Kiev nã tên lửa, nghi bắn ATACMS đúng trung tâm chỉ huy quân Nga; 2 nước lộ khả năng đưa quân tới Ukraine

Minh Minh |

Trung tâm chỉ huy của Lữ đoàn đổ bộ đường không 83 (Nga) đóng tại Kursk được cho là đã trúng tên lửa ATACMS trong cuộc tấn công mới nhất của Ukraine.

Ukraine tấn công tên lửa, nghi nã ATACMS

Trang tin Avia.Pro (Nga) đưa tin, lực lượng Ukraine đã phát động một cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào tỉnh Kursk (Nga) trong ngày 2/12, nghi sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp.

"Báo động tên lửa! Nếu các bạn đang ở nhà, hãy trú ẩn trong những căn phòng có tường vững chãi và không có cửa sổ, như phòng tắm, phòng chứa đồ. Nếu bạn đang ở ngoài, hãy tìm đến tòa nhà gần nhất hoặc nơi trú ẩn phù hợp" – Kênh truyền thông của tỉnh Kursk thông báo hôm 2/12 qua Telegram.

Theo Avia.Pro, lực lượng Ukraine được cho là đã tìm cách tấn công ATACMS vào Kursk một lần nữa, do những tên lửa này có tầm bắn xa và độ chính xác cao, cho phép chúng tấn công các mục tiêu ngoài tiền tuyến.

Ukraine được cho là vừa tiến hành thêm một cuộc tấn công bằng ATACMS vào lãnh thổ Nga. Ảnh: TWZ

Trong khi đó, trang tin Sohu (Trung Quốc) dẫn nguồn từ "các kênh Telegram thân Nga" cho biết, cuộc tấn công mới nhất bằng ATACMS của Ukraine vào Kursk đã đánh trúng trung tâm chỉ huy của Lữ đoàn đổ bộ đường không 83 đóng tại Kursk.

Đáng lưu ý, theo các nguồn tin này, cuộc tấn công đã gây ra tổn thất đáng kể cho Nga, với 12 quân nhân thiệt mạng, trong đó có 4 sĩ quan. Ngoài ra còn có 25 binh sĩ khác bị thương trong vụ việc.

Hiện Bộ Quốc phòng Nga chưa đưa ra bình luận nào về các thông tin trên.

Trước đó, Ukraine đã phát động 2 cuộc tấn công bằng ATACMS vào tỉnh Kursk trong các ngày 23/11 và 25/11. Bộ Quốc phòng Nga đã công bố đoạn video ghi lại mảnh vỡ tên lửa ATACMS tại hai địa điểm – sân bay Kursk-Vostochny (Khalino) và vị trí triển khai tên lửa phòng không S-400 gần khu định cư Lotarevka ở Kursk.

Trong cuộc tấn công đầu tiên, 5 tên lửa ATACMS đã trút xuống Lotarevka. Lực lượng phòng không Nga, với các tổ hợp phòng không Pantsir và S-400, đã bắn hạ được 3 tên lửa, nhưng 2 tên lửa đã đánh trúng mục tiêu. Kết quả, radar của S-400 đã bị hư hại. Bộ Quốc phòng Nga đồng thời thông báo có thương vong về người.

Trong cuộc tấn công thứ hai, 8 tên lửa ATACMS đã tấn công vào sân bay ở Kursk. Trong đó, 7 tên lửa bị bắn hạ, 1 tên lửa trúng mục tiêu, khiến 2 quân nhân Nga bị thương và cơ sở hạ tầng bị hư hại nhẹ.

Bộ Quốc phòng Nga công bố hình ảnh mảnh vỡ tên lửa ATACMS.

Pháp, Anh cân nhắc đưa quân tới Ukraine hỗ trợ ngừng bắn

Ngoài ATACMS, Ukraine hiện đã được Anh – Pháp cho phép sử dụng tên lửa tầm xa Storm Shadow và SCALP-EG để tấn công lãnh thổ Nga.

Theo tạp chí Military Watch (Mỹ), Anh và Pháp đã thực hiện các đợt chuyển giao 2 loại tên lửa này với số lượng lớn cho Ukraine, trong đó 150 tên lửa được cung cấp trước ngày 19/11 – ngay trước thời điểm Ukraine được cấp phép tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa phương Tây.

Ngày 22/11, khi trả lời phỏng vấn hãng tin BBC (Anh) về việc "liệu tên lửa tầm xa của Pháp có sớm được (Ukraine) bắn vào lãnh thổ Nga hay không?", Bộ trưởng Châu Âu và Ngoại giao Cộng hòa Pháp Jean-Noel Barrot nhấn mạnh: "Theo logic tự vệ, Ukraine có thể sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga".

Pháp và Anh cân nhắc khả năng điều quân tới Ukraine. Ảnh: Kyiv Independent

Tuy nhiên, song song với việc cung cấp tên lửa, Pháp và Anh đang đồng thời thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng với Nga.

Tờ Kyiv Independent ngày 3/12 dẫn lời một quan chức cấp cao NATO cho biết, Paris và London đang xem xét phương án hỗ trợ Ukraine trong các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng với Nga, bao gồm cả phương án triển khai quân đội Anh và Pháp tới giám sát lệnh ngừng bắn dọc theo chiến tuyến.

Theo quan chức này, các cuộc thảo luận riêng lẻ đang diễn ra ở từng nước. Mục đích là để chuẩn bị cho nhiều kịch bản khác nhau, đảm bảo các nước châu Âu sẵn sàng hỗ trợ Kiev nếu chính quyền mới của Mỹ đề nghị châu Âu có sự can dự lớn hơn vào tình hình hiện tại.

Đề xuất mới cũng nhằm đảm bảo các nước đồng minh châu Âu tham gia vào tiến trình đàm phán mà Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể làm trung gian.

Đề cập tới các cuộc đàm phán về việc triển khai quân đội tới Ukraine, tờ Le Monde (Pháp) cho biết, các cuộc thảo luận giữa Pháp và Anh về việc dẫn đầu một liên minh quân sự tại Ukraine "đã có những tiến triển".

Trước đó, Bộ trưởng Barrot đã lưu ý với BBC News về việc Pháp "không loại trừ bất cứ lựa chọn nào" để hỗ trợ Ukraine.

"Pháp sẽ hỗ trợ Ukraine mạnh mẽ và lâu dài khi cần thiết. Tại sao? Bởi an ninh của chúng tôi đang bị đe dọa. Mỗi lần quân đội Nga tiến thêm một kilomet vuông, mối đe dọa sẽ tiến gần châu Âu thêm một kilomet vuông," ông nói.

Theo Kyiv Independent, ý tưởng về việc đưa quân đội phương Tây tới Ukraine được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề cập lần đầu tiên vào tháng 2 năm nay. Ông một lần nữa nhắc lại chủ đề này vào tháng 5 và nhấn mạnh rằng nếu lực lượng Nga bẻ gãy phòng tuyến Ukraine và Kiev yêu cầu hỗ trợ, Pháp sẽ nghiêm túc cân nhắc triển khai quân đội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại