Khám phá thánh địa trên cao ở Himalaya cùng chàng trai Hà thành: Phải có thuốc chống sốc!

Lê Hữu Chính/Thu Phương ghi |

“Bình oxy, thuốc bổ não và thuốc chống shock luôn là những thứ cần thiết khi bạn quyết định khám phá nơi này.”

Hành trình khám phá thánh địa trên cao ở Himalaya của chàng trai Hà Nội: “Luôn phải có bình oxy và thuốc chống shock!’’

Mình là Chính, năm nay đã 3x tuổi rồi, làm công việc kinh doanh nho nhỏ ở Hà Nội. Ngoài ra, mình cũng có tham gia làm admin cho một hội nhóm, cộng đồng du lịch mang tên “Check in Vietnam”.

Ở độ tuổi của mình, có lẽ nhiều người sẽ chọn ổn định sự nghiệp, cuộc sống, chăm lo cho gia đình nhỏ. Mình cũng vậy, vẫn phải làm việc, kiếm tiền, nhưng mình cũng rất hết mình với những chuyến đi!

Tháng 5 vừa rồi, mình đã có một chuyến đi thật tình cờ và thật bất ngờ, khi điểm đến theo dự định ban đầu của mình sẽ là Bali. Thế nhưng, nền văn hóa sông Hằng có gì đó đã hấp dẫn mình, khiến mình thay đổi quyết định chỉ trước đó 1 tuần. 

Và thế là mình đã tới Ấn Độ, đắm chìm gần 20 ngày trong văn hóa, con người, và đặc biệt là cảnh quan thiên nhiên quá đỗi tuyệt vời nơi đây.

Phỏng vấn Lê Hữu Chính - Ảnh 1.

Dù đã ở độ tuổi 3x, nhưng mình vẫn luôn hết mình cho những chuyến đi. (Ảnh: NVCC)

Trước khi tới Ấn Độ, mình đã tìm hiểu thông tin về đất nước này khá kỹ càng, thông qua những blog, những câu chuyện và cả những bộ phim lấy bối cảnh ở đất nước này. Và trong suốt hành trình “dài hơi” ấy, mình ấn tượng và bị choáng ngợp nhất khi tới Ladakh - vùng đất có văn hóa, lịch sử liên quan chặt chẽ với Tây Tạng (Trung Quốc) và nổi tiếng với vẻ đẹp miền núi xa xôi.

Chỉ qua 1 đêm, mọi thứ trắng xóa một cách lạ lùng

Qua những con đường đèo uốn lượn đẹp miên man, những thung lũng cho tới những bình nguyên xanh mướt đầy mê hoặc, mình và nhóm bạn cũng tới được Ladkah. Điều đầu tiên mình cảm nhận được và cũng là điều khiến mình ấn tượng nhất ở đây đó là sự lạ kỳ của thời tiết.

Ấn Độ đã quá nổi tiếng là một trong những đất nước có thời tiết nắng nóng khắc nghiệt nhất thế giới. Tuy nhiên, ở Ladkah, nắng nóng chỉ xuất hiện vào ban ngày. Khi mặt trời lặn, màn đêm buông xuống, nhiệt độ ở đây có thể xuống tới âm độ.

Điểm đặt chân ấn tượng nhất đối với mình khi tới Ladakh là khu vực Pangong Tso (hồ Pangong) - hồ nội lục lớn ở Himalayas, nằm ở độ cao khoảng 4.350m. Địa điểm này cũng đã từng xuất hiện trong nhiều bộ phim, trong đó có bộ phim điện ảnh Ấn Độ nổi tiếng “Ba chàng ngốc”.

Phỏng vấn Lê Hữu Chính - Ảnh 2.

Khu vực Pangong Tso (hồ Pangong), Ladakh, Ấn Độ. (Ảnh: NVCC)

Theo giờ địa phương, khi mình đến đây thì đang là buổi chiều. Nhóm mình đứng chờ hoàng hôn, với hai bên bờ là nhiều vệt màu mây trời đan xen, màu của cỏ, và cả màu của những dãy núi trọc kéo dài miên man. 

Khung cảnh lúc này chưa bao giờ đẹp và thơ mộng đến thế. Đẹp đến nỗi chỉ cần đưa điện thoại hay máy ảnh lên, không cần căn ke kỹ càng gì nhiều là đã có được bức ảnh ưng ý. 

Vậy mà chỉ qua 1 đêm, mọi thứ trở nên trắng xoá một cách lạ lùng. Tuyết rơi siêu dày giữa tháng 5, phủ dày đặc khắp nơi từ những ngọn núi, mái lều hay mặt sông. Chúng mình như những đứa trẻ lần đầu thấy tuyết. Đủ mọi góc, hết quay tới chụp buốt lạnh cả tay nhưng vẫn luôn có cảm giác là chưa đủ bởi sự kỳ vĩ của thiên nhiên nơi đây.

