanh thận trọng là lợi nhuận tăng 3% so với năm trước lên mức 9.500 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ thêm 2.600 tỷ, nới room ngoại lên tối đa 30%, thì VPBank còn có nhiều nội dung khác muốn cổ đông thông qua, mà một trong số đó là giao cho Hội đồng quản trị (HĐQT) quyết định các vấn đề liên quan đến công ty con và ngân hàng mẹ.
Cụ thể, theo lý giải của HĐQT VPBank, để linh hoạt và chủ động trong việc quản trị, điều hành hoạt động của Ngân hàng, dự phòng trong trường hợp phát sinh cơ hội kinh doanh thuộc quyền phê duyệt của ĐHĐCĐ, đồng thời để tránh lãng phí về mặt thời gian, chi phí, và đáp ứng kịp tiến độ theo yêu cầu thực tế, HĐQT đề nghị ĐHĐCĐ xem xét thông qua về mặt chủ trương và ủy quyền, phân công, giao nhiệm vụ cho HĐQT được thực hiện:
Một là, thống nhất về mặt chủ trương về việc thành lập hoặc mua lại công ty con, công ty liên kết khác để thực hiện các ngành nghề kinh doanh được phép theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn có liên quan, bao gồm và không giới hạn bởi các các hoạt động kinh doanh: Cho thuê tài chính; Bảo hiểm...hoặc các cơ hội liên kết, sáp nhập, góp vốn, hoặc các hình thức khác với các Tổ chức tín dụng khác phù hợp với Quy định của pháp luật và điều kiện thực tiễn Ngân hàng.
Ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định các trường hợp cụ thể.
Hai là, thống nhất chủ trương sẽ thực hiện mua, bán, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hình thức pháp lý, giải thể hoặc mở thủ tục phá sản Công ty con của VPBank nếu cần thiết và có lợi cho Ngân hàng và các công ty con.
Ủy quyền và giao nhiệm vụ cho Hội đồng quản trị trên tinh thần tuân thủ quy định của pháp luật, định hướng hoạt động và bảo vệ lợi ích của Ngân hàng và các công ty con thực hiện toàn bộ các nội dung có liên quan đến chủ trương này.
Ba là, thống nhất về chủ trương các giao dịch tiền gửi giữa Ngân hàng và Công ty tài chính VPBank đảm bảo việc đáp ứng nhu cầu phối hợp kinh doanh và quy định của pháp luật. Ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định các giao dịch, hợp đồng tiền gửi có giá trị trên 20% vốn điều lệ của Ngân hàng với Công ty con của Ngân hàng.
Bốn là, ủy quyền và giao cho Hội đồng quản trị quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của chủ sở hữu tại Công ty con.
Năm là, uỷ quyền và giao cho Hội đồng quản trị Quyết định cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý điều hành của Ngân hàng, việc quản lý và sử dụng thương hiệu, hình ảnh của Ngân hàng....
Sáu là, ủy quyền và giao cho Hội đồng quản trị Quyết định giải pháp khắc phục biến động lớn về tài chính của Ngân hàng.
Bảy là, thống nhất nâng tỷ lệ sở hữu của Nhà đầu tư nước ngoài sau đợt phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước năm 2019 lên mức tối đa 30%/Vốn điều lệ sau khi phát hành (các đợt phát hành khác thống nhất không điều chỉnh tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài/vốn điều lệ).
Ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định mức cụ thể phù hợp với tình hình thực tế và có lợi nhất đối với Ngân hàng và thực hiện các thủ tục điều chỉnh/đăng ký với các cơ quan chức năng (nếu có).
HĐQT lý giải thêm rằng các nội dung đề xuất nêu trên đều là các nội dung cần được quyết định nhanh chóng kịp thời để không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh hàng ngày của Ngân hàng.
Các Quyết định về các vấn đề được Đại hội đồng cổ đông giao nhiệm vụ nêu trên sẽ được HĐQT thực hiện theo phương thức và nguyên tắc phù hợp với quy định của Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐQT, Điều lệ VPBank và các quy định có liên quan của pháp luật.
Được biết hiện VPBank có 2 công ty con là Công ty TNHH Quản lý tài sản Ngân hàng 100% Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPB AMC) và Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng 100% Việt Nam Thịnh Vượng (VPB FC) hay còn gọi là Fe Credit, trong đó AMC có vốn điều lệ 115 tỷ còn Fe Credit vốn 7.328 tỷ đồng.
Ngoài ra ngân hàng có 1 hội sở chính, 57 chi nhánh, 164 phòng giao dịch. Tổng số nhân viên đang làm việc cho Ngân hàng và các công ty con tại ngày 31 tháng 12 năm 2018 là 27.429 nhân viên.