Trong cái khó ló cái khôn: Doanh nghiệp chuyển từ bán buôn sang bán lẻ trực tuyến để không nhân viên nào bị sa thải vì đại dịch

Minh Minh |

Doanh thu trên tất cả các kênh truyền thống đều sụt giảm vì Covid-19, một công ty chuyên phân phối thực phẩm đông lạnh nhập khẩu cho các chuỗi siêu thị, nhà máy chế biến, chọn cách bán lẻ sản phẩm của mình trên mạng để đảm bảo cho người lao động vẫn có việc làm và thu nhập.

"Chúng tôi chịu thiệt hại nặng nề"

Đó là điều anh Nguyễn Văn Thưởng, giám đốc công ty Nam Khải Phú có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, phải thừa nhận khi được hỏi về tác động của đại dịch Covid-19 với doanh nghiệp.

 Trên trang web, Nam Khải Phú giới thiệu mình là công ty nhập khẩu nhiều loại thực phẩm từ nước ngoài về và phân phối cho hầu hết các chuỗi siêu thị trên cả nước như Big C, Aeon Mall, Vinmart… và nhiều chuỗi nhà hàng khác.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Việt Nam, nhiều hoạt động kinh doanh đã bị đình trệ. Dù các siêu thị vẫn mở cửa nhưng về đa phần chỉ những loại đồ khô hay thực phẩm chế biến sẵn được ưa chuộng. 

Những thực phẩm tươi sống hoặc đông lạnh chưa chế biến cũng được mua để tích trữ với số lượng không nhiều. Điều này khiến những doanh nghiệp như Nam Khải Phú cũng nhanh chóng thấm thía những tác động của đại dịch.

Trong cái khó ló cái khôn: Doanh nghiệp chuyển từ bán buôn sang bán lẻ trực tuyến để không nhân viên nào bị sa thải vì đại dịch - Ảnh 1.

Trung tâm thương mại vắng vẻ vì dịch Covid-19. Nguồn: Gia đình & Xã hội.

"Chúng tôi không chỉ có kênh bán lẻ (cung cấp hàng cho các siêu thị, nhà hàng) mà còn có cả hệ thống bán buôn. Sản phẩm của chúng tôi được cung cấp cho các nhà máy và làm đồ khô. Việc dịch bệnh bùng lên khiến nhiều nhà máy đóng cửa, ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp như của tôi", anh Thưởng cho biết.

Bên cạnh những tác động trực tiếp, ảnh hưởng gián tiếp từ dịch bệnh cũng không nhỏ. Việc các trường học bị đóng cửa từ Tết là đòn đánh đầu tiên với các doanh nghiệp. Nó còn được coi là chỉ báo cho những ảnh hưởng sâu rộng hơn mà doanh nghiệp của anh Thưởng, tưởng chừng như không liên quan, phải hứng chịu.

TP Hồ Chí Minh có 2 triệu học sinh, sinh viên. Trung bình, mỗi học sinh tiêu 1 USD/ngày khi đi học thì khoản thu này đã là 2 triệu USD. Số tiền này tạo ra rất nhiều công ăn việc làm và suất tiêu thụ của 50 tỷ đó sẽ có rất nhiều tác động tới nền kinh tế.

Ngoài ra, việc công nhân các khu công nghiệp không thể làm việc đầy đủ hoặc không được tăng ca do dịch cũng gây ảnh hưởng lớn.

"Những khó khăn về kinh tế khiến cho người dân giảm bớt chi tiêu. Không thể làm tăng ca, công nhân sẽ khó mạnh tay chi tiêu cho những sản phẩm thịt bò hay cá hồi nhập khẩu của chúng tôi trong mỗi dịp cuối tuần. Đó là ví dụ cho thấy khó khăn không loại trừ bất cứ doanh nghiệp nào", anh Thưởng chia sẻ.

Ngoài ra, việc các trung tâm thương mại, các chuỗi nhà hàng thực phẩm bị đóng cửa cũng làm ảnh hưởng tới doanh thu của các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm nhập khẩu. Trước khi các nhà hàng bị buộc phải đóng cửa để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nhiều trong số đó đã tự động ngừng kinh doanh vì lượng khách sụt giảm nghiêm trọng.

Giải pháp 4.0 để người lao động vẫn có việc làm trong đại dịch

Với doanh số tương đối trong ngành thực phẩm – như lời anh Thưởng tự nhận, Nam Khải Phú không cho rằng mình là doanh nghiệp lớn nhưng cũng chẳng phải bé. Tuy nhiên, những áp lực của dịch bệnh lên hoạt động kinh doanh của công ty là rất rõ ràng.

