Trên đường đi phượt, khách Tây hốt hoảng vì lầm tưởng loại cây hữu dụng này là "cây cấm"

Thu Phương |

Thực tế, đây không phải là loại "cây cấm" như vị khách du lịch này lầm tưởng mà là loại cây rất quen thuộc với bà con vùng cao.

Mới đây, một vị khách du lịch nước ngoài đăng tải video mình tới du lịch Hà Giang lên Tiktok và thu hút đông đảo sự quan tâm của cộng đồng. Cụ thể, trên quãng đường khám phá mảnh đất vùng Đông Bắc, anh đã gặp phải một sự việc hi hữu.

Đó chính là một khu vực ven đường lớn được sử dụng và trồng đầy những cây trông như cần sa. Điều này khiến vị khách nước ngoài vô cùng bất ngờ và cảm thấy tò mò tại sao lại có thể làm như vậy.

Theo pháp luật Việt Nam, cần sa được xếp vào danh mục I các chất ma túy bị cấm tuyệt đối trong y học và đời sống xã hội. Vì vậy, việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng cần sa ở Việt Nam là phạm pháp.

Vậy rốt cuộc loại cây mà vị khách nước ngoài bắt gặp có thực sự là cần sa? Và tại sao nó có thể được trồng một cách công khai như vậy?

Sự thật đằng sau loài cây lạ bên đường

Thực tế, loài cây này không phải là cần sa như vị khách du lịch kia lầm tưởng, mà là cây lanh. Cây lanh là loài cây đặc biệt quan trọng trong cuộc sống của người dân tộc Mông ở Hà Giang.

Đây là một thoại cây công nghiệp ôn đới thân thảo, sống quanh năm. Cây lanh được trồng để lấy sợi ở thân để dệt vải và lấy hạt để làm thức ăn hoặc ép dầu.

Hạt lanh có giá trị dinh dưỡng cao, được công nhận là có tác động tích cực tới sức khỏe. Dầu ép từ hạt lanh có thể được sử dụng làm thực phẩm, tuy nhiên không bền với nhiệt độ cao và nhanh bị hỏng. Ngoài ra, dầu hạt lanh còn được dùng để pha sơn trong vải sơn lót nhà…

Trên đường đi phượt, khách Tây hốt hoảng vì lầm tưởng loại cây hữu dụng này là cây cấm  - Ảnh 2.

Cây lanh là một loại thực vật được trồng để lấy sợi dệt vải và lấy hạt để làm thức ăn, ép dầu. (Ảnh minh họa)

Cũng bởi phần lá có hình răng cưa, khá giống với cây cần sa, nên không chỉ vị du khách nước ngoài kia, mà không ít người lầm tưởng đây là cây cần sa.

Cây lanh với cuộc sống người Mông

Từ xưa, nghề trồng lanh để lấy dệt vải thường được gắn bó với cuộc sống đồng bào dân tộc Mông. Ở Hà Giang, đặc biệt là khu vực huyện Quản Bạ, cũng có một số lượng người Mông nhất định. Vì thế, người ta tìm thấy một số lượng lớn cây lanh được trồng ở những nương ven chân núi, hay các thung lũng nhỏ.

Theo số liệu năm 2020, ở Xã Thái An, huyện Quản Bạ, Hà Giang có khoảng 20ha cây lanh trên toàn xã. Trong đó, mỗi hộ gia đình ít nhất có 40 - 50m2.

Người Mông còn có câu hát: "Gái đẹp mà không biết làm lanh cũng xấu. Gái xinh không biết cầm kim cũng hư." Câu hát đã thể hiện rõ nhất sự quan trọng, gắn bó của cây lanh với đời sống đặc biệt là của phụ nữ người Mông.

Trên đường đi phượt, khách Tây hốt hoảng vì lầm tưởng loại cây hữu dụng này là cây cấm  - Ảnh 3.

