Bản chất của sao chổi kỳ lạ mà nhà quan sát thiên văn nghiệp dư Gennady Borisov phát hiện năm 2019 đã được hé lộ qua một nghiên cứu mới, sử dụng dữ liệu chi tiết từ kính viễn vọng tối tân Very Large của Đài thiên văn Nam Âu (ESO).
Sao chổi liên sao đầu tiên và là vật thể liên sao thứ 2 sau một tiểu hành tinh được phát hiện bởi một nhà quan sát nghiệp dư - ảnh ESO
Bài công bố trên Nature Communications khẳng định đó quả thật là một sao chổi, nhưng là một sao chổi "trinh nữ", hoàn toàn nguyên sơ. Nó chưa ghé thăm ngôi sao nào khác trước khi tiếp cận Mặt Trời và bị con người chụp lại nhờ ở một góc thuận lợi và tương đối gần Trái Đất.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Stefano Bagnulo từ Đài quan sát và Cung thiên văn Armagh (Bắc Ireland, Vương Quốc Anh) cho biết sao chổi được đặt tên là 2I/Borisov nói trên là vật thể liên sao thứ 2 "đột nhập" hệ Mặt Trời được ghi nhận, sau tiểu hành tinh Oumuamua gây tranh cãi. Nó có các đặc tính phân cực khác với hầu hết sao chổi của hệ Mặt Trời (trừ sao chổi Hale-Bopp).
Chính sự phân cực cùng với màu sắc của sao chổi đã giúp thu thập các dữ liệu về thành phần của nó, đi đến kết luận rằng "trinh nữ không gian" này còn mang các dấu hiệu chưa hoàn thiện của đám mây khí và bụi mà từ đó nó hình thành, chưa bị ô nhiễm bởi các chuyến viếng thăm những vì sao. Sao chổi Hale-Bopp nói trên cũng mang các đặc tính nguyên sơ đó, nhưng có vẻ 2I/Borisov còn nguyên sơ hơn.
Theo Phys.org, những tương đồng về thành phần của 2 ngôi sao chổi này cũng cho thấy nơi mà 2I/Borisov hình thành phải là một hệ sao không mấy khác biệt với hệ Mặt Trời chúng ta, bởi những vật thể như chúng chính là "viên nang thời gian", mang những yếu tố sơ khai nhất từ khi hệ sao đó được hình thành.
Tiến sĩ Bagnulo tiết lộ kế hoạch tương lai của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA): phóng một thiết bị "đánh lưới" sao chổi vào năm 2029, nhằm tiếp cận sớm khi phát hiện một vật thể liên sao khác. Một mảnh của vật thể từ sao khác sẽ là cơ hội vàng để giới thiên văn trực tiếp tìm hiểu về một thế giới ngoài hệ Mặt Trời.