Triều Tiên bắn hạ máy bay do thám của Mỹ năm 1969, Mỹ đã phản ứng thế nào?

Nguyễn Tiến |

Tháng 4/1969, tiêm kích MiG-21 của Triều Tiên bắn hạ máy bay do thám EC-121 của Mỹ khiến toàn bộ phi hành đoàn thiệt mạng và nhiều quan chức cao cấp của Mỹ đau đầu suy nghĩ biện pháp đáp trả trong suốt 2 tháng rưỡi.

Ngày 15/4/1969, máy bay do thám EC-121 của Không quân hải quân Mỹ cất cánh từ sân bay quân sự Atsugi, Nhật Bản lúc 7h00 giờ địa phương, mang theo 30 thủy thủ và 1 lính thủy đánh bộ.

Vào lúc 13h47 phút cùng ngày, 2 chiếc MiG-21 của Không quân Triều Tiên tiếp cận chiếc máy bay do thám và bắn hạ nó 2 phút sau đó, khu vực bắn hạ được xác định là ở vùng biển quốc tế.

Dù đây là sự kiện khiến rất nhiều quân nhân Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh lạnh, nhưng phải đến năm 2010, những tài liệu có liên quan đến phản ứng của chính phủ Mỹ xung quanh vấn đề này mới được công bố. Chúng nằm trong loạt tài liệu bí mật được Văn khố an ninh quốc gia, cơ sở nghiên cứu tư nhân thuộc Đại học George Washington công bố.

Triều Tiên bắn hạ máy bay do thám của Mỹ năm 1969, Mỹ đã phản ứng thế nào? - Ảnh 1.

Máy bay do thám EC-121M được hộ tống bởi tiêm kích F-4. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Ngay sau khi sự kiện xảy ra, các tham mưu trưởng của quân đội Mỹ gửi cho Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger 1 bản ghi chép những ý kiến tán thành và phản đối việc thực hiện một cuộc không kích trả đũa vào một số căn cứ không quân của Triều Tiên.

Bản ghi chép này, một mặt cho rằng “phản ứng chủ động và có chủ ý” sẽ cho thấy quyết tâm của Mỹ trong việc trả đũa hành động này của Triều Tiên, nhưng mặt khác cuộc không kích này là một hành động tuyên chiến và dẫn tới kết cục “Triều Tiên có thể đáp trả bằng việc mở một cuộc tấn công vào quân đội Mỹ và Hàn Quốc”.

Triều Tiên bắn hạ máy bay do thám của Mỹ năm 1969, Mỹ đã phản ứng thế nào? - Ảnh 2.

MiG-21 số hiệu "42 đỏ" của không quân Triều Tiên. (Ảnh: William Mah)

Trong vài tuần tiếp theo, các tham mưu trưởng đưa ra nhiều giải pháp hơn, nhưng hậu quả có thể xảy đến vẫn y như cũ. Bất cứ cuộc tấn công nào không đủ mạnh để vô hiệu hóa quân đội Triều Tiên đều dẫn đến việc quân đội Triều Tiên sẽ tấn công tổng lực vào quân đội Hàn Quốc, Mỹ và thậm chí là Nhật Bản.

Tất nhiên, Mỹ thừa đủ khả năng để vô hiệu hóa toàn bộ quân đội Triều Tiên, nhưng điều này đòi hỏi phải sử dụng vũ khí hạt nhân. Nếu điều này xảy ra, Trung Quốc và Liên Xô chắc chắn không bỏ qua, và chưa cần tính đến 2 yếu tố này thì bản thân trong nội bộ nước Mỹ cũng sẽ có những ý kiến phản đối mạnh mẽ.

Ngày 21/5/1969, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ đưa ra một phương án tiếp cận ở mức trung bình: Sử dụng 3 máy bay ném bom B-52 với vũ khí quy ước để phá hủy 1 hoặc 2 sân bay của Triều Tiên.

