Ngày 21/12/2020, sự việc "MC quốc dân" xứ Trung Hà Cảnh nhận quà của fan tặng trở thành từ khóa tìm kiếm thu hút trên Weibo. 2 ngày sau, đài truyền hình Hồ Nam (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc) nơi Hà Cảnh làm việc công bố văn bản giải thích trước công chúng, kiên quyết phản đối việc MC, diễn viên, khách mời nhận quà tặng của fan.
Hình minh họa
Mấy năm gần đây, hiện tượng fan theo đuổi thần tượng, "nuôi" thần tượng như con ngày càng nhiều, họ tự xưng là "fan mama" (fan mẹ), điển hình như fan của nhóm nhạc trẻ TFBoys.
Lâm Miểu Miểu (tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi) là 1 fan mama chính hiệu, tuy gọi là fan mama nhưng Miểu Miểu còn rất trẻ, là 9X đời đầu, làm văn thư ở Thượng Hải. Cho đến nay, cô đã tiêu khoảng 100 nghìn tệ (khoảng 357 triệu đồng) cho 1 nhóm nhạc nam mới ra mắt 2 năm trước. Tuy nhiên, cô nhất quyết không tiết lộ tên thần tượng, vì sợ "ảnh hưởng tới danh dự của bọn trẻ".
Nếu có fan 1 ai đó tặng quà cho thần tượng thì fan của thần tượng khác cũng sẽ kém miếng khó chịu. "Nhà khác có quà, sao 'con' nhà mình lại không có được, không những phải có mà còn phải tốt hơn nữa." - 1 fan lâu năm chia sẻ với phóng viên.
Nước lên thì thuyền lên
Vai diễn của Chu Nhất Long trong Trấn Hồn giúp anh vươn tới đỉnh cao trong sự nghiệp
Ngày 25/6/2018, fanclub của diễn viên Chu Nhất Long phát thông báo: "Thầy Chu (cách fan gọi Chu Nhất Long) sắp tới tham gia ghi hình chương trình thực tế, nhằm ủng hộ cho thầy Chu, hiện tại bắt đầu mở quỹ quyên tiền."
1 tuần sau, ngày 3/7, Chu Nhất Long tham gia ghi hình Happy Camp. Chu Nhất Long vào năm 2018 nhờ có phim truyền hình Trấn Hồn mà trở nên nổi tiếng, lượng người hâm mộ anh đột ngột tăng vọt. Fanclub của anh khởi xướng quyên tiền trên Owhat, mục tiêu ban đầu chỉ là 100 nghìn tệ (khoảng 357 triệu đồng), không ngời tới chỉ sau 20 phút số tiền thu về đã lên tới 300 nghìn tệ (khoảng 1,1 tỷ đồng), và sau 1 giờ con số này là 585 nghìn tệ (khoảng 2,1 tỷ đồng).
Ứng dụng Owhat kết nối fan với công ty quản lý nghệ sĩ
Owhat là 1 ứng dụng nổi tiếng và rất quen thuộc của các fan trên con đường theo đuổi thần tượng. Ứng dụng này được ra mắt năm 2014, chuyên kết nối công ty quản lý nghệ sĩ với fan của họ. Tại đây, người dùng còn có thể trực tiếp mua các sản phẩm có liên quan đến thần tượng của mình.
Quà tặng cho Chu Nhất Long đương nhiên không dùng hết cả 585 nghìn tệ, theo tin tức của fanclub, họ sẽ dùng số tiền dư để mua quà cho Chu Nhất Long ở các hoạt động tiếp theo. Lúc ấy, studio của Chu Nhất Long đã công khai cảm ơn và xin lỗi fan, bày tỏ ý định sẽ hoàn trả chi phí mà fan đã dùng cho Chu Nhất Long, đồng thời kêu gọi người hâm mộ sau này không nên quyên góp tiền tiếp ứng cho Chu Nhất Long nữa.
Ca sĩ Mao Bất Dịch
Fanclub của Trương Vân Lôi tiết lộ, khi Trương Vân Lôi tham gia Happy Camp vào tháng 8/2018, fan của anh đã tặng 5 vị MC của chương trình mỗi người 10g vàng thỏi. Những chuyện tặng quà kiểu như vậy không chỉ giới hạn giữa fan và nghệ sĩ, Lâm Miểu Miểu tiết lộ: "Chỉ cần nghệ sĩ tham dự những hoạt động quan trọng, ngoài việc chuẩn bị băng rôn - biểu ngữ, lightstick cổ động, thông thường các fan còn tặng nhân viên đồ ăn và quà cáp, từ những MC danh tiếng đến nhân viên âm thanh ánh sáng, rồi các nhân viên truyền thông, ai nấy đều có quà xa xỉ đến giật mình: Nước hoa đắt tiền, son môi, trà... Nói chung là cái gì cũng có."
