Trong hàng thập niên qua, Hàn Quốc là một trong những quốc gia nhập xuất thiết bị và công nghệ quân sự lớn nhất trên thế giới mà chủ yếu từ Mỹ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngành công nghiệp quốc phòng nội địa của Hàn Quốc cũng đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh chóng.
Cụ thể, theo số liệu thống kê của chính phủ Hàn Quốc, chỉ trong 10 năm qua, hoạt động xuất khẩu vũ khí của nước này đã tăng gấp 10 lần từ 253 triệu USD lên con số 2,5 tỷ USD vào năm 2016. Trong đó, các loại vũ khí như tên lửa, tàu ngầm, chiến đấu cơ và pháo cối của Hàn Quốc đã trở nên phổ biến ở khu vực Đông Nam Á, Đông Âu và Nam Mỹ.
“Quân đội Hàn Quốc hiện nhận được sự tôn trọng lớn bởi họ đang phải đối mặt với một trong những mối đe dọa nguy hiểm nhất thế giới hiện nay và lực lượng này đã được huấn luyện kỹ càng để đối phó với tình hình”, Japan Times dẫn lời chuyên gia Richard Aboulafia tại công ty tư vấn quốc phòng và hàng không Teal Group.
Giới phân tích cho rằng, chính mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên đã khiến quân đội các nước trên thế giới quan tâm tới đội quân của Hàn Quốc cũng như những loại vũ khí mà lực lượng này sở hữu.
Cũng theo ông Aboulafia, các hệ thống vũ khí do Hàn Quốc sản xuất dù không thể sánh ngang với Mỹ và các đối thủ châu Âu về mặt kỹ thuật nhưng giá thành lại rẻ hơn nhiều.
Chính sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp vũ khí trong nước đã khiến các nhà tổ chức Hàn Quốc chú trọng tới trưng bày những mặt hàng quân sự do các công ty nội địa chế tạo thay vì các đối tác nước ngoài trong Triển lãm Quốc phòng và Hàng không thế giới Seoul diễn ra hồi tuần trước.
Trong đó, khoảng 60 máy bay huấn luyện tối tân T-50 do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KAI) và tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ hợp tác sản xuất đã có mặt ở thị trường Thái Lan, Indonesia, Iraq và Philippines với doanh thu đạt 2,3 tỷ USD trong 10 năm qua. Hiện tại, KAI đang tiếp tục đàm phán hợp đồng mua bán với các nước ở châu Phi và Trung Mỹ.
Điểm quan trọng là KAI còn đang thảo luận với quân đội Mỹ về bản hợp đồng trị giá 15 tỷ USD để thay thế 350 máy bay huấn luyện đã lỗi thời của Mỹ bằng T-50. Song hiện tại, KAI đang phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ Boeing và Saab.
Nhưng nếu thỏa thuận giữa KAI và quân đội Mỹ thành công, ngành xuất khẩu quốc phòng của Hàn Quốc sẽ đạt doanh thu lên tới 12 tỷ USD trong năm nay.
Còn theo số liệu được Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm công bố năm 2016, do phải đối mặt với mối đe dọa từ Triều Tiên, chi tiêu quốc phòng của chính phủ Hàn Quốc đã nằm trong Top đầu ngoài các vùng chiến sự ở Trung Đông và châu Phi. Cụ thể, Hàn Quốc đã chi tới 12,5% ngân sách quốc gia cho hoạt động quốc phòng, vượt trên cả Mỹ với 9,3%.