Hình ảnh người dân tộc Mông sản xuất vải từ sợi cây lanh. (Ảnh Báo Dân tộc và Phát triển)

Ông Sùng Mý Lùng, Bí thư Đảng Xã Thái An chia sẻ trên báo Dân tộc cho biết, ngoài mục đích chính là sử dụng để lấy sợi dệt vải, cây lanh còn có ý nghĩa trong các nét văn hóa, phong tục, tín ngưỡng của đồng bào. Điều này được thể hiện rõ nhất trong trang phục, ẩm thực hay cả cách xây dựng nhà cửa.

Xây dựng nhà cửa

Người Mông sử dụng sợi lanh thay cho lạt để buộc kèo, xà, cánh cửa, tấm ván ghép... Bởi sợi lanh sau khi phơi nắng sẽ rất dai, không bị mục. Theo quan niệm của người Mông, cây lanh mang ý nghĩa sức sống vĩnh cửu, nên họ dùng lanh để buộc với ý nghĩa ngôi nhà của mình sẽ được bền vững.

Trên đường đi phượt, khách Tây hốt hoảng vì lầm tưởng loại cây hữu dụng này là cây cấm  - Ảnh 4.

Sợi lanh sau khi phơi nắng sẽ rất dai, không bị mục. (Ảnh minh họa)

Ẩm thực

Lá lanh thường được người Mông sử dụng như một thứ gia vị, hoặc một thứ nguyên liệu ăn kèm để chữ bệnh. Nó được ví như các loại xả, gừng, hành trong các món ăn của người Kinh.

Lá có vị hơi chua và chát, thường được cho vào thịt gà, kho cá để món ăn thơm hơn, hay còn có tác dụng làm át đi mùi tanh của cá. Ngoài ra, ẩm thực vùng cao còn rất nổi tiếng với món thắng cố, lá lanh cũng được đưa vào như một thứ gia vị đặc biệt cho món ăn này.

Trang phục

Những bộ trang phục truyền thống, rực rỡ sắc màu của người Mông cũng chính được làm nên từ cây lanh. Từ những bộ quần áo mặc hàng ngày, cho đến trong những dịp trọng đại như ma chay, cưới hỏi, đều được làm từ vải lanh, thêu thùa rất kỳ công.

Người đã khuất trong đám tang phải được mặc quần áo, đi giày dép làm từ lanh. Những người đến phúc viếng cũng phải mặc đồ lanh. Chiếc trống trong lễ tang cũng phải buộc bằng vải lanh.

Trên đường đi phượt, khách Tây hốt hoảng vì lầm tưởng loại cây hữu dụng này là cây cấm  - Ảnh 5.

Trên đường đi phượt, khách Tây hốt hoảng vì lầm tưởng loại cây hữu dụng này là cây cấm  - Ảnh 6.

Những bộ trang phục thổ cẩm rực rỡ sắc màu truyền thống của người Mông từ cây lanh. (Ảnh Báo Dân sinh)

Ngoài ra, việc sử dụng lanh để tạo ra những bộ trang phục thổ cẩm còn đem lại nguồn sinh kế bền vững cho hàng nghìn hộ người Mông ở Hà Giang nói riêng và người Mông ở cả những vùng khác nói chung.

Ngày nay, đến với Hà Giang, nếu muốn được tận mắt chứng kiến và tham gia trải nghiệm dệt vải từ cây lanh, bạn có thể ghé những làng nghề truyền thống. Trong đó, nổi bật có Hợp tác xã Lanh Lùng Tám, thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ.

Ngoài việc được tận mắt chứng kiến khung cảnh tất bật trong cuộc sống hàng ngày của người dân bản địa, những người phụ nữ khéo léo, cần mẫn ngồi trước khung cửi, bạn còn có thể mua những món quà đặc sắc, mang nét độc đáo chỉ riêng Cao nguyên đá Đồng Văn mới có được.

Việc quảng bá các sản phầm từ lanh nằm trong kế hoạch quảng bá du lịch Hà Giang nói riêng cũng như các tỉnh, thành phố vùng Đông Bắc Bộ nói chung. Các sản phẩm này khi được xuất khẩu tới các nước khác trên thế giới như Anh, Đức, Hà Lan... đều nhận được sự yêu thích lớn từ du khách. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại