Trời ơi tin được không: Ngôn ngữ bạn nói cũng ảnh hưởng đến cảm nhận về thời gian

Khuê Trần |

Ảnh hưởng của ngôn ngữ đến não bộ con người là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm trong giới khoa học thần kinh. Ngôn ngữ khác nhau dẫn đến các cách cảm nhận khác nhau và các cách tư duy khác nhau.

Và lần này vấn đề chúng ta đề cập đến là sự cảm quan thời gian dựa theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Experimental Psychology của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ.

Nếu như người Anh hay Thụy Điển có xu hướng biểu thị khoảng thời gian của một sự kiện bằng cách quy về các từ chỉ khoảng cách, độ dài thì người Tây Ban Nha hay Hy Lạp lại sử dụng tính từ chỉ lượng, kích thước, thể tích.

Chẳng hạn như cùng để biểu thị khoảng thời gian nghỉ giải lao, người nói tiếng Anh/Thụy Điển dùng từ "dài" hoặc "ngắn", còn Tây Ban Nha/Hy Lạp lại dùng từ "lớn" hoặc "nhỏ".

Câu chuyện ở đây là liệu đó chỉ là vấn đề về ngôn ngữ, hay cảm nhận về thời gian của họ cũng có sự khác biệt?

Trời ơi tin được không: Ngôn ngữ bạn nói cũng ảnh hưởng đến cảm nhận về thời gian - Ảnh 1.

Để kiểm chứng điều này, hai giáo sư gồm GS. Panos Athanasopoulos – nhà ngôn ngữ học từ ĐH Lancaster và GS. Emanuel Bylund – nhà ngôn ngữ học từ ĐH Stellenbosch và Stockholm đã làm thí nghiệm trên 74 người nói hai thứ tiếng Tây Ban Nha và Thụy Điển.

Họ sẽ phải đoán xem khoảng thời gian vừa trôi qua là bao lâu khi quan sát một đoạn video dài 3 giây chiếu một đường thẳng đang dài ra và một khối chứa đang được đổ đầy dần dần trên màn hình.

Trong mỗi trường hợp, những người tham gia sẽ nhận được một từ gợi ý để tìm tính từ ước lượng thời gian cho ngôn ngữ của từ đó, là "duración" trong tiếng Tây Ban Nha và "tid" trong tiếng Thụy Điển (đều có nghĩa là khoảng thời gian).

Kết quả rất rõ ràng cho thấy rằng với từ gợi ý thuộc ngôn ngữ nào, đối tượng tham gia sẽ cảm nhận thời gian đúng theo cách của người nói ngôn ngữ đó và cả hai khác nhau hoàn toàn.

Trời ơi tin được không: Ngôn ngữ bạn nói cũng ảnh hưởng đến cảm nhận về thời gian - Ảnh 2.

Khi được đưa ra câu hỏi với từ "duración", họ sẽ chú ý vào mức độ đầy của khối chứa, tức là chú ý đến thể tích của sự vật. Ngược lại, khi được gợi ý từ "tid", thì lập tức họ quay sang sự dài ra của đường thẳng để ước lượng thời gian và không màng gì đến khối chứa cả.

Kết quả của nghiên cứu đã khẳng định sự ảnh hưởng của ngôn ngữ đến cách con người cảm quan thời gian. Mặt khác, đây chính là một minh chứng cho sự linh hoạt trong nhận thức của người nói hai ngôn ngữ.

Giáo sư thực hiện nghiên cứu Athanasopoulos đã bình luận rằng: "Ngôn ngữ len lỏi vào từng giác quan của chúng ta và giúp chúng ta có thể trải nghiệm thời gian bằng những cách rất riêng của mỗi ngôn ngữ,"

"Bây giờ chúng ta đã phát hiện ra một sự thật là những người nói hai ngôn ngữ có thể đi từ cách ước lượng thời gian này sang cách ước lượng thời gian khác dễ dàng và thậm chí là vô thức."

Vậy thì việc học ngoại ngữ bây giờ lại có thêm một lý do và động lực rồi phải không?

Tham khảo: Labroots

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại