Triều Tiên liên tục thử tên lửa, Mỹ - Hàn có dám “động binh"?

Trịnh Ngọc Tiến |

Hiện tại, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh, có thể phát động tấn công bất ngờ mà không cần tuyên chiến.

Không bên nào chịu "xuống thang"

Nguyên do của căng thẳng là việc Triều Tiên liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa tầm xa liên lục địa (ICBM) và tuyên bố sẵn sàng thử hạt nhân nếu thấy cần thiết, bất chấp cấm vận của Mỹ, sự phản đối của Liên Hợp Quốc cũng như sự lo ngại của cộng đồng quốc tế.

Trước hành động của Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc đã liên tục phát đi những "cảnh báo", "giới hạn". Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn đe dọa Bình Nhưỡng sẽ phải hứng chịu "hỏa lực và cuồng nộ chưa từng thấy" sau khi tình báo Mỹ đánh giá Triều Tiên đã sản xuất được đầu đạn hạt nhân thu nhỏ và nước này có thể có tới 60 thiết bị hạt nhân.

Để răn đe Triều Tiên, liên quân Mỹ - Hàn đã tổ chức hàng loạt cuộc tập trận chung, đồng thời gia tăng các hoạt động quân sự trên bán đảo.

Triều Tiên liên tục thử tên lửa, Mỹ - Hàn có dám “động binh? - Ảnh 1.

Tướng Terrence, Tư lệnh Không quân Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương. Ảnh: Pacaf

Tướng Terrence, Tư lệnh Không quân Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương nói: "Triều Tiên vẫn là mối đe dọa cấp bách nhất đối với sự ổn định khu vực. Giải quyết bằng biện pháp ngoại giao vẫn là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, chúng tôi có trách nhiệm thể hiện cam kết an ninh bền vững của Mỹ đối với các đồng minh".

"Trong trường hợp xấu nhất, chúng tôi (Mỹ) đã có kế hoạch ứng phó; nếu có tình huống chiến tranh, chúng tôi sẵn sàng triển khai lực lượng, đảm bảo nhanh chóng, áp đảo ở mọi thời gian và địa điểm".

Phản ứng trước những tuyên bố cứng rắn của Mỹ, hãng thông tấn Nhà nước Triều Tiên KCNA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố:

"Điều này cho thấy những động thái liều lĩnh của Mỹ nhằm xâm lược Triều Tiên đã bước vào giai đoạn nghiêm trọng. Triều Tiên sẵn sàng phản ứng trước mọi kiểu chiến tranh mà Mỹ muốn. Chúng tôi sẽ có hành động đáp trả cứng rắn nhất bằng sức mạnh của vũ khí với những kẻ khiêu khích để tự vệ".

Những hành động và tuyên bố cứng rắn của Triều Tiên, cũng như liên quân Mỹ - Hàn khiến tình hình bán đảo Triều Tiên đã "nóng" lại càng tăng "nhiệt".

Liệu chiến tranh có xảy ra?

Ông Adam Mount, một thành viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu & phát triển Mỹ nói với CNN:

"Nguy cơ bùng phát chiến tranh trên bán đảo – hoặc chiến tranh tổng lực, hoặc chiến tranh hạn chế - đã tồn tại kể từ khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (1953). Trong lịch sử, cả Mỹ lẫn Triều Tiên đã chứng minh rằng họ có thể kiềm chế, giảm bớt khủng hoảng (và) bước ra khỏi bờ vực chiến tranh. Hai bên đều muốn né tránh một cuộc chiến mà không ai mong đợi".

Những hành động khiêu khích của cả hai bên, về lý thuyết có thể bùng nổ thành một cuộc chiến vì các bên không có hiệp định hòa bình. Hiện tại, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh, có thể phát động tấn công bất ngờ mà không cần tuyên chiến. Nhưng quan sát từ góc độ thực tế thì điều này rất khó xảy ra.

Về chính trị

Thế kỷ XXI là thế kỷ của đối thoại, những chính sách ngoại giao "pháo hạm" hiện nay không được ủng hộ và chấp nhận. Bản thân Triều Tiên cũng không phải là quốc gia dễ bị "bắt nạt" như Iraq, Syria hay Libya.

Triều Tiên là nước có chủ quyền. Dù họ có liên tục thử tên lửa (thậm chí là thử vũ khí hạt nhân) thì Mỹ cũng khó tạo cớ để phát động chiến tranh mà chỉ có thể "tăng cường cấm vận" mà thôi. Nếu Mỹ cố tình tạo cớ xâm lược thì sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận quốc tế cũng như ngay chính trong lòng nước Mỹ.

Bên cạnh đó, Triều Tiên là một quốc gia có tình hình chính trị ổn định, các tầng lớp nhân dân luôn tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng Lao động Triều Tiên, đứng đầu là Chủ tịch Kim Jong Un. Dù Mỹ tiến hành chiến tranh tâm lý thế nào thì cũng không thể tạo ra những cuộc "cách mạng màu" hay "mùa xuân Arab" ở Triều Tiên để có thể tạo cớ can thiệp.

Triều Tiên liên tục thử tên lửa, Mỹ - Hàn có dám “động binh? - Ảnh 2.

