Sau 4 năm lấy nhau, cuối cùng chị Chu (Trung Quốc) cũng đã đậu thai. Tin vui này đã khiến cả hai bên nội ngoại vô cùng phấn khởi, đặc biệt là mẹ chồng chị. Vừa nghe tin, bà vội vã làm một mâm cơm thịnh soạn, đợi sẵn con dâu từ bệnh viện trở về nhà là có cơm ăn.
Thế nhưng, niềm vui kéo dài chưa được một tháng, cả gia đình chị Chu lại rơi vào trạng thái lo lắng. Nguyên nhân là bởi cứ ăn thứ gì là thai phụ trẻ lại nôn ra thứ đó.
Nhiều khi, đồ ăn còn chưa đưa đến miệng, mới chỉ ngửi mùi chị đã vội vã chạy vào nhà vệ sinh. Hiện tượng này xảy ra liên tiếp vài tối khiến chị Chu vô cùng mệt mỏi, hai bắp chân co quắp, đau đớn.
Lo lắng, mẹ chồng chị liền đưa con dâu đến bệnh viện kiểm tra nhưng kết quả đều bình thường. Bác sĩ cho biết, hiện tượng co cơ có thể là do thai phụ thiếu can xi, người nhà và bản thân thai phụ không nên quá lo lắng.
Cũng trong đợt khám này, vị bác sĩ đã kê cho chị Chu một lọ thuốc canxi.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên theo mẹ chồng chị Chu, lọ canxi kia không thể nào bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cháu bà.
Từ bệnh viện trở về nhà, bà lập tức gọi điện cho cô em gái đang sinh sống ở nước ngoài, bảo em gửi cho mình vài lọ canxi "xịn" và ngày nào cũng cần mẫn chế biến cho con dâu những món giàu canxi. Cứ như vậy, bà chăm bẵm con dâu đến ngày chị Chu đi đẻ.
Tuy nhiên, vì ngôi thai không thuận, lại bị vỡ ối sớm nên người nhà phải quyết định chọn phương pháp sinh mổ.
Em bé được đưa ra từ bụng mẹ, vừa cất tiếng khóc chào đời đã khiến các bác sĩ thực hiện ca mổ đẻ "giật bắn mình" – trong miệng bé, răng đã mọc.
Sau khi kết thúc ca phẫu thuật, y tá đưa chị Chu và con về phòng chăm sóc tự nguyện. Đồng thời, bác sĩ điều trị chính cũng liên hệ với bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt đến hội chẩn.
"Chiếc răng này cần phải nhổ ngay lập tức. Răng mọc không chắc, phải đề phòng nó rụng và rơi vào thực quản". Cùng ngày hôm đó, bệnh nhân đặc biệt này đã được bác sĩ đưa đi nhổ răng.
Hiện tặng "răng ngựa" ở trẻ sơ sinh
Trẻ nhỏ mọc răng lần đầu gọi là răng sữa. Với người lớn, răng sẽ là răng khôn còn trường hợp của con chị Chu, dân gian vẫn gọi là "răng ngựa" – loại răng xuất hiện ở phần lớn trẻ từ 4-6 tuần tuổi.
Khi đó, hai bên mép lợi của trẻ sẽ xuất hiện những chấm nhỏ màu vàng trắng, giống như răng đang chuẩn bị mọc và đây được cho là hiện tượng bình thường.
Mặc dù những chiếc "răng ngựa" có thể kiểm tra lâm sàng song với trường hợp một chiếc răng hoàn chỉnh xuất hiện trong miệng con chị Chu từ trước khi bé chào đời, đó lại là hiện tượng hiếm gặp.
Các bác sĩ cho biết, nhiều khả năng trong thời gian mang thai, chị Chu đã bổ sung quá nhiều canxi nên mới dẫn đến việc răng của em bé mọc sớm.
Ảnh minh họa.
Không chỉ xảy ra với em bé con chị Chu ở Trung Quốc, hiện tượng mọc răng ở trẻ từ trước khi chào đời cũng đã được ghi nhận ở Việt Nam. Bé Yến Nhi (Hà Nội) cũng đã khiến các bác sĩ trực tiếp tham gia ca đỡ đẻ cho mẹ bé cách đây 7 năm "giật mình".
Trong miệng cô bé vừa chào đời, răng đã mọc từ khi nào. "Hiện tượng lạ" này đã khiến bố mẹ và người nhà bé rất hoang mang.
Cuối cùng, theo đề nghị của bác sĩ, chiếc răng đã được nhổ ra để đề phòng khả năng chiếc răng bất ngờ rụng và rơi vào thực quản.