Phỏng vấn Lê Hữu Chính - Ảnh 4.
Phỏng vấn Lê Hữu Chính - Ảnh 5.
Phỏng vấn Lê Hữu Chính - Ảnh 6.

Chỉ sau 1 đêm, tuyết trắng bao phủ dày đặc kín một vùng Pangong Tso dù đang là giữa tháng 5 (Ladakh, Ấn Độ). (Ảnh: NVCC)

Luôn có bình oxy và thuốc chống shock để… tránh shock độ cao!

Sau khi đắm chìm trong không gian ngập tuyết cùng màu xanh ảo diệu của nước hồ Pangong, mình cùng cả nhóm tới Leh - nơi từng là thủ đô của vương quốc Ladakh. Nằm ở độ cao lên tới 3.524m, thời tiết nơi đây rất khắc nghiệt và bạn có thể gặp phải tình trạng… shock độ cao!

Nghe có vẻ như đùa nhưng đó hoàn toàn là sự thật và nó đã xảy ra với đoàn của mình. Dù đã chuẩn bị rất cẩn thận trước đó bằng việc uống thuốc chống shock, nhưng toàn bộ chúng mình vẫn gặp tình trạng tiêu chảy và nôn. Đây là những triệu chứng phổ biến nhất của shock độ cao.

Phỏng vấn Lê Hữu Chính - Ảnh 7.

Với độ cao hơn 3 nghìn m so với mực nước biển, khi tới Leh, du khách sẽ cần chuẩn bị thuốc bổ não, thuốc chống shock và thậm chí là cả bình oxy. (Ảnh: NVCC)

Với những đoàn khách du lịch khác tới đây, họ cũng luôn được trang bị những bình oxy bên mình để phòng cho trường hợp lên núi cao, oxy ít mà ngất đi.

Vì khắc nghiệt như vậy nên đối với những bạn có hệ hô hấp cũng như thần kinh yếu, mình nghĩ nên cân nhắc thật kỹ trước khi tới đây, mặc dù trải nghiệm này thật sự rất đã!

Chưa cần đi, mình đã LÃI rồi!

Như đã giới thiệu ở trên, ngoài việc kinh doanh, hiện tại mình cũng là admin của một cộng đồng về du lịch. 

Việc được biết, được xem, được nghe những câu chuyện từ hàng ngàn cung đường khác nhau qua những hình ảnh, những thước phim của các bạn thành viên đã giúp mình mở mang hơn rất nhiều, và lãi rất nhiều, ngay cả khi mình chưa đi.

Thêm vào đó, ngay từ bước tìm hiểu thông tin, tìm hiểu về phong tục, tập quán, con người, văn hóa của những vùng đất, đất nước khác đã khiến kiến thức của mình nhiều lên mỗi ngày.

Phỏng vấn Lê Hữu Chính - Ảnh 9.

Lịch sử, văn hóa của nền văn minh sông Hằng cùng những công trình vĩ đại. (Ảnh: NVCC)

Còn sau chuyến đi Ấn Độ này, mình đã hoàn thành ước mơ được đặt chân tới Taj Mahal, một trong những kỳ quan của thế giới. Được trải nghiệm sự tuyệt vời của Ladakh, nơi có những con đèo cao nhất thế giới, có người dân cực kỳ thân thiện và nhiệt tình. Được tận mắt thấy, tận tay chạm vào những dãy núi tuyết cao và đẹp miên man của rặng Hymalaya.

Nền văn hoá và lịch sử Ấn Độ để lại cho mình cực kỳ nhiều ấn tượng đẹp. Trong gần 20 ngày ở đây, mình hoàn toàn bị đắm chìm và mê hoặc bởi nền văn minh sông Hằng. Biết đâu sau 1 tháng nữa, mình sẽ lại quay lại Ấn Độ, nhưng ở một hành trình khác, để tiếp tục khám phá, tìm hiểu về văn hóa, con người của vùng đất thú vị này.

Những lưu ý khi đi du lịch Ladakh, Ấn Độ

Nên mang quần áo ấm vì nhiệt độ lên xuống thất thường

Uống thuốc bổ não và chống shock độ cao, yêu cầu bình oxy nếu cần

Mang theo các loại thuốc khác đề phòng ốm đau, tiêu chảy bất chợt

Người Ấn Độ không ăn thịt lợn và thịt bò vì vấn đề tôn giáo

Nếu không ăn quen đồ Ấn nhiều cari thì mang theo mỳ, miến, phở, cháo gói ăn liền

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại