Đài CNN cho rằng động thái trên dường như đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong chính sách của nước này trước thềm các cuộc hội nghị thượng đỉnh sắp tới.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng Bình Nhưỡng có thể tìm kiếm thứ gì đó để đổi lấy bước đi trên tại các cuộc hội đàm cấp cao dự kiến sắp diễn ra với Hàn Quốc và Mỹ.
Bà Sue Mi Terry, cựu chuyên gia phân tích về Triều Tiên của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nhận định Bình Nhưỡng có thể muốn cộng đồng quốc tế nới lỏng trừng phạt.
Trong khi đó, ông Jeffrey Lewis, chuyên gia tại Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury (MIIS - Mỹ) nói thông báo trên không có nghĩa là Triều Tiên sẽ từ bỏ những vũ khí hạt nhân đã phát triển hoặc không bao giờ còn thử hạt nhân nữa. Bãi thử hạt nhân vẫn còn đó và Bình Nhưỡng có thể nối lại hoạt động này bất cứ lúc nào thấy cần.
Ông Lewis nói thêm rằng không có gì lạ khi Triều Tiên sẽ không thử hạt nhân trước thềm các hội nghị cấp cao sắp tới vì những tác động tiêu cực tiềm tàng. "Tại sao không đưa ra thông báo như thế và nhận được sự tán dương. Họ sẽ không từ bỏ bất kỳ thứ gì" - chuyên gia này cho biết..
Cũng theo ông Lewis, Bình Nhưỡng từng thông báo dừng chương trình hạt nhân của mình trước đó. Việc thử tên lửa bị dừng trong giai đoạn 1999-2006 trong lúc nhà máy dùng để sản xuất plutoni cho vũ khí từng bị đóng cửa.
Ngoài ra, bước đi trên có thể báo hiệu ông Kim Jong-un hài lòng với tiến bộ của chương trình hạt nhân nên thấy không cần phải thử gì nữa - theo chuyên gia về kiểm soát vũ khí Melissa Hanham tại MIIS. Chuyên gia này nói thêm đây còn là động thái "tuyên truyền gây ấn tượng" bởi ông Kim Jong-un có thể dễ dàng chấm dứt việc đóng băng thử hạt nhân, tên lửa bất kỳ khi nào.
Đánh giá bi quan hơn, theo ông Lewis, là chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên đã chuyển từ giai đoạn thử nghiệm sang phát triển và nước này đang "dự trữ vũ khí và tên lửa".
Phi hạt nhân hóa dự kiến là trọng tâm của các hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ - Triều sắp tới.
Tuy nhiên, đài BBC cho rằng tuyên bố đưa ra hôm 21-4 của Triều Tiên không cho thấy dấu hiệu nước này có ý định đi theo con đường này. Trái lại, nó giống như tuyên bố của một quốc gia đang sở hữu vũ khí hạt nhân và không có ý định từ bỏ nó.
Vì thế, theo một số nhà phân tích, điều quan trọng là các cuộc hội đàm này cần tập trung làm rõ chính xác Bình Nhưỡng đã từ bỏ gì và vẫn còn giữ lại gì.