Trong suốt 7 năm sau đó, vị trí chiếc răng mọc sớm luôn được "để ngỏ" chờ răng khôn mọc. May mắn là, sự chờ đợi mòn mỏi của Nhi và bố mẹ bé cuối cùng cũng đã có kết quả.
Nguyên nhân dẫn đến việc răng mọc sớm của bé Nhi cũng được bác sĩ giải thích tương tự như trường hợp của con chị Chu. Theo đó, đây là một trong những "hậu quả" của việc sử dụng canxi quá liều trong thời kỳ mang thai.
Hậu quả khôn lường của việc tự ý sử dụng canxi trong thai kỳ
Trước vấn đề này, bác sĩ Thân Trọng Thạch (Giảng viên bộ môn Sản, trường ĐH Y Dược thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, việc phụ nữ mang thai bổ sung canxi và các loại vi chất khác là cần thiết.
Tuy nhiên, hiện nay tình trạng thai phụ tự ý mua thuốc canxi về uống, lạm dụng thuốc mà không tư vấn bác sĩ khá phổ biến. Và việc này lợi bất cập hại, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của thai phụ và thai nhi.
Thai phụ tuyệt đối không nên tự ý lạm dụng các loại thuốc bổ sung dinh dưỡng nếu không muốn rước họa cho bản thân và thai nhi.
Cụ thể, việc lạm dụng quá nhiều thuốc canxi sẽ dẫn đến hiện tượng dư thừa thành phần này trong máu. Khi đó, em bé ra đời có thể xuất hiện một số biểu hiện bất thường như mọc răng sớm, thóp kín quá sớm, xương hàm có thể bị biến dạng, rộng và nhô ra trước…
Khi thai nhi còn ở trong bụng mẹ, thừa canxi sẽ khiến bánh nhau bị tăng độ canxi hóa, làm giảm trao đổi chất giữa mẹ và thai nhi, khiến cho thai kém phát triển.
Không chỉ tác động tiêu cực lên em bé, thừa canxi còn khiến thai phụ bị táo bón, khô miệng, đau đầu, chán ăn, mệt mỏi…
Nếu thai phụ uống ít nước, lượng canxi dư thừa không đào thải được qua nước tiểu có thể bị sỏi đường tiết niệu, đặc biệt là sỏi thận. Một số trường hợp nhiễm độc canxi còn có thể đối mặt với nguy cơ tử vong.
Hãy thường xuyên thăm khám và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Bên cạnh hiện tượng dư thừa chất, việc tự ý lạm dụng canxi cũng có thể dẫn đến hiện tượng thiếu chất này trong cơ thể thai phụ.
Thiếu canxi, thai nhi rất dễ còi xương, kém phát triển, biến dạng cấu tạo xương trong khi người mẹ có nguy cơ bị đau mỏi xương khớp, chuột rút… Trường hợp nặng có thể gây co giật do hạ canxi máu.
Tương tự, việc thừa thiếu sắt, kẽm và các loại vitamin, khoáng chất khác cũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng không kém.
Chính vì lẽ đó, phụ nữ mang thai cần nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ để việc tăng cường dinh dưỡng cho cơ thể được thực hiện phù hợp với cơ địa bản thân.
Nên bổ sung canxi và các vi chất khác như thế nào cho đúng?
Theo ý kiến của các bác sĩ sản khoa, việc bổ sung dinh dưỡng thông qua chế độ ăn sẽ dễ kiểm soát và an toàn hơn bổ sung dạng thuốc.
Canxi tự nhiên có trong khẩu phần ăn hàng ngày cho thai phụ có thể kể đến các loại động vật có vỏ cứng như cua đồng, tôm…, trong các chế phẩm từ sữa như sữa bò, dê, sữa bột hay từ nguồn thực vật như vừng, cà rốt…
Thai phụ nên bổ sung canxi bằng thực phẩm giàu canxi chứ không nên tùy tiện lạm dụng thuốc.
Với những người thiếu canxi, sắt… bác sĩ chuyên khoa sẽ căn cứ vào cơ địa, tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh lý… để đưa ra chỉ định, liều lượng, thời điểm và cách thức bổ sung sắt, canxi hợp lý.
Với canxi, điều cần chú ý khi dùng thuốc là không dùng kết hợp với các loại thực phẩm như socola, dâu tây, nước ép hoa quả… Nếu kết hợp với những thứ trên, khả năng hấp thụ canxi của bà bầu sẽ giảm đi rất nhiều.