Năm 2015, theo thống kê của Tencent, fan mua phiếu bình chọn cho 15 thực tập sinh của chương trình thực tế Produce 2020 với số tiền lên tới gần 49 triệu tệ (tương đương 173,3 tỷ đồng). "Quà tặng cho MC và nhân viên của chương trình có idol tham gia so với số tiền chi cho idol quả thực không thấm vào đâu." - Lâm Miểu Miểu nói.
Tháng 6/2019, fanclub của ca sĩ Mao Bất Dịch công khai số tiền tiếp ứng cho anh tại Happy Camp là 11.680,38 tệ (khoảng gần 42 triệu đồng). Triệu Viên Nhi - fan trung thành của Mao Bất Dịch từ khi anh mới ra mắt - tiết lộ, Mao Bất Dịch đã tham gia Happy Camp tổng cộng 8 lần, trừ lần tham gia năm ngoái, do phải giãn cách xã hội vì dịch Covid thì lần nào fan cũng đến tặng quà.
Không có tiền đừng "đu idol"
Fan TFBoys tiếp ứng thần tượng tại 1 chương trình của đài Hồ Nam (Trung Quốc)
Mỗi minh tinh đều có 3-4 fan "cứng" có tài khoản được chứng thực trên Weibo, gồm người phụ trách quyên góp và tổ chức tiếp ứng, phụ trách thống kê số liệu, phụ trách lọc bình luận, phụ trách theo chân idol để chụp ảnh. "Muốn trở thành fan 'cứng' phải chụp được nhiều hình, biết chỉnh sửa hậu kỳ, văn phong tốt, biên tập video tốt, liên tục đăng tải những sản phẩm chất lượng, quan trọng nhất là phải có thực lực kinh tế hoặc quen biết rộng." - Tiểu Phàn, fan lâu năm của 1 nghệ sĩ top đầu Cbiz chia sẻ với phóng viên.
Mỗi 1 hoạt động của thần tượng, các fan "cứng" đều chủ động tới tiếp ứng và bỏ tiền túi mua quà tặng, chuẩn bị băng rôn, lightstick. Đương nhiên cũng có fan kiếm được tiền từ việc theo đuổi idol. Không ít fan lớn có được tín nhiệm của các fan khác, đứng ra quyên tiền hoặc bán tranh, ảnh của idol mà mình có, hoặc nhận mua vật phẩm cho các fan khác rồi nhận chiết khấu từ bên sản xuất.
Năm 2015, fan của G-Dragon tại Trung Quốc từng tiết lộ 1 fan lớn trong fanclub đã làm giả sổ sách, biển thủ 850 nghìn tệ (khoảng hơn 3 tỷ đồng). Số tiền này sau đó có được thu hồi về hay không thì fanclub nhất quyết giữ bí mật với giới truyền thông.
Lộc Hàm cùng fan
Tác gia tài chính kinh tế Ngô Hiểu Ba từng phân tích "hiện tượng Lộc Hàm" vào năm 2015. Ông nhận xét, hình thức tuyên truyền "Minh tinh - truyền thông - đại chúng" trước kia đã được thay thế bởi hình thức "Minh tinh - fan - đại chúng và truyền thông", "quyền lực" đang từ truyền thông dần chuyển đến tay fan.
Muốn làm fan "cứng" dẫn dắt cả fanclub cũng không dễ dàng, ví dụ phải online tối thiểu 4 tiếng/ngày, idol có bất kỳ hoạt động gì cũng phải biết trước tiên, sau đó tiến hành "đua top bình luận", để bình luận của mình được nhìn thấy nhiều nhất, ép những bình luận xấu về idol xuống.
"Điện thoại của chúng tôi luôn gối trên đầu, nửa đêm chỉ cần 1 cú điện thoại thông báo, chúng tôi phải tiến hành đẩy top bình luận, đính chính tin đồn, hoặc bình chọn cho idol thâu đêm, nếu idol không lọt top bình chọn, chúng tôi sẽ bị các fan "thường dân" mắng chửi." - Tiểu Phàn nói.
