Triều Tiên có tấn công Guam không: Câu trả lời bất ngờ nằm ngay ở tuyên bố của Bình Nhưỡng

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Mỹ và Triều Tiên lại đang làm thế giới ngỡ ngàng, ngỡ ngàng vì cuộc khẩu chiến bùng phát và leo thang với mức độ quyết liệt chưa từng thấy.

Chưa có Tổng thống Mỹ nào dùng ngôn từ đe doạ Triều Tiên như ông Donald Trump, hiện tại và trước ông Trump cũng chỉ có mỗi Tổng thống Mỹ Harry S. Truman đe doạ Nhật Bản như thế ngay sau khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản hồi tháng 8.1945.

Chưa khi nào từ trước đến nay, Triều Tiên lại đi xa đến như thế trong việc công khai hoá ý định tấn công Mỹ. Năm 2013, Triều Tiên đã lộ ý định sẵn sàng tấn công tên lửa vào đảo Guam, nhưng mới chỉ vậy thôi chứ không gây ồn ào như hiện tại.

Triều Tiên dùng lại con bài tấn công tên lửa vào Guam để thể hiện phản ứng về tuyên bố ngay trước đó của ông Trump rằng, Mỹ sẽ trút lửa và thịnh nộ xuống Triều Tiên nếu nước này không chấm dứt đe doạ Mỹ, tức là nếu nước này cứ tiếp tục chương trình hạt nhân và tên lửa.

Triều Tiên có tấn công Guam không: Câu trả lời bất ngờ nằm ngay ở tuyên bố của Bình Nhưỡng - Ảnh 1.

Một vụ thử tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: Reuters

So với từ trước đến nay, cách thức hành xử như thế của hai phía không có gì mới lạ. Họ vẫn luôn lấy cương chế cương, ăn miếng trả miếng và leo thang căng thẳng, đối đầu như thế. Họ vẫn luôn suy nghĩ và hành động theo hướng dùng doạ dẫm và răn đe lẫn nhau để ngăn cản tấn công quân sự lẫn nhau.

Cuộc khẩu chiến đơn thuần

Cuộc khẩu chiến lần này cũng như thế. Cả hai càng làm găng với nhau, cuộc khẩu chiến càng quyết liệt và đối địch biểu hiện ra bên ngoài càng rõ ràng thì càng ít khả năng xảy ra đụng độ quân sự trực tiếp giữa hai bên.

Hai bên là kẻ thù của nhau, luôn tỏ ra sẵn sàng xung trận để sống mái với nhau nhưng trong thực chất lại giống nhau ở chỗ không dám để xảy ra chiến tranh mới.

Nhưng vì chiến tranh cũng thường bùng phát không phải do chủ định từ trước của bên này hay bên kia mà là kết quả không còn có thể kiểm soát được nữa của phản ứng dây chuyền nhiều sự kiện nên hai phía này cũng còn giống nhau ở chủ ý là không để tình hình diễn biến vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Ông Trump doạ Triều Tiên với những ngôn từ to tát như thế bởi hai lẽ.

Thứ nhất, ngoài cách ấy ra thì hiện tại Mỹ đâu có cách nào khác nữa để buộc Triều Tiên chấm dứt chương trình tên lửa và hạt nhân. Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã có tới 8 nghị quyết trừng phạt Triều Tiên. Trung Quốc và Nga cũng đã tham gia trừng phạt Triều Tiên. Mỹ và hai đồng minh quân sự chiến lược truyền thống ở khu vực là Hàn Quốc và Nhật Bản vừa tăng cường vũ trang vừa đẩy mạnh tập trận chung để đối phó.

Mấy tháng trước đây, ông Trump còn điều động cả một lực lượng quân sự hùng hậu triển khai ở ngoài khơi bờ biển của Triều Tiên. Khẩu chiến như thế giúp ông Trump có thêm thời gian để mưu tính bước đi tiếp theo.

Triều Tiên có tấn công Guam không: Câu trả lời bất ngờ nằm ngay ở tuyên bố của Bình Nhưỡng - Ảnh 2.

Thứ hai, tính cách cá nhân của ông Trump là như thế. Ông thích ăn to nói lớn, ưa phô trương sức mạnh quân sự của Mỹ và muốn thể hiện là luôn sẵn sàng làm cả những gì mà người tiền nhiệm đã không làm hoặc không dám làm với Triều Tiên.

Triều Tiên lại chọn Guam làm mục tiêu chủ định tấn công, như năm 2013, cũng vì hai lẽ.

Thứ nhất, đảo này là căn cứ quân sự chiến lược quan trọng nhất của Mỹ ở vùng phía Tây Thái Bình Dương, là cửa ngõ của Mỹ quan sát tới khu vực Đông Á và từ đó xuất phát máy bay các loại mà Mỹ đã dùng trong thời gian vừa qua để thị uy Triều Tiên.

Nó lại nằm gọn trong tầm bắn của loại tên lửa Triều Tiên mà uy lực đã được chứng tỏ đến mức Mỹ không còn có thể nghi ngờ. Tức là Mỹ bị đe doạ thật chứ không phải không có cơ sở.

Thứ hai, nhằm vào Guam hàm ý Triều Tiên chỉ khẩu chiến chứ không thật sự chủ định tấn công Guam. Nghe mâu thuẫn nhưng điều này có nguyên cớ sâu xa của nó. Năm 2013, sau khi Triều Tiên doạ phóng tên lửa vào Guam, Tổng thống Mỹ khi ấy là Barack Obama đã cho thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên đảo này, tức là Mỹ đã phòng thủ từ lâu.

Hơn nữa, Triều Tiên tuyên cáo thế làm mất đi tác dụng bất ngờ và Mỹ có thể phòng thủ thêm hiệu quả đủ mức để đảm bảo tên lửa của Triều Tiên không thể tiếp cận mục tiêu trên đảo.

Chắc chắn Triều Tiên sẽ không tiến hành cuộc tấn công khi ngay từ đầu biết rằng xác suất thành công chỉ rất nhỏ. Người đứng đầu chính quyền ở đảo Guam cho biết sác xuất ấy chỉ bằng 0,00001%.

Cho nên có thể thấy hai bên chỉ khẩu chiến nhau thế thôi.

* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại