Triều Tiên chính thức kích hoạt hiệp ước với Nga
"Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện được các nhà lãnh đạo Nga – Triều Tiên nhất trí trong tháng 6/2024 đã chính thức có hiệu lực vào ngày 4/12/2024 thông qua việc trao đổi 'các văn bản phê chuẩn' tại Moscow" – Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA cho hay.
Hiệp ước này được ký kết trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Bình Nhưỡng và tham dự hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un vào tháng 6 năm nay.
Hiệp ước sẽ đóng vai trò là động lực mạnh mẽ thúc đẩy việc thiết lập trật tự thế giới đa cực độc lập và công bằng, không có sự thống trị, khuất phục và bá quyền, KCNA nhấn mạnh.
Theo hãng tin Sputnik (Nga), Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Jong Gyu và Thứ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Andrey Rudenko đã ký nghị định thư trao đổi văn kiện phê chuẩn.
Điều thứ 4 trong Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện Nga – Triều nêu rõ: "Nếu một trong hai phía phải hứng chịu cuộc tấn công vũ trang từ bất cứ quốc gia nào và rơi vào tình trạng chiến tranh thì phía còn lại trong hiệp ước sẽ ngay lập tức cung cấp hỗ trợ quân sự và mọi phương thức hỗ trợ khác có thể".
Tuần trước, trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov tới Bình Nhưỡng, ông Kim Jong Un đồng thời tuyên bố "quân đội và nhân dân Triều Tiên sẽ luôn ủng hộ chính sách của Liên bang Nga nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ".
Hơn 100 khẩu pháo và 11.000 quân Triều Tiên lộ động thái mới
Theo hãng thông tấn AFP (Pháp), tuyên bố thực thi Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện Nga-Triều được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã điều động gần 11.000 quân tới hỗ trợ Nga chiến đấu chống lại lực lượng vũ trang Ukraine.
Con số này được Bộ Tổng tham mưu Ukraine cung cấp hôm 25/11, sau đó Cơ quan tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) một lần nữa xác nhận.
Bên cạnh đó, việc Triều Tiên đưa ra tuyên bố về hiệp ước với Nga trong khi "im ắng kỳ lạ" trước tình hình hỗn loạn xoay quanh vụ thiết quân luật ngày 3/12 tại Hàn Quốc càng làm dấy lên nhiều câu hỏi về tính toán của Bình Nhưỡng.
Theo hãng tin CNN (Mỹ), mọi sự chú ý đang đổ dồn về Triều Tiên. Giới chuyên gia cho rằng, Bình Nhưỡng có thể muốn tận dụng tình hình hỗn loạn tại Hàn Quốc để giành lợi thế. Song, cũng có ý kiến nhận định, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đang có quan tâm riêng trong việc có được những công nghệ tiên tiến từ Moscow và kinh nghiệm chiến đấu cho quân đội Triều Tiên để đổi lại việc điều quân hỗ trợ Nga.
Trong diễn biến mới nhất, tạp chí Forbes (Mỹ) dẫn lời người đứng đầu Trung tâm chống thông tin sai lệch tại Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia Ukraine Andriy Kovalenko cho hay, Triều Tiên đã chuyển giao 100 hệ thống pháo cho Nga, trong đó có pháo tự hành M-1989 Koksan và các hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS) M-1991.
Con số này đã tăng lên so với mức 70 khẩu pháo mà NIS đưa ra hôm 20/11. Một số hệ thống đã bắt đầu được triển khai trong các cuộc giao tranh gần đây.
Pháo tự hành của Triều Tiên có tầm bắn tới 40km và các hệ thống MLRS đạt tầm bắn 60km. Đáng lưu ý, M-1991 trang bị đạn rocket cỡ nòng 240mm, nặng 85kg, "vượt trội hơn tất cả các hệ thống pháo sẵn có của Ukraine, ngoại trừ tổ hợp HIMARS do Mỹ cung cấp".
Quân đội Triều Tiên thường cất giấu M-1991 trong các pháo đài trên núi, dọc theo khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền liên Triều. Trong thời chiến, các hệ thống này có thể bắn phá mục tiêu ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington D.C, M-1991 là "phương tiện chủ lực mà Triều Tiên sử dụng để đặt Seoul nói riêng và Hàn Quốc nói chung và thế nguy hiểm, từ đó củng cố năng lực răn đe".
Khi được đưa vào biên chế quân đội Nga, các hệ thống M-1991 có thể tấn công chiến hào của quân Ukraine và bắn trả vào các hệ thống pháo của Kiev. Đặc biệt, theo tạp chí Mỹ, tỉnh Kharkiv của Ukraine cũng nằm trong tầm bắn của M-1991.
Theo hãng thông tấn Interfax-Ukraine, ngoài các hệ thống pháo, Triều Tiên còn cung cấp cho Nga hơn 100 tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-23/24 và khoảng 5 triệu quả đạn pháo.
Cũng trong ngày 4/12, theo hãng thông tấn RBC-Ukraine, các binh sĩ từ Lữ đoàn đặc nhiệm 92 và 94 của quân đội Triều Tiên đang được bàn giao cho các đơn vị quân đội Nga tham chiến tại Kursk, trong đó có Trung đoàn súng trường cơ giới 22, Lữ đoàn bộ binh hải quân cận vệ 810 và Lữ đoàn tấn công đường không độc lập số 11. Số binh sĩ này nằm trong gần 11.000 binh sĩ Triều Tiên đã được triển khai tới Kursk.
Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết, quân đội Nga với sự hỗ trợ của lực lượng Triều Tiên đang tìm cách giành lại quyền kiểm soát các vị trí mà quân Ukraine chiếm đóng ở Kursk. Gần đây nhất, vào giữa tháng 11, quân đội Nga đã phát động một cuộc tấn công lớn ở Kursk "nhưng thiệt hại 17 phương tiện quân sự cùng lúc do chúng rơi vào bãi mìn mà Ukraine bố trí".
Các đơn vị của Ukraine cũng tổ chức các đợt phản công. Tuy nhiên, theo thống kê của hãng tin Reuters (Anh), Kiev đã mất 40% lãnh thổ kiểm soát tại khu vực Kursk.
RBC-Ukraine cho biết thêm rằng, Nga vừa điều động Thiếu tướng Mevlyutov, phó chỉ huy phụ trách hỗ trợ nguồn lực của Quân khu Leningrad để hỗ trợ giải quyết chế độ lương thực cung ứng cho lực lượng Triều Tiên.