Nguồn thu béo bở của các dịch vụ trung gian
Ngày 16/11/2020, Kim Thần ghi hình Happy Camp, fanclub của cô tổ chức buổi trà chiều tặng các nhân viên công tác, tiết lộ biên lai 80 suất trà hoa với tổng giá trị 8.500 tệ (khoảng hơn 30 triệu đồng), nhưng thực tế giá mua bên ngoài không quá 3.000 tệ (tương đương 10,7 triệu đồng).
Sau đó đến ngày 23/12/2020, "Tiếp ứng đồ ăn tại Happy Camp phải qua trung gian" trở thành từ khóa tìm kiếm nóng hổi trên Weibo, có fan tiết lộ lúc mua đồ ăn tiếp ứng cho Happy Camp phải thông qua "Happy Camp fanclub", giá cả bị đội lên nhiều lần, vô cùng đắt đỏ.
Kim Thần trong năm 2020 gặt hái được nhiều thành công nhờ tham gia chương trình Tỷ Tỷ Đạp Gió Rẽ Sóng của đài Hồ Nam
Fanclub của Kim Thần mua trà hoa và điểm tâm từ nhãn hiệu Tam Thực Sa Lậu, trang chủ của nhãn hiệu này ghi rõ "phụ trách tiếp ứng đồ ăn tại hậu trường đài truyền hình Hồ Nam cho tất cả các fanclub".
Ung Ngọc Tân - người phụ trách Tam Thực Sa Lậu - cho biết, đồ ăn trong buổi trà chiều mà fanclub của Kim Thần mua là do khách quen "Happy Camp fanclub" đặt hàng, Tam Thực Sa Lậu đã thu 4.500 tệ (khoảng hơn 16 triệu đồng) cho toàn bộ đơn hàng, còn hóa đơn 8.500 tệ mà cư dân mạng chuyền tay nhau không phải là hóa đơn của Tam Thực Sa Lậu.
"Happy Camp fanclub" tự xưng là đối tác chính thức và duy nhất của đài Hồ Nam, đại diện cho đài Hồ Nam phục vụ và phối hợp hoạt động với fan của các nghệ sĩ đến làm khách mời của đài. Theo thông tin do Tencent điều tra, cả Tam Thực Sa Lậu lẫn "Happy Camp fanclub" đều có cổ đông lớn là (hoặc từng là) lãnh đạo cấp cao của đài Hồ Nam.
Tiêu tiền cho idol là dùng tiền mua vui
Thần tượng bị nhận xét không tốt là chuyện mà các fan lo lắng nhất, do đó càng ngày càng có nhiều fanclub tự nguyện đi làm công ích, nhằm thúc đẩy danh tiếng cho idol. Nhiều công tác từ thiện được công ty quản lý nghệ sĩ giao cho fanclub của họ làm, chỉ chi tiền mà không quan tâm quá trình thực hiện, bởi vậy bản chất của việc từ thiện đã bị biến đổi, thậm chí có thể nói là họ đang dùng tiền mượn sức fan mua lấy danh tiếng.
Fan tiếp ứng cho Thái Từ Khôn, chữ trên hình "Đoàn fan mama của Thái Từ Khôn"
Việc làm từ thiện cũng trở thành đấu trường đua ganh tài chính giữa các fanclub, nhà nào có quà tặng giá trị hơn, nhà nào có hạng mục từ thiện sáng tạo hơn thì càng có vị thế trong cộng đồng.
Gần đây, giới fanclub thịnh hành phong trào "tặng hot search", tức là mua từ khóa tìm kiếm cho idol, giúp idol trở nên nổi tiếng tại 1 thời điểm nhất định trên mạng xã hội. Việc này đã khiến nhiều người hâm mộ nhận định giới fanclub càng ngày càng tha hóa.
Trên internet, fan dùng biểu tượng quả quýt thay cho "quyên góp", dùng các chữ cái viết tắt chỉ có "người trong nghề" mới hiểu, fan mới đều phải cần 1 khóa huấn luyện mới có thể chính thức gia nhập.
Với đại đa số fan, tiêu tiền cho idol không phải là đầu tư, mà là hành vi tự mua vui cho bản thân, có nhiều thì tiêu nhiều, có ít thì tiêu ít, không có toan tính, không có kế hoạch. Vậy hỏi tới khi nào thì ngừng tiêu tiền cho idol? Chỉ có thể là lúc "hết yêu" mà thôi.