Đại tướng Earle Wheeler, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, viết 1 bản ghi chú gửi Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Melvin Laird với nội dung cho rằng nếu cuộc tấn công này được tuyên bố là đáp trả lại hành động thù địch khác, phía Mỹ sẽ tránh được nguy cơ khiến Triều Tiên đưa ra hành động trả đũa và phát động chiến tranh.

Sau đó, ông Laird gửi bản ghi chú đến cho Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Kissinger kèm theo nhận định đây là kế hoạch “hợp lý nhất trong số tất cả các kịch bản”, một kịch bản hợp lý khi không gây ra một cuộc xung đột lớn với Triều Tiên. Nhưng sau này khi cân nhắc lại về tính hiệu quả trên thực tiễn, kế hoạch này lại không hề hợp lý một chút nào.

Triều Tiên bắn hạ máy bay do thám của Mỹ năm 1969, Mỹ đã phản ứng thế nào? - Ảnh 3.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger, tháng 12/1968. (Ảnh: AP)

Ngày 2/7/1969, trong phiên họp tại Phòng tình huống của Nhà Trắng, Cố vấn an ninh Kissinger cho rằng bất cứ hành động nào đều có thể khiến Triều Tiên trả đũa.

Do đó, nếu 1 cuộc không kích với B-52 là điều cần thiết, thì “cái giá phải trả cho việc không kích với 25 máy bay B-52 không khác mấy với 3 máy bay”, chiến tranh sẽ nổ ra và cả 2 bên đều sẽ phải hứng chịu thiệt hại.

Nguy cơ chiến tranh với Triều Tiên vẫn chực chờ, do đó các quan chức chính phủ Mỹ lại tiếp tục thảo luận cả về cách ứng phó trong trường hợp chiến tranh nổ ra. Cuối cùng, họ đưa ra 25 lựa chọn khác nhau, trong đó có 3 lựa chọn sử dụng vũ khí hạt nhân được tập hợp thành nhóm có tên “Freedom Drop”.


Song tổng thống Mỹ Nixon đã quyết định không sử dụng bất cứ lựa chọn nào trong số 25 lựa chọn này. Sau này, ông Kissinger kể lại rằng trong cuộc họp ngày 2/7/1969, tổng thống Mỹ Nixon quyết định không chọn gì cả vì có quá nhiều lựa chọn và quá nhiều kịch bản khác nhau.

Sau đó, tổng thống Mỹ Nixon quyết định gửi thêm 1 biên đội tàu sân bay khác đến vùng biển gần Triều Tiên, đồng thời tiếp tục các phi vụ do thám nhưng lần này cử thêm tiêm kích hộ tống. Ngoài ra, tổng thống Mỹ Nixcon còn cảnh báo Triều Tiên không nên gây sự với Mỹ lần nữa, và cam kết bảo vệ các đồng minh trong khu vực.

Triều Tiên bắn hạ máy bay do thám của Mỹ năm 1969, Mỹ đã phản ứng thế nào? - Ảnh 4.

Năm 1994, Triều Tiên bắn hạ trực thăng OH-58 Kiowa của quân đội Mỹ, tổng thống Mỹ Bill Clinton đã chọn cách xử trí tương tự tổng thống Mỹ Richard Nixon. (Ảnh: Quân đội Mỹ)

Cuộc khủng hoảng tới đây là kết thúc. Và điểm đặc biệt ở chỗ, Mỹ đã chọn không tấn công Triều Tiên ngay cả khi Bĩnh Nhưỡng bắn hạ máy bay của Mỹ, cũng như chưa sở hữu vũ khí hạt nhân, chưa tự sản xuất được tên lửa, chưa phân tán và ngụy trang lực lượng pháo binh khổng lồ của mình.

Nói cách khác, tại thời điểm xảy ra sự kiện trên, Mỹ hoàn toàn có đủ cớ và đủ khả năng để tấn công tổng lực vào Triều Tiên, gây thiệt hại nặng nề cho đất nước này. Nhưng Mỹ đã không làm như vậy. Sau này vào năm 1994, tổng thống Mỹ Bill Clinton và bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ William Perry lại ứng phó theo cách tương tự khi 1 chiếc trực thăng của Mỹ bị Triều Tiên bắn hạ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại