Đây là thông tin đăng trong bản báo cáo trên tờ Korea Observer hồi tháng 12/2016. Với tiêu đề "Chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên", giáo sư danh dự tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), ông Theodore Postol và kỹ sư hàng không Markus Schiller tại Trung tâm phân tích ST ở Munich nhận định:
SLBM KN-11 của Triều Tiên được cho có tầm bắn hơn 600 km nếu như được trang bị đầu đạn hạt nhân nặng 1 tấn. Điều này đồng nghĩa với việc trên lý thuyết, toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc sẽ nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên.
Triều Tiên phóng tên lửa từ tàu ngầm hồi năm 2015
Cũng theo hai chuyên gia trên, một khi SLBM KN-11 được trang bị đầu đạn hạt nhân nặng 1 tấn, tầm bắn của tên lửa có thể lên tới 800 km tuy nhiên vẫn cần có thêm chi tiết để đánh giá đúng phạm vi hoạt động tối đa của KN-11.
"Một khi sử dụng các tàu ngầm chạy diesel - điện để phóng KN-11, chắc chắn loại tên lửa này sẽ được Triều Tiên trang bị đầu đạn hạt nhân thế hệ đầu tiên và triển khai từ các khu vực rộng lớn trên biển", bản báo cáo viết.
Cũng theo bản báo cáo trên, sau khi Triều Tiên hoàn thành phát triển SLBM KN-11, hệ thống phòng thủ tên lửa như THAAD của Mỹ dự kiến được triển khai tại Hàn Quốc trong năm 2017, sẽ chưa thể sẵn sàng đối phó với KN-11 bởi THAAD mới chỉ đủ sức tiêu diệt các tên lửa mà Triều Tiên phóng từ một khu vực đã được xác định từ lãnh thổ nước này.
Trước đó, giới chức quân sự Mỹ cũng đã đưa ra đánh giá cho rằng công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên đang tiến tới giai đoạn "phải cân nhắc".
Bởi theo họ, bất cứ quốc gia nào có khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân cỡ 1 tấn và đường kính là 90 cm, thì xem như quá trình phát triển đã thành công. Còn lâu nay, Triều Tiên được cho đã tiến hành nghiên cứu thu nhỏ trọng lượng đầu đạn hạt nhân dưới 700 kg để phù hợp với mọi loại tên lửa đạn đạo mà nước này đang sở hữu.
Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, trọng lượng của loại đầu đạn gắn trên tên lửa tầm ngắn Scud của Triều Tiên là khoảng 770 - 1.000 kg trong khi tên lửa tầm trung Rodong có thể tích hợp đầu đạn nặng 700 kg và tên lửa Musudan mang đầu đạn 650 kg.
Dù nhiều chuyên gia cảnh báo Bình Nhưỡng đã thành công trong việc tích hợp đầu đạn hạt nhân lên tên lửa nhưng theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Bình Nhưỡng vẫn chưa đạt được bước tiến này.
Nhưng không thể phủ nhận trong năm 2016, Triều Tiên đã dành thêm được bước đột phá mới trong công nghệ SLBM thông qua 3 vụ thử tên lửa vào tháng 4,7,8. Đáng nói, trong vụ thử thứ ba, SLBM của Triều Tiên đã đạt tầm bay xa 500 km và rơi xuống vùng phòng không của Nhật Bản trên biển Hoa Đông.
Quan chức cấp cao ngoại giao của Triều Tiên nhưng đã đào tẩu sang Hàn Quốc, ông Thae Yong-ho mới đây tiết lộ nhà lãnh đạo Kim Jong-un quyết tâm hoàn thành chương trình phát triển vũ khí hạt nhân vào cuối năm 2017.
Còn trong bài phát biểu nhân dịp năm mới hôm 1/1, ông Kim tuyên bố Triều Tiên đang bước vào giai đoạn cuối cùng trước khi cho thử nghiệm một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) với khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân.
Trong khi đó, trên lý thuyết, ICBM KN-08 của Triều Tiên có tầm bắn hơn 10.000 km được cho có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ.