Casspi, giáo sư tại Viện tâm thần học London, từng đưa ra một báo cáo như thế này: "Thông qua nghiên cứu lời nói và hành động của những đứa trẻ 3 tuổi, chúng ta có thể đoán được tính cách khi trưởng thành của chúng". Một đứa trẻ lớn lên có hiếu thảo hay không cũng có thể phán đoán phần nào bằng cách tương đương.
Một số trẻ có xu hướng gần gũi, thân thiết và quan tâm cha mẹ từ nhỏ, trong khi một số khác lại né tránh việc này. Thậm chí, có không ít đứa trẻ còn thích dùng lời lẽ đối đầu với cha mẹ để trút sự bất mãn.
Ngôn ngữ của trẻ được học từ môi trường xung quanh, nhưng nhiều bậc cha mẹ nhận thấy rằng đôi khi trẻ thường bật ra những từ mà người lớn chưa bao giờ dạy chúng, và không biết chúng học từ đâu. Nếu trẻ có thói quen nói 3 câu này khi còn nhỏ là dấu hiệu tiềm ẩn cho thấy lớn lên trẻ có thể trở thành đứa con bất hiếu, nếu cha mẹ không kịp thời chấn chỉnh, định hướng đúng đắn sẽ tạo ra những hậu quả khôn lường.
3 câu những đứa trẻ không hiếu thảo khi lớn lên thường nói
1. "Liên quan gì đến bố/ mẹ?"
Một số trẻ coi sự quan tâm của cha mẹ là cha mẹ đang can thiệp vào tự do của mình. Chúng không thích cha mẹ kiểm soát mình, thậm chí còn cảm thấy cha mẹ hạn chế mình quá mức. Chúng không thích nghe lời khuyên bảo của cha mẹ mà chỉ thích một mình, làm gì cũng không ai được quản, càng ngày càng nổi loạn.
Những đứa trẻ có thói quen như vậy tới lúc trưởng thành sẽ phát triển thành suy nghĩ "cái gì cũng chẳng liên quan đến mình" và từ chối gánh vác trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ.
Ảnh minh họa
2. "Bố mẹ thật là vô dụng"
Những đứa trẻ thích nói câu này thường không thể hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ, không biết cảm thông, sẽ chỉ biết trách cha mẹ không thể cho mình một cuộc sống tốt hơn. Một khi cha mẹ không thể đáp ứng mong muốn, yêu cầu của chúng, chúng sẽ cảm thấy chán chường, bất mãn.
Những đứa trẻ như vậy khi lớn lên sẽ không biết trân trọng những khó khăn, vất vả trong cuộc sống của người già, không dành thời gian cho cha mẹ, sẽ chán ghét cha mẹ già nua, ốm yếu.
3. "Đây là của con chứ, bố mẹ không được ăn"
Trẻ em thường coi mình là trung tâm để nhìn nhận mọi thứ, nhưng một đứa trẻ không biết chia sẻ với người khác thường ích kỷ hơn những đứa trẻ bình thường. Chúng thích coi mọi thứ là của mình, thậm chí còn đặt ra ranh giới giữa mình và cha mẹ, hay phân biệt "của con" và "của bố mẹ", thích mặc cả với chính cha mẹ mình.
Những đứa trẻ ích kỷ như vậy khi lớn lên cũng sẽ không muốn dùng tiền bạc, tâm sức của riêng mình để hiếu kính cha mẹ.
Làm sao để dạy con về lòng hiếu thảo?
1. Cha mẹ phải làm gương
Người ta nói cha mẹ là người thầy đầu tiên của con cái, lời nói và việc làm của cha mẹ sẽ phản chiếu hành vi sau này của con cái. Vì vậy cha mẹ hãy nêu tấm gương sáng về lòng hiếu thảo trong cuộc sống gia đình, để con cái hiểu được tầm quan trọng của chữ hiếu, hiểu được hiếu thảo với cha mẹ là một truyền thống tốt đẹp.
Ảnh minh họa
2. Giáo dục ngẫu nhiên trong cuộc sống hàng ngày
Để con cái học cách hiếu thảo với cha mẹ, nên bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày và giáo dục chúng một cách ngẫu nhiên. Ví dụ, dạy chúng những bài hát về tình cảm gia đình, dạy trẻ biết ý thức được công lao khó nhọc của cha mẹ và phụ giúp cha mẹ lúc ở nhà bằng những hành động nhỏ như đấm lưng cho cha, nhổ tóc bạc cho mẹ, ôm và cảm ơn cha mẹ... Điều này không chỉ có thể vun đắp mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái mà còn là cách để con cái học được lòng hiếu thảo.
3. Dạy trẻ học cách biết ơn
Để trẻ hiểu được những vất vả của cha mẹ và nuôi dưỡng sự đồng cảm cho trẻ, cha mẹ hãy dạy trẻ cách biết ơn công lao của cha mẹ, hiểu được sự vất vả của cha mẹ, từ đó biết hiếu thảo với cha mẹ, báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.
Trẻ em đang trong thời kỳ phát triển quan trọng về thể chất và tinh thần, khả năng tiếp thu và tính dẻo dai của trẻ rất mạnh, cha mẹ khi phát hiện ra những thói quen xấu của con thì nên ngăn chặn và uốn nắn kịp thời. Đừng để khi tính cách của trẻ đã thành hình, lúc ấy việc thay đổi tâm lý lẫn suy nghĩ của trẻ đều trở nên khó khăn hơn rất nhiều.