Lãnh đạo Kim Jong Un được nhân dân Triều Tiên yêu mến, tin tưởng. Ảnh: AP

Về kinh tế

Đông Bắc Á là khu vực kinh tế phát triển của thế giới với những nền kinh tế đứng đầu như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga. Nếu chiến tranh xảy ra hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc, khi hàng loạt các cơ sở kinh tế bị phá hủy dẫn đến khủng hoảng kinh tế quốc tế. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Mỹ cũng như toàn thế giới.

Về quân sự

Hiện nay, Triều Tiên duy trì một quân đội với quân số nên tới 1,2 triệu quân thường trực và có thể huy động 5 đến 6 triệu quân dự bị nếu có tình huống chiến tranh. Quân đội Triều Tiên được trang bị tốt và luôn ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao.

Triều Tiên liên tục thử tên lửa, Mỹ - Hàn có dám “động binh? - Ảnh 3.

Quân đội Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Nếu liên quân Mỹ - Hàn tiến công Triều Tiên, thì Triều Tiên chỉ cần dựa vào lực lượng của chính mình cũng đủ gây cho liên quân Mỹ - Hàn những thiệt hại rất lớn và chắc chắn rằng cuộc chiến này khó có người chiến thắng.

Bên cạnh đó, địa hình Triều Tiên phần lớn là đồi núi hiểm trở, không giống như địa hình sa mạc Trung Đông hay đồng bằng châu Âu mà Mỹ có thể phô diễn chiến tranh tổng lực.

Nếu xung đột xảy ra, liên quân Mỹ-Hàn phải đưa lục quân vào giải quyết chiến trường, lúc này họ sẽ phải chiến đấu trực tiếp với quân đội Triều Tiên tinh nhuệ, thiện chiến và thương vong lớn là điều không thể tránh khỏi. Khi xảy ra thương vong thì dư luận nước Mỹ sẽ không để yên.

Về thảm họa nhân đạo

Nếu chiến tranh bùng nổ, hàng triệu người dân Triều Tiên sẽ phải di tản và nhóm người này không biết đi đâu, ngoài "dạt" sang Trung Quốc. Khi đó, Bắc Kinh sẽ phải lo cho họ từ ăn uống, cho tới sinh hoạt... Đây là những hậu quả mà chẳng ai mong muốn. Do vậy, Trung Quốc bằng sức mạnh và vai trò của mình cũng không dễ để liên quân Mỹ-Hàn tấn công Triều Tiên.

Vòng xoáy chiến tranh

Hai miền Triều Tiên bị chia cắt chính là hệ quả của Chiến tranh Lạnh. Hiện tại giữa hai miền đều có sự "chống lưng" của các cường quốc. Với Triều Tiên đó là mối quan hệ đặc biệt Trung-Triều, vừa là "đồng chí", vừa là "anh em". Dù mối quan hệ này có lúc "ấm", lúc "lạnh" nhưng Trung Quốc vẫn là "đồng minh chủ lực" của Triều Tiên.

Nếu cuộc xung đột Mỹ - Triều xảy ra, thì Trung Quốc không thể "tọa sơn quan hổ đấu". Có thể sẽ không có cuộc "viện Triều kháng Mỹ" như 67 năm trước. Nhưng chắc chắn một điều, Trung Quốc sẽ không đứng nhìn Triều Tiên sụp đổ nhanh chóng. Mà sẽ tiến hành viện trợ quân sự, kinh tế để Triều Tiên kháng Mỹ.

Bên cạnh Triều Tiên là Nga. Dẫu không còn vai trò như Liên Xô trước đây, nhưng với vị thế của Nga trên bản đồ địa chính trị thế giới như hiện nay cũng không để Mỹ "một mình một chợ" dễ dàng phát động cuộc chiến xâm lược Triều Tiên.

Lực cản từ "kỳ tích sông Hàn" và "sự thần kỳ Nhật Bản"

Nếu chiến tranh hai miền nam bắc Triều Tiên bùng nổ, những nước lo lắng nhất chính là Hàn Quốc và Nhật Bản. Trải qua thời gian phát triển kinh tế nhanh chóng, hiện Tokyo và Seoul được xếp vào những nền kinh tế phát triển cao của thế giới. Nếu chiến tranh xảy ra, những nước này sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Triều Tiên liên tục thử tên lửa, Mỹ - Hàn có dám “động binh? - Ảnh 4.

Đường phố Seoul đông đúc. Ảnh: BBC

Vẫn còn nhiều tranh cãi về việc liệu các tên lửa của Triều Tiên có thể vươn tới Mỹ hay không, nhưng nếu xung đột xảy ra, rất có thể Bình Nhưỡng sẽ đáp trả Washington bằng cách tấn công Seoul và Tokyo với tên lửa đạn đạo gắn đầu đạn hạt nhân.

Do đó, không phải Trung Quốc hay Nga, mà chính Hàn Quốc và Nhật Bản mới là những nước lo lắng nhất và họ sẽ làm tất cả để ngăn chặn nguy cơ chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên.

Chiến tranh Triều Tiên đã dẫn đến cái chết của khoảng 600.000 người Bắc Triều Tiên và 1 triệu dân thường Hàn Quốc, cùng với hàng trăm ngàn binh lính của tất cả các bên tham chiến. Những ký ức lịch sử kinh hoàng này sẽ góp phần "làm lạnh" những cái đầu hiếu chiến của các bên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại