Tranh cãi xoay quanh chuyện nữ du học sinh Canada đòi bỏ về vì áp lực học tập

Hà Duy |

Chia sẻ của nữ du học sinh Việt tại Canada đang khiến nhiều du học sinh và cả những ai đang có ý định đi du học phải suy ngẫm.

Cuộc sống du học sinh màu hồng được chia sẻ trên các bài báo khiến cho nhiều bạn trẻ ở Việt Nam luôn khát khao được đi du học, được đặt chân đến những vùng đất mới, có cơ hội trải nghiệm nền giáo dục tiên tiến.

Người ta đi du học vì học giỏi nhận được học bổng, vì mong muốn được định cư, được làm việc ở nước ngoài, tệ lắm là vì bố mẹ bắt ép… nhưng đi du học vì giận một người có lẽ là lí do "trời ơi đất hỡi" nhất từng nghe thấy.

Tranh cãi xoay quanh chuyện nữ du học sinh Canada đòi bỏ về vì áp lực học tập - Ảnh 1.

Chia sẻ gây bão của nữ du học sinh tại Canada

Chia sẻ của cô bạn đi du học vì... giận 1 người

Theo như câu chuyện nữ sinh viên đang học tập tại thành phố Toronto, Canada chia sẻ thì cô sang đây du học đã được một năm, điều khiến cô xa gia đình, đến một nơi cách Việt Nam nửa vòng trái đất để du học là do… giận một người. 

Có lẽ quyết định nhanh chóng này đã đưa cô vào guồng quay đầy sôi động nhưng không kém phần khó khăn, gian nan của cuộc sống du học. Sau một năm, khi nhận ra được sự việc thì đã quá muộn màng. 

Cuộc sống màu hồng trong mơ đã thành màu đen tối tăm khi mà tiếng Anh của cô vẫn kém, không thể giao tiếp, không thể tiếp thu bài giảng, không hiểu giảng viên và bạn bè nói gì… dẫn đến kết quả học hành sa sút.

Đường lui càng gian nan hơn vạn lần khi khó mà bỏ ngang giữa chừng để quay về vì sợ gia đình mắng.

Tranh cãi xoay quanh chuyện nữ du học sinh Canada đòi bỏ về vì áp lực học tập - Ảnh 2.

Mệt quá rồi, buông xuôi có được không?

Lí do nữ du học sinh này đưa ra "đi du học vì giận một người" có vẻ vô lý nhưng điều đáng quan tâm ở đây là việc chán nản, căng thẳng vì học, muốn bỏ về đang xảy ra rất nhiều trong cộng đồng du học sinh, trở thành một vấn nạn đáng lo ngại.

Khi đọc được câu chuyện này, nhiều du học sinh đã giật mình nhìn lại bản thân và tự hỏi mình đã đi du học vì điều gì, đã cố gắng vượt qua hết những chán nản, những giây phút gục ngã, muốn buông xuôi ra sao.

Hầu hết du học sinh năm nhất đều trải qua tình trạng như cô bạn kia, cú shock về văn hóa, về ngôn ngữ, sống một mình nơi xứ lạ dễ khiến họ nản lòng nếu không đủ bản lĩnh vượt qua.

Du học sinh H.P chia sẻ: "Tất cả các du học sinh năm nhất điều bị trường hợp như vậy thậm chí tệ hơn! Nhưng nếu cố gắng vượt qua năm đầu thì mọi thứ sẽ ổn."

Một nữ du học sinh khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự: "Mình cũng cùng cảnh với bạn, mình stress nặng nề dù chỉ mới qua đây 7 ngày, 7 ngày tồi tệ của đời mình. Mình vừa gọi điện nói hết với mẹ, mẹ bảo về ba mẹ đón, đêm mai mình bay về luôn."

Nhiều du học sinh tại Canada đều cho rằng mọi người nên thẳng thắn với gia đình, xem đây là một bài học nhớ đời, vì nếu cố tiếp tục con đường du học sẽ tạo áp lực rất lớn cho bản thân, thậm chí còn gây ra hậu quả đáng tiếc sau này.

Tranh cãi xoay quanh chuyện nữ du học sinh Canada đòi bỏ về vì áp lực học tập - Ảnh 3.

Đã sang đây du học rồi sao không cố gắng?

Tuy nhiên, đại đa số bộ phận du học sinh có cái nhìn tích cự hơn, tất cả những bạn đang gặp khó khăn, bế tắc, chán nản nên cố gắng tiếp tục việc học, vì bỏ về lúc này tốn rất nhiều tiền bạc của ba mẹ.

Một nam sinh đang theo học tại Canada khuyên: "Cuộc sống của du học sinh không ai là không áp lực vì công việc và học hành. Anh chỉ khuyên các em nên cố gắng hết sức, anh cũng đã trong tình trạng đó nên hiểu rõ. 

Nếu quay về, cuộc sống sẽ thoải mái hơn nhưng chúng ta lại đánh mất đi nhiều thứ khác. Bao nhiêu người ước mơ đậu du học để thực hiện mơ ước, các em đã qua được nên tiếp tục. Có gì buồn hãy gọi điện tâm sự vs gia đình và bạn bè bên đây, các em phải có nguồn vui và động lực mới tiếp tục được."

Một phụ huynh có con đang du học cũng đã khuyên bảo tận tình: "Cô là mẹ có con cũng du học bên đó, đặt địa vị cô là cha mẹ cháu sẽ rất buồn, cuộc sống là luôn phải cố gắng, bên ngoài: học hành, công việc, các mối quan hệ. 

Bên trong: tập cho tinh thần mình vững vàng. Cháu hãy nghe những lời khuyên của những anh chị như thế này nhé, lời nào mang tính châm chọc thì không quan tâm. 

Giờ cháu còn trẻ đang hoang mang về hướng đi, vài năm sau nhìn lại thấy ba cái chuyện tình cảm vặt vãnh không là gì, một lúc nào đấy ở khúc quanh cuộc sống cháu sẽ gặp đúng người. Cô đã trải qua thanh xuân cô hiểu điều đó. 

Cháu gần những người anh, chị, bạn có lối sống tích cực để học hỏi và có thêm năng lượng sống từ họ nhé. Chúc cháu bình tâm nghĩ thấu đáo và vui sống tích cực."

Tranh cãi xoay quanh chuyện nữ du học sinh Canada đòi bỏ về vì áp lực học tập - Ảnh 4.

Du học sinh ở Canada (Ảnh minh hoạ).

Không chuẩn bị sẵn tâm lý đừng nên du học

Anh Nguyễn Nhật Huy (cựu sinh viên ĐH Ball State, Indiana, Hoa Kỳ) người từng gây sốt khi nhận được thư hồi đáp của cựu Tổng thống Obama và là người sáng lập diễn đàn Nghị viện trẻ, chia sẻ:

"Thông thường khi nhìn vào các du học sinh, người ta thường thấy những hình ảnh vui vẻ, được học tập, giao lưu văn hóa, du lịch nên thường nghĩ đi du học chỉ có thuận lợi mà không có khó khăn, chỉ có "sướng" mà không có "khổ". 

Vì vậy mà nhiều bạn trẻ quyết định đi du học mà không tìm hiểu trước xem có phù hợp với bản thân mình không. Nhiều gia đình ép buộc con đi du học trái nguyện vọng mà không xem xét các tác động tiêu cực tới con em mình. 

Cuộc sống du học sinh là cuộc sống xa nhà, tự chăm sóc bản thân, tự lo liệu và quản lý cuộc sống của mình và đôi khi là phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Vì vậy trước khi đi du học, các bạn trẻ và các gia đình nên tìm hiểu kỹ để tránh phải lỡ dở việc học, tốn kém về vật chất và tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần."

Tranh cãi xoay quanh chuyện nữ du học sinh Canada đòi bỏ về vì áp lực học tập - Ảnh 5.

Cựu du học sinh Mỹ Nguyễn Nhật Huy

Thiết nghĩ, những ai đang mong muốn đi du học, những bậc phụ huynh có con em sắp du học nên có một vốn kiến thức nhất định, sẵn sàng chuẩn bị tâm lý cho cả hai trước khi sang một môi trường đầy những điều mới mẻ, lý thú để khám phá và tất nhiên cả những cạm bẫy, khó khăn… để không rơi vào tình cảnh tréo ngoe như cô gái nói trên hay nhiều du học sinh khác đang gặp phải.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại