Trước đó, truyền thông Trung Quốc đưa tin Bắc Kinh đã mời ông Kim Jong-un sang thăm để tăng cường đòn bẩy đối với bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cho biết lời mời được gửi đi sau khi Triều Tiên đề xuất về chuyến thăm đến Chủ tịch Tập Cận Bình và ban lãnh đạo đảng Trung Quốc.
Các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc chỉ làm theo đúng nghi thức ngoại giao bằng cách gửi lời mời đến ông Kim Jong-un sau khi được đề xuất, qua đó chứng tỏ Bắc Kinh vẫn có ích đối với Bình Nhưỡng.
Chuyến thăm trên diễn ra sau khi căng thẳng phần nào giảm bớt trên bán đảo Triều Tiên, xuất phát từ kế hoạch hội đàm thượng đỉnh liên Triều và Mỹ - Triều.
Những diễn biến trên làm dấy lên thắc mắc liệu ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nước láng giềng đang sụt giảm, nhất là khi quan hệ hai bên xấu đi kể từ khi ông Kim lên nắm quyền năm 2011.
Dù vậy, Trung Quốc và Triều Tiên đều tỏ ra lạc quan về quan hệ này sau chuyến thăm của ông Kim và cho biết cả hai nhà lãnh đạo đã đồng ý gặp nhau thường xuyên hơn.
"Triều Tiên sẽ tìm cách thu về càng nhiều lợi thế càng tốt trước các cuộc gặp dự kiến với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump và Trung Quốc rõ ràng là quân bài tốt nhất giấu trong tay áo. Cuộc gặp ông Tập có thể giúp ích khi ông Kim ngồi vào bàn đàm phán bởi nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đã nhắc ông ta về lập trường của Trung Quốc đối với vấn đề hạt nhân"" - một nguồn tin quân sự giấu tên ở Bắc Kinh nhận định.
Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Yun Byung-se cho rằng ông Kim cần lời khuyên từ ông Tập về cách thức đương đầu với ông chủ Nhà Trắng vì nhà lãnh đạo Triều Tiên thiếu kinh nghiệm về ngoại giao thượng đỉnh.
Trong khi đó, ông Zhou Chenming,chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, nhận định chuyến thăm cho thấy ông Kim vẫn xem Trung Quốc là đồng minh.Trong khi đó, Bắc Kinh chấp nhận đề xuất của Bình Nhưỡng vì muốn tái khởi động cuộc đàm phán 6 bên đang bị đình trệ, được Trung Quốc xem là giúp ích cho nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân.
Tuy nhiên, ông Zhou thừa nhận Trung Quốc không có nhiều ảnh hưởng đối với Triều Tiên và động cơ đằng sau chuyến thăm là lợi ích của chính Bình Nhưỡng.
Liên Hợp Quốc duy trì sức ép lên Bình Nhưỡng
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 30-3 đưa vào danh sách đen 21 công ty, 27 con tàu và 1 doanh nhân Đài Loan bị cáo buộc giúp Triều Tiên tránh né các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế.
Trong danh sách này có 2 công ty Trung Quốc - Shanghai Dongfeng Shipping và Weihai World Shipping Freight - bị cáo buộc chở than Triều Tiên trên tàu họ. Những công ty bị trừng phạt khác đóng tại Triều Tiên, Singapore, Samoa, quần đảo Marshall, Panama và Hồng Kông. Ngoài ra, 13 tàu chở dầu và tàu hàng Triều Tiên bị cấm cập cảng khắp thế giới.
Một nguồn tin ngoại giao Liên Hợp Quốc nói gói trừng phạt mới nhất nói trên nhằm duy trì sức ép lên Bình Nhưỡng bất chấp những nỗ lực ngoại giao gần đây dẫn đến kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ - Triều.