Tham luận tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới đang diễn ra trong hai ngày 12 và 13/11, tại TPHCM, GS.TS Huỳnh Hữu Tuệ (Việt kiều Canada) đang giảng dạy tại Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM) cho rằng, sự đóng góp của đội ngũ trí thức, chuyên gia Việt kiều còn hạn chế so với tiềm năng.
Kiều bào vẫn dành nhiều tình cảm cho quê hương, vì vậy TPHCM cần có một số chính sách "chiêu hiền đãi sĩ" như cách làm của Hàn Quốc, Singapore..., dành cho chuyên gia Việt kiều một số quyền lợi cao hơn bình thường về lương, điều kiện sinh hoạt, nghiên cứu, đặc biệt là tạo ra một môi trường làm việc thuận lợi để họ có thể phát huy cao nhất khả năng đóng góp chất xám.
Theo GS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội Khoa học và chuyên gia tại Pháp (AVSE), TPHCM có thể đạt được mục tiêu thành phố bền vững thông qua việc tạo lập các cơ chế để huy động tất cả chủ thể kinh tế cùng tham gia, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực con người và vận dụng triệt để kinh tế tri thức.
"Một cơ chế tự chủ cho các chủ thể kinh tế trong sử dụng và đãi ngộ chuyên gia và nhà khoa học hàng đầu sẽ là một đột phá trong sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao", GS Khương nói.
"Tôi hoàn thoàn đồng tình với ý kiến của ông Dương Nguyên Vũ đại diện cho 500 kiều bào đã nói là chúng ta phải bắt tay hành động ngay. Chúng tôi sẽ tích cực cùng các đại biểu tháo gỡ bất kỳ vướng mắc nào gây cản trở cho quá trình hợp tác... Mỗi cán bộ, mỗi cơ quan chức năng phục vụ dân phải coi những sáng kiến, ý kiến góp ý tâm huyết của các đại biểu là nguồn lực quan trọng, là "ngân hàng ý tưởng" quý giá mà TPHCM luôn cần đến cho sự phát triển của mình".
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng
GS. TS Dương Nguyên Vũ (Việt kiều Pháp), lãnh đạo Viện John von Neumann (ĐH Quốc gia TPHCM) đề xuất TPHCM mạnh dạn đi đầu trong cả nước về đổi mới sáng tạo. Khi nói tới sáng tạo thì tự do học thuật, nghiên cứu khoa học là nền tảng. Vì vậy, cơ chế ràng buộc như hiện nay cần được xem xét và tháo gỡ.
Theo thạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh, nguyên Chủ tịch Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại California (Mỹ), TPHCM đang nỗ lực tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho nên phải chú trọng, khuyến khích du học sinh về nước khởi nghiệp. "Để khuyến khích mọi người mạnh dạn về nước khởi nghiệp thì chính sách cần thực sự vì doanh nghiệp, rõ ràng, minh bạch, ổn định...", ông Nguyễn Tuấn Anh nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam, hội nghị đã đón 500 đại biểu kiều bào là các chuyên gia, trí thức, doanh nhân, nhà khoa học, nhà văn hóa tiêu biểu, có uy tín trong nhiều lĩnh vực từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hội nghị đã nhận được gần 100 tham luận của kiều bào, trong đó đã có trên 50 tham luận được trình bày, trao đổi thẳng thắn và cởi mở.
Phát biểu tại phiên bế mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng ghi nhận và đánh giá cao tất cả các ý kiến, đề xuất tâm huyết của bà con kiều bào.
Nhiều tham luận chia sẻ sự đồng thuận và giúp lãnh đạo TPHCM củng cố niềm tin khi tiếp tục bám sát các mục tiêu 7 chương trình đột phá của thành phố là: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy nhanh cải cách hành chính, giảm ùn tắc giao thông, khắc phục tình trạng ngập nước, cải thiện môi trường và chỉnh trang phát triển đô thị…
Ông Thăng cam kết sau hội nghị này, lãnh đạo TPHCM sẽ cùng các sở, ngành chức năng tiếp tục hợp tác, hình thành cơ chế tương tác, trao đổi thường xuyên, giữ mối quan hệ chặt chẽ với các kiều bào để triển khai đề xuất cụ thể tại hội nghị, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến cải thiện chất lượng sống của người dân.