Doanh nghiệp tồn tại hay sụp đổ, người lao động có việc làm hay bị sa thải là điều mọi công ty đều phải đối mặt trong tình cảnh hiện nay.

Công ty, doanh nghiệp chủ yếu bán buôn, đã đột ngột chuyển hướng sang bán lẻ, phục vụ khách hàng cá nhân để có thể cầm cự qua giai đoạn khó khăn.

Bắt đầu mở trang web bán hàng online từ tháng 6 năm ngoái, anh Thưởng không thể nghĩ có lúc hình thức này lại giúp được anh rất nhiều trong việc đảm bảo công ăn, việc làm cho người lao động.

Trong cái khó ló cái khôn: Doanh nghiệp chuyển từ bán buôn sang bán lẻ trực tuyến để không nhân viên nào bị sa thải vì đại dịch - Ảnh 2.

Chuyển từ bán buôn sang bán lẻ online là cách giúp người lao động của Nam Khải Phú vẫn giữ được việc làm. Ảnh trên web bán hàng của công ty.

Ban đầu, bán hàng online thực chất chỉ được coi là kênh "làm cho có" của doanh nghiệp. Trong lĩnh vực thực phẩm nhập khẩu, người tiêu dùng thường muốn nhìn tận mắt, sờ tận tay để đảm bảo có được những sản phẩm chất lượng tốt nhất. Giá bán cao tương đương trong các hệ thống phân phối có uy tín khiến Nam Khải Phú gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, chính sách kinh doanh của công ty thay đổi từ sau Tết, nhất là khi dịch bệnh bùng lên ở Trung Quốc, quốc gia láng giềng Việt Nam. Marketing online được doanh nghiệp đẩy mạnh nhằm tìm kiếm những khách hàng tiềm năng, những người có thể sẽ phải hạn chế tiếp xúc với bên ngoài khi dịch bệnh xuất hiện ở Việt Nam.

"Trước Tết chúng tôi chỉ bán được 22 đơn hàng online mỗi ngày. Tuy nhiên, phần vì chất lượng sản phẩm được đảm bảo, phần vì dịch bệnh lây lan, doanh số bán online của chúng tôi hiện nay là 150 đơn/ngày", anh Thưởng chia sẻ.

Tuy nhiên, từ một doanh nghiệp chuyên "bán buôn" sang hoạt động ở lĩnh vực bán lẻ, giao hàng cho khách với những đơn chỉ 1 hoặc một vài kg, những điểm khó nhanh chóng lộ diện. Do các đơn nhỏ, số lượng ít nên nhà bán hàng càng phải chi tiết hơn để đảm bảo sự tin cậy của người mua.

"Giá bán lẻ tốt hơn nhiều so với giá bán buôn. Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi công ty có nguồn nhân lực ổn định để đảm bảo chất lượng sản phẩm tới tay khách hàng. 

May mắn là chúng tôi có đội ngũ nhân viên của mình. Cho tới lúc này, chúng tôi chưa phải cắt giảm một nhân viên nào dù dịch bệnh đang khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn. Người lao động cũng vì thế mà rất yên tâm", anh Thưởng nói về ích lợi của việc bán hàng online.

Bản thân anh Thưởng cũng không thể ngờ đại dịch lại mang đến cho Nam Khải Phú một cơ hội để nhanh chóng tiếp cận xu hướng 4.0 hiện nay, điều doanh nghiệp của anh mới chỉ nghĩ tới thoáng qua khi dịch bệnh chưa bùng phát.

"Đây là cơ hội tốt để thay đổi, không chỉ đường lối kinh doanh của doanh nghiệp mà cả thói quen của người tiêu dùng. Chúng tôi cần đảm bảo rằng khách hàng sẽ nhận được những sản phẩm tốt nhất mà không cần phải đi ra chợ. 

Với doanh nghiệp, đây là cơ hội để hoàn thiện sản phẩm của mình, làm sao cho khách hàng thấy xứng đáng với đồng tiền họ bỏ ra", anh Thưởng nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp đang cố tự cứu mình, mong sớm có thêm hỗ trợ từ Chính phủ

Bên cạnh việc hoàn thiện sản phẩm, đa dạng hóa các loại hàng để đáp ứng nhu cầu của khách, Nam Khải Phú còn tăng cường các hoạt động quảng cáo để nhắm tới những thị phần tiềm năng. Các thị trường miền Trung và miền Tây đang cho thấy nhiều tín hiệu tích cực.

