Khoảng hai năm trước khi lễ hội chém lợn tại làng Ném Thượng, tỉnh Bắc Ninh vẫn còn diễn ra công khai, tôi đã nổi da gà khi chứng kiễn nhiều người cầm những tờ tiền lẻ quệt xuống chỗ có máu lợn chảy ra. Họ quệt tiền xuống đó với một sự say mê, hào hứng cao độ. Thực sự không thể hiểu chuyện gì đang xảy ra với đồng tiền của chúng ta?
Tôi cũng rất lo lắng khi thấy lũ trẻ của làng hào hứng với việc làm có phần kinh dị này. Không biết, chúng sẽ học được gì, suy nghĩ ra sao về những đồng tiền vấy máu đó.
Nhiều người lý giải, họ quệt tiền vào máu lợn rồi mang về đặt lên bàn thờ để cầu may mắn cho cả năm. Đây là phong tục, một phong tục được lý giải là có từ lâu đời.
Nhưng tôi tin những thông tin kể trên không chính xác bởi tiền giấy, tiền lẻ từ xa xưa không phải thứ phổ biến ở nước ta.
Tờ tiền giấy đầu tiên được lưu thông ở Việt Nam là đồng Đông Dương mệnh giá 100 đồng bạc, được người Pháp phát hành và lưu thông trong thời gian từ năm 1885 đến năm 1954.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà ra đời, tiền đồng cũng chính thức được in và lưu thông để khẳng định chủ quyền đất nước.
Nêu ra hai dữ liệu lịch sử về tiền giấy như vậy để thấy, việc quệt máu vào tờ tiền chỉ là những hành vi kỳ dị mới phát sinh, biến tướng trong thời gian gần đây.
Năm nay, lễ hội chém lợn vẫn diễn ra và Ban tổ chức đã phải quây kín bạt, dựng hàng rào để ngăn không cho người ta xúm quanh, chờ đợi máu lợn chảy ra rồi quệt tiền vào.
Nhưng liệu hình ảnh phản cảm với đồng tiền như vậy liệu có phải cá biệt chỉ diễn ra ở làng, xã? Không, chuyện ứng xử kỳ dị với tiền đang xảy ra phổ biến hơn, đặc biệt ở những nơi như đền, chùa, miếu mạo.
Tại chùa Đồng, Yên Tử, Quảng Ninh, những người quản lý đã phải rất vất vả để ngăn người đi lễ cầm những tờ giấy bạc xoa, cọ xát vào chùa, vào tượng phật để cầu may mắn.
Ở nhiều nơi thờ tự, cầu cúng khác, người ta ném tiền xuống giếng, thả tiền lên mái chùa, giắt tiền, nhét tiền vào mắt, mũi, tay tượng Phật, thả tiền vào lư hương hoặc vo tiền rồi ném ào ào vào lễ rước kiệu...
Nam thanh niên cuộn tiền buộc vào đầu gậy và xoa lên mình tượng Phật ở chùa Bái Đính. Ảnh: Lao động
Tôi cũng đã từng đến một vài quốc gia Châu Á như Thái Lan, Trung Quốc... nhưng chưa thấy ở đâu người ta đi lễ chùa rồi ứng xử với đồng tiền như vậy. Giáo lý nhà Phật không ai dạy đem tiền "áp chế", hối lộ thần Phật bằng tiền mặt như cách nhiều người đang làm.
Truyền thống văn hoá của dân tộc cũng chưa từng có hành vi này. Chỉ có thể gọi đây là những thứ văn hoá phái sinh dị dạng, méo mó, dị hợm... mới xuất hiện gần đây.
Đồng tiền là công cụ trao đổi vật chất, hàng hoá thông thường nhưng nó cũng là biểu tượng của quốc gia. Vì vậy thánh thần (nếu có) cũng chẳng ai tiêu tiền và cũng chẳng ai phù hộ, độ trì, đem lại may mắn cho những người ứng xử với tiền rất phi văn hoá, phản cảm như vậy.
Khi người lớn mụ mị với đồng tiền, luôn hi vọng được bề trên giúp đỡ để tiền đẻ ra tiền thì việc giáo dục con cái họ ứng xử với tiền bạc một cách chuẩn mực sẽ rất khó khăn.
Người ta sẽ dạy con em mình tôn trọng tiền bạc thế nào khi quăng tiền ra vô tội vạ ở những nơi linh thiêng? Họ dạy con em mình ra sao nếu hàng ngày đặt lên bàn thờ gia tiên tờ tiền đã vấy máu hoặc tờ tiền đã xoa vào bụng, vào tay tượng Phật.
Ảnh: Báo Giao thông
Trước đây, tôi đã nhiều lần đến các trại tạm giam để viết bài về vấn nạn trẻ vị thành niên phạm tội. Điều ám ảnh nhất với tôi đó là có những đứa trẻ 13, 14 tuổi đã bị vướng vào vòng lao lý.
Có đứa vừa khóc vừa kể, con muốn có tiền để chi tiêu, ăn uống với bạn bè nhưng chẳng biết làm cách nào có được, bố mẹ con luôn bắt phải tránh xa, không được dính dáng đến tiền, thậm chí tiền mừng tuổi con cũng không được giữ…
Không thể kiếm những đồng tiền lành mạnh và cũng không thể chờ có tiền từ một thế lực siêu nhiên, chúng đã tự mình hành động. Thật đáng tiếc, những đứa trẻ hư hỏng vì tiền bạc rồi sa chân vào tù tội ngày càng nhiều. Đây là vấn nạn rất xót xa đang diễn ra ở nước ta.
Người Do Thái trở lên giàu có bậc nhất thế giới một phần nhờ sự ứng xử với tiền bạc rất thông minh. Họ dạy trẻ em tiêu tiền, phân biệt tiền và biết cách lao động hoặc đầu tư, kinh doanh một cách chân chính để kiếm ra tiền. Tiền bạc phải có được nhờ những cố gắng lao động chính đáng để có được chứ chẳng thần phật nào mang đến.
Bill Gates, một tỷ phú nổi tiếng người Mỹ dù có tiền trăm vạn ức nhưng cũng tuyên bố không để lại hết cho con cái. Những đứa con của ông này vẫn phải học tập, lao động để kiếm ra tiền chứ không thể ngồi há miệng chờ sung.
Khi mỗi người hiểu được giá trị của tiền, biết cách kiếm tiền bằng năng lực của mình thì họ sẽ gạt bỏ được tâm lý tự ti, tâm lý trông chờ tiền sẽ đẻ ra tiền nhờ quệt vào máu lợn hay xoa vào tượng Phật.
Quản lý, tiêu tiền, kiếm tiền từ xưa đến nay chưa bao giờ là việc dễ dàng. Ứng xử cho phù hợp với tiền lại càng khó hơn. Khi ai đó quăng đi những tờ tiền có giá trị nhỏ hoặc đem tờ tiền vấy máu về để thờ tự, cầu may, chắc chắn họ sẽ rất "khó nói" cho con em mình hiểu, tại sao đồng tiền luôn hai mặt.