Ông Chớ có thu nhập từ mô hình nuôi ong tự nhiên lấy mật

Thào Ly |

Ông Chớ đã mạnh dạn đầu tư nuôi ong theo hướng tự nhiên để lấy mật, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.

Trong thời điểm hàng chục cán bộ y tế thôn bản vùng cao Sơn La viết đơn xin nghỉ việc vì phụ cấp quá thấp, chỉ có 200.000 đồng/tháng không đủ trang trải cuộc sống, thì ở bản Sa Lai, xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ, chính nhờ nắm chắc tình hình ở bản, Vàng A Páo đã kịp thời báo cáo lên tỉnh đón được hàng chục người đi lao động từ Trung Quốc trở về vào khu cách ly tập trung, góp phần bước đầu ngăn ngừa dịch bệnh tại tuyến cơ sở.

Tận dụng diện tích đất vườn trồng cây ăn quả của gia đình và đồi núi quanh nhà, ông Thào A Chớ, dân tộc Mông, ở bản Bôm Lầu, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã mạnh dạn đầu tư nuôi ong theo hướng tự nhiên để lấy mật, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.

Những năm đầu khi mới chuyển về Bôm Lầu, gia đình ông Thào A Chớ cũng như bao gia đình khác trong bản, chỉ biết trông chờ vào trồng ngô, lúa và sắn nên thu nhập chẳng được bao nhiêu, thậm chí có lúc không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình.

Ông Chớ có thu nhập từ mô hình nuôi ong tự nhiên lấy mật - Ảnh 1.

Các tổ ong nuôi tự nhiên được xây bằng gạch và có mái che của gia đình ông Chớ.

Sau một lần về xã Long Hẹ, cũng thuộc huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, ông thấy bà con hộ nào cũng có vài tổ ong rừng nuôi theo hướng tự nhiên lấy mật có thu nhập tốt, ông Chớ đã trăn trở suy nghĩ và tìm hiểu qua sách báo, rồi quyết tâm làm thử vài tổ ong trong vườn cây ăn quả của gia đình để ong đến làm tổ. Tuy nhiên, thời gian đầu việc nuôi ong của ông gặp không ít khó khăn.

“Lúc đầu mới nuôi ong tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Đàn ong cũng về ở nhưng không ở quanh năm, chỉ ở một thời gian lại bỏ đi hết. Lúc đó tôi cũng chưa biết phải nuôi như thế nào?”, ông Chớ chia sẻ.

Không nản, ông Chớ đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều mô hình nuôi ong trong huyện và tỉnh, đặc biệt là tại trại nuôi ong phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La. Đồng thời, tham gia các lớp tập huấn phương pháp, kỹ thuật nuôi ong. Nhờ đó, ông đã tích lũy được kinh nghiệm chăm sóc, tách đàn để nhân rộng quy mô chăn nuôi.

Năm 2010, ông quyết định đầu tư làm được 40 tổ ong và đến năm 2014 đầu tư mở rộng nuôi lên 100 tổ ong theo hướng tự nhiên. Cứ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mỗi năm ông Chớ thu 2 vụ mật, bình quân cho sản lượng từ 10 -15 kg mật/tổ/vụ, giá bán trên 100.000 đồng/kg ông thu hơn 100 triệu đồng.

Theo ông Chớ, để nuôi ong có hiệu quả phải có cách nuôi, chăm sóc phù hợp: “Đối với loại ong nuôi theo tự nhiên thường thích nghi làm tổ trong hang đá, thân cây.

Bởi vậy, cần có cách nuôi, chăm sóc phù hợp như làm tổ bằng cách xây gạch để giữ đàn ong ở lại, giữ được ấm trong mùa giá rét. Thời gian tới gia đình sẽ đầu tư mở rộng thêm tổ ông nuôi giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình”.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, bằng kinh nghiệm mình tích lũy được, ông Chớ đã chia sẻ, giúp con giống cho 8 hộ dân trong bản cùng tham gia nuôi, nâng tổng số tổ ong lên hơn 300 tổ.

Ông Chớ có thu nhập từ mô hình nuôi ong tự nhiên lấy mật - Ảnh 2.

Tổ ong có lỗ thông nhỏ để ong bay đến làm tổ.

Ông Lường Văn Tỉnh, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ly, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết, mật ong Bôm Lầu được người tiêu dùng rất ưa chuộng, bởi chất lượng rất tốt, gần giống như mật ong rừng và mật ong đá. 

Các thương lái thường đến tận nơi để mua với giá cao hơn nhiều so với giá các loại mật ong nuôi khác. Tới đây, xã sẽ nhân rộng thêm mô hình nuôi ong này ra các hộ và các bản lân cận khác có địa hình phù hợp để nuôi ong tự nhiên, giúp bà con tận dụng lợi thế đồi núi, vườn cây ăn quả của gia đình có thêm thu nhập.

“Tới đây xã sẽ có kiến nghị để giúp cho các hộ nuôi ong vay thêm vốn, đầu tư mở rộng thêm đàn, tăng thêm thu nhập. Xã cũng sẽ có kiến nghị với Hội nuôi ong của tỉnh Sơn La để kỗ trợ thêm về kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi và tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi ong yên tâm hơn”, ông Tỉnh cho biết.

Biết phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu và chiụ khó học hỏi, việc làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình như ông Chớ rất đáng để bà con trong vùng cùng áp dụng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại