LTS: Chúng ta đã cùng tìm hiểu về một loài cá được không ít người gọi là "chúa tể" đại dương: cá mập trắng khổng lồ. Nhưng nhiều người khác lại cho rằng, cá voi sát thủ mới là chúa tể đích thực của biển cả. Vậy ai mới là "vua thực" sự? Loạt bài này sẽ cho bạn một câu trả lời.
Bài 1: Trò chơi vương quyền trên biển(P1): "Sát thủ" có gương mặt hiền khô như gấu trúc
Bài 2: "Trò chơi vương quyền" trên biển (P2): Cơn ác mộng của 100 con cá mập trắng khổng lồ
"Trò chơi vương quyền" trên biển (P3): Hạ sát cá mập trắng khổng lồ trong nháy mắt!
Bài 3:Bài 4: Hiểu lầm tai hại, "sát thủ đại dương" bị săn đuổi
Cá voi sát thủ là loài động vật săn mồi đỉnh cao và hầu như không có kẻ thù tự nhiên xứng tầm nào ngoài con người. Trong môi trường tự nhiên, cá voi sát thủ trưởng thành có thể dài từ 6 - 9 m, và nặng tới 6 tấn. Thậm chí, cá thể lớn nhất từng được ghi nhận là dài 9,5 m và nặng tới 10 tấn.
Cá voi sát thủ nổi tiếng là hung thần đại dương với kỹ năng săn mồi tàn bạo. Ảnh: Jacques de Vos
Mặc dù có thể tìm thấy ở hầu khắp các đại dương, vùng biển, nhưng cá voi sát thủ vẫn là loài vật ẩn chứa nhiều bí ẩn đối với con người.
Thậm chí, chúng ta không biết chính xác có bao nhiêu loài và phân loài đầy đủ của chúng trong một quần thể ước tính có tới 50.000 thành viên.
Ảnh Việt hóa (Nguyễn Hằng thực hiện)
Ở vùng biển phía Tây bắc Thái Bình Dương của Bắc Mỹ, cá voi sát thủ được phân chia làm 3 loại dựa trên chế độ ăn của chúng.
Điều đó cũng phản ánh rất rõ qua độ mòn của những chiếc răng. Cá voi sát thủ định cư sống trong các nhóm gia đình gắn kết và chủ yếu ăn cá và mực; răng của chúng ít bị mòn nhất.
Cá voi sát thủ di cư thường bơi thành từng tốp nhỏ xung quanh những vùng nước duyên hải, chủ yếu ăn các loài động vật có vú; răng của chúng bị mài mòn nhiều hơn và có vết nứt lớn.
Trong khi đó, cá voi sát thủ ngoài khơi di chuyển rất xa ngoài biển, thích ăn các loài cá mập; răng của chúng bị mòn tới sát đường nướu, hậu quả do cắn lớp da thô ráp của cá mập gây ra.
Liệu đây có phải là một con số an toàn? Hay chúng đang bị đe dọa? Không ai biết chính xác bởi các nhà nghiên cứu mới chỉ bắt đầu đếm số lượng cá voi sát thủ từ những năm 1970, và họ cũng không chắc có bao nhiêu cá thể trong mỗi hệ sinh thái đã từng được công nhận.
Số lượng cá voi sát thủ có thể thay đổi tùy theo từng năm, nguồn thức ăn và điều kiện môi trường sống.
Theo một số liệu từ năm 1990, ở phía Bắc Đại Tây Dương, trải dài từ vùng biển Na Uy đến Barents, ước tính có khoảng 3.000 con cá voi sát thủ. Trong đó, khoảng 1.000 con được gọi là cá voi sát thủ Na Uy với tập tính săn cá trích điển hình.
"Hung thần" đại dương bị đe dọa, số lượng phân loài bấp bênh
Tuy nhiên, cá trích không phải là con mồi có thể dự đoán được. Số lượng của chúng có thể thay đổi đáng kể từ năm này sang năm khác.
Chúng không sống quanh năm trong các vịnh ở Na Uy. Vào mùa xuân, loài cá này đẻ trứng dọc bờ biển, rồi di chuyển vào vùng biển Na Uy khi mùa hè tới để kiếm ăn.
Đến cuối thu, chúng sẽ đi trú đông thành từng đàn ở ngoài khơi bờ biển Na Uy hoặc trong các vùng vịnh. Bất cứ nơi nào đàn cá trích đi qua luôn có dấu vết của lũ cá voi sát thủ "đói mồi" bám theo.
Số lượng có trích biến động có ảnh hưởng rất lớn tới loài cá voi sát thủ. Cụ thể, vào đầu những năm 1960, việc đánh bắt cá trích quá mức đã khiến cho cá voi sát thủ biến mất hoàn toàn khỏi các vịnh ở Na Uy.
Mãi cho tới đầu những năm 1980, số lượng cá trích mới dần khôi phục, và cá voi sát thủ lại được bắt gặp ở các vịnh phía Nam Andfjorden.
Cá voi sát thủ là loài săn mồi đỉnh cao. Chúng hiếm khi có đối thủ trong tự nhiên, ngoại trừ con người. Ảnh: Jacques de Vos
Similä đã có hơn 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu về loài cá voi sát thủ Na Uy cũng như chiến thuật săn cá trích của chúng. Cô cùng các đồng nghiệp đã chụp rất nhiều bức ảnh và quay nhiều thước phim về loài vật này.
Similä chia sẻ: "Trước đây, người dân Na Uy có hiểu biết rất hạn chế về loài cá voi sát thủ. Người ta cho rằng đây là loài vật nguy hiểm và gây hại bởi chúng ăn hết cá của họ".
Do đó, ngư dân bắt đầu săn bắt loài động vật này. Chỉ trong vòng 3 năm từ 1978 đến 1981, có tới 346 con cá voi sát thủ đã bị tiêu diệt. Con số này chỉ dừng lại khi có lệnh cấm của Chính quyền địa phương.
Phát hiện sự thật: Hóa ra con người hiểu lầm cá voi sát thủ
Cuộc săn lùng cá voi sát thủ của nhiều người Na Uy mãi chưa dừng lại cho tới năm 1992. Lúc bấy giờ, khi một đài truyền hình cho chiếu đoạn phim của Similä cho thấy cá voi sát thủ ăn từng con cá một chứ không phải nuốt chửng toàn bộ lượng cá lớn thì sự thật mới được sáng tỏ.
Mặc dù vậy, rất nhiều cá voi sát thủ đã phải bỏ mạng dưới tay con người, và những thành viên may mắn sống sót dường như chưa bao giờ quên điều đó.
Loài cá voi sát thủ thường sinh sống theo bầy đàn, cùng nhau đi săn và chia sẻ con mồi.
"Bạn có thể nhìn thấy những vết sẹo trên mình những con cá voi sát thủ được gây ra do những viên đạn" - Similä cho biết. "Chúng tôi không bao giờ có thể tới gần những bầy cá voi sát thủ này. Bởi vì ngay khi nghe thấy tiếng động cơ, chúng sẽ lập tức bỏ đi".
Một bầy cá voi sát thủ thường được dẫn dắt bởi một con cái trưởng thành, và Similä nghĩ rằng những "bà mẹ thông thái" này đã dạy cho những đứa con của mình tránh xa những chiếc thuyền đánh cá.
Similä cho hay: "Tôi không biết chúng đã truyền đạt điều này với nhau bằng cách nào. Nhưng chắc chắn phải có một cách nào đó".
Cô đã chứng kiến cảnh tượng những con cá voi trưởng thành dạy cho những con non của chúng cách quẫy đuôi, cũng như cách di chuyển một quãng đường xa để theo dõi lũ cá trích.
Bằng cách gắn thẻ vệ tinh vào một số con cá voi sát thủ, Similä và các đồng nghiệp đã lập được bản đồ hành trình của chúng.
"Một con cá voi sát thủ trong số đó đã di chuyển rất xa và rất nhanh - hàng trăm cây số trong một ngày, đến nỗi chúng tôi đã nghĩ rằng nó đang được một con tàu kéo đi." - Similä chia sẻ. "Đến bây giờ, tôi vẫn cảm thấy buồn cười với suy nghĩ đó".
Similä tiếp tục kể một câu chuyện thú vị về loài cá voi sát thủ để thấy chúng ta biết ít thông tin về loài vật này như thế nào.
Yêu thương đồng loại, góc nhìn khác lạ về loài cá voi sát thủ
Năm 1996, nhóm nghiên cứu của cô đã phát hiện ra một con cá voi sát thủ nhỏ với một chiếc xương sống và vây lưng bị tổn thương nghiêm trọng. Có lẽ nó đã va chạm với một chiếc thuyền nào đó.
"Chúng tôi đặt tên cho nó là Stumpy bởi chiếc vây lưng bị tổn thương của nó" - Similä cho biết. "Stumpy không giống với bất kỳ con cá voi sát thủ nào. Nó không thể săn mồi và phải sống phụ thuộc hoàn toàn vào các thành viên khác trong đàn".
Tuy nhiên, thay vì sống với một bầy cá voi nhất định, Stumpy bơi cùng ít nhất 5 nhóm khác nhau. Và điều thú vị là, tất cả bọn chúng đều yêu thương và chăm sóc cho nó.
Có một lần, Similä đã nhìn thấy 2 con cá voi sát thủ cái đang rẽ sóng trên mặt biển, mỗi con mang theo một con cá trích lớn cho Stumpy.
Thậm chí, cô còn nghĩ rằng chúng có thể hiểu được nguyên nhân Stumpy bị thương là do những con thuyền, bởi chúng luôn giúp nó tránh xa "cơn ác mộng" này.
Similä chia sẻ: "Stumpy là bí ẩn lớn nhất đối với tôi. Không biết điều gì sẽ xảy ra khi nó trưởng thành, nhưng tôi luôn tin rằng những con cá voi khác sẽ giúp đỡ nó".
Chúng cũng là loài vật biết yêu thương và bảo vệ đồng loại. Ảnh: CNN
Các nhà nghiên cứu cho biết cá voi sát thủ là loài có tổ chức xã hội rất chặt chẽ, hơn bất cứ các loài động vật nào khác, tất nhiên là trừ con người. Đó là lý do tại sao cả bầy cá voi sát thủ sẽ mắc cạn ngay khi một thành viên nào đó vô tình đâm đầu lên bờ.
Thậm chí, một số con đực sẽ chết nếu mẹ của chúng không còn. Có lẽ đó cũng là lý do những con cá voi sát thủ khác luôn sẵn sàng giúp đỡ và bảo vệ Stumpy bé nhỏ.
Dường như không chỉ là kẻ săn mồi máu lạnh thống trị đại dương, cá voi sát thủ còn mang trong mình những tình cảm giống như con người. Điều đó hoàn toàn dễ hiểu bởi chúng là một trong những loài động vật thông minh nhất hành tinh.
Loài vật này thực sự bí ẩn, dữ dằn, săn mồi hung tợn nhưng đôi khi cũng ngập tràn tình yêu thương đồng loại và lòng trắc ẩn.
Nguồn: NationalGeographic
Tác giả: Virginia Morell/Ảnh: Paul Nicklen