Trong khi dịch bệnh bùng lên ngoài Trung Quốc, Nam Khải Phú hiện tại vẫn chưa nhận được thông báo gì từ phía các đối tác ở Canada, Mỹ và châu Âu về nguy cơ ngừng xuất khẩu. Ngay tại Italy, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn thường xuyên gửi chào hàng tới Nam Khải Phú.

Tuy nhiên, tình trạng một số nước ban hành lệnh cách ly trên diện rộng có thể sẽ gây tác động, dù được anh Thưởng đánh giá là không lớn, với công ty và các doanh nghiệp trong hiệp hội ngành đông lạnh.

Trong cái khó ló cái khôn: Doanh nghiệp chuyển từ bán buôn sang bán lẻ trực tuyến để không nhân viên nào bị sa thải vì đại dịch - Ảnh 3.

Phí lưu công khiến nhiều doanh nghiệp chật vật giữa đại dịch.

Khó khăn lớn nhất lại nằm ở trong nước. "Hiệp hội hàng đông lạnh phía nam đã họp online và làm đơn để kiến nghị các cảng miễn phí lưu container trong 2 tháng nhằm giúp các doanh nghiệp đối phó với dịch bệnh.

Hiện nay, dòng tiền với hầu hết các doanh nghiệp như chúng tôi đều đang gặp khó. Hàng hóa bán chậm trong khi các đối tác xin giữ lại tiền mà họ phải thanh toán cho nhà cung cấp để đảm bảo một số mục tiêu sống còn khác", anh Thưởng cho biết.

Việc các chuỗi nhà hàng, tiệc cưới… bị đóng cửa hoặc tự đóng cửa vì dịch bệnh đã khiến hàng tồn kho của các doanh nghiệp đông lạnh tăng cao. Những container này bị tồn ngoài cảng với phí lưu công lên tới 100 USD/ngày.

Doanh số sụt giảm, hàng tồn kho nhiều, chi phí lưu trữ cao khiến các doanh nghiệp phải cầu cứu để mong chờ sự hỗ trợ từ Chính phủ và các bên liên quan.

Dẫu vậy, anh Thưởng vẫn lạc quan về tương lai phía trước. Đánh giá rất cao công tác ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh của Chính phủ cũng như ý thức phòng dịch của người dân Việt Nam và tin rằng đại dịch sẽ sớm được kiểm soát.

"Khi dịch bệnh bị đẩy lùi, chúng ta sẽ có cơ hội để phục hồi và lấy lại những gì đã mất", anh Thưởng nhấn mạnh.

Chuyển đổi online là gì?

Chuyển đổi online hay còn gọi là chuyển đổi số có thể hiểu là một phương pháp tiếp cận toàn diện nhằm hiện đại hóa hệ sinh thái công nghệ, quy trình và chiến lược hoạt động của một tổ chức, nhờ tận dụng những tiến bộ mới nhất trong đám mây, di động, phân tích và trải nghiệm người dùng để tạo ra những thay đổi mang tính cách mạng khi làm việc và tương tác với khách hàng.

Việc chuyển đổi như vậy có thể bao gồm các hệ thống doanh nghiệp, ứng dụng khách hàng hoặc cả hai.

Theo nghiên cứu của IDC, chuyển đổi kỹ thuật số chiếm hơn 40% tổng chi tiêu CNTT và dự kiến sẽ đạt 2 nghìn tỷ đô la vào cuối năm tới. Trong đó bao gồm việc áp dụng tất cả các công nghệ số khác nhau, từ đám mây, an ninh mạng cho đến trí tuệ nhân tạo (AI).

Điều này dẫn đến tổng doanh thu và lợi nhuận cao hơn cho các công ty. Mục tiêu cơ bản của chuyển đổi số là gia tăng hiệu quả hoạt động thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ số dẫn đến tăng trưởng doanh thu.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, chuyển đổi online càng khẳng định được tầm quan trọng của mình. Đọc thêm vai trò kinh tế của chuyển đổi online tại đây .

Trong cái khó ló cái khôn: Doanh nghiệp chuyển từ bán buôn sang bán lẻ trực tuyến để không nhân viên nào bị sa thải vì đại dịch - Ảnh 5.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại