Hai chiều tranh cãi xoay quanh chuyện du học sinh Stanford kể chuyện từng bị cô giáo cấp 3 làm khó dễ

Át Chì |

Câu chuyện của du học sinh ở Stanford kể về thời cấp 3 từng bị cô giáo làm khó dễ đã gây ra rất nhiều tranh cãi. Một bên đứng về phía cô giáo khi cho rằng ở đâu cũng có nội quy, nếu không vi phạm tất nhiên không phải viết kiểm điểm. Một bên lại cho rằng cách hành xử của cô giáo cũng có phần hơi quá.

Mới đây trên một Fanpage khá nổi trong giới trẻ, câu chuyện của cậu bạn "được nhận vào Stanford" trong sự bất ngờ của mọi người kể về việc thời cấp 3 đã bị cô giáo chủ nhiệm "trù dập" đang thu hút rất nhiều tranh cãi.

Là học sinh chuyên Anh của ngôi trường nổi tiếng, ngay những ngày đầu bước chân vào cấp 3, cậu bạn tên M. đã "nổi da gà" trước cô giáo chủ nhiệm. 

Sau đó, vì cố tình viết một dòng chữ khá nhạy cảm lên bảng và bị cô giáo phát hiện, những ngày tháng ở trường chính thức là cơn ác mộng với M.

Hai chiều tranh cãi xoay quanh chuyện du học sinh Stanford kể chuyện từng bị cô giáo cấp 3 làm khó dễ - Ảnh 1.

Không biết vô tình hay cố ý nhưng M. nhiều lần thấy cô chủ nhiệm dường như đang nhằm vào mình, hay nói chính xác là "trù dập" cậu bằng nhiều cách. Đi muộn 5 phút bị phạt viết bản kiểm điểm, đi muộn 3 lần bị hạ hạnh kiểm, bị gọi phụ huynh. 

Cũng theo lời kể, M. thậm chí còn gặp khó khăn khi cô chủ nhiệm liên tục cản trở trong việc rút học bạ để chuẩn bị hồ sơ du học hay bị móc mỉa chuyện đi du học ngay trước lớp.

Bên cạnh đó, M. cũng tự nhận mình không phải một học sinh thực sự giỏi giang khi cậu bạn chỉ tập trung vào đúng tiếng Anh và toàn lơ là các môn khác. 

Theo M., Toán Lý Hóa mới là con cưng được chú ý nhưng cậu hoàn toàn không nghĩ chính mình lại bị "trù dập". Câu chuyện kết thúc đầy bất ngờ khi M. thông báo 2 năm sau khi "đụng độ" cô chủ nhiệm, cậu được nhận vào Stanford.

Phía dưới lời kể của M. là hàng trăm ý kiến tranh luận, nhẹ nhàng có, gay gắt có đến từ cư dân mạng. Câu chuyện của M. một mặt khơi gợi sự đồng cảm cho những ai từng trải qua hoàn cảnh tương tự khi còn đi học, và cả những ai từng bị đánh giá là cá biệt nhưng cuối cùng vẫn tạo nên được thành quả. 

Tuy nhiên, trái ngược với đó là những ý kiến nhận xét về thái độ chưa đúng mực của M. khi nhắc đến cô giáo. Với giọng điệu trong câu chuyện, có vẻ như M. không sai và là nạn nhân, thế nhưng ở một môi trường có nội quy như trường học, làm sao bạn có thể bị phạt khi bạn không làm gì vi phạm?

Hai chiều tranh cãi xoay quanh chuyện du học sinh Stanford kể chuyện từng bị cô giáo cấp 3 làm khó dễ - Ảnh 2.

"Có thể bạn giỏi, nhưng qua cách xưng hô thì mình không nể"

Kết quả được nhận vào Stanford sau 1 quá trình bị xem là cá biệt theo lời kể của M. không chỉ khiến cậu mà tất cả những người đọc được chuyện này cũng đều bất ngờ. Và dĩ nhiên ai cũng ít nhiều dành sự ngưỡng mộ cho M. khi cậu bạn chinh phục được ngôi trường rất danh giá. 

Tuy nhiên, việc đỗ Stanford đặt cạnh việc M. gọi cô giáo là "bà", kể lại câu chuyện với thái độ có phần mỉa mai lại khiến người ta không thể không so sánh.

Có thể năng lực của M. giỏi, và việc cô giáo xem cậu như học sinh cá biệt là không đúng. Thế nhưng, ít nhất M. cũng cần có cách xưng hô phải phép với giáo viên - những người lớn tuổi hơn mình.

Bạn Trịnh Thị Mỹ Hân đã để lại ý kiến nhận được khá nhiều sự đồng tình như sau: "Mình cảm thấy việc đi học muộn phải viết bản kiểm điểm là đúng mà nhỉ, kể cả việc vi phạm 3 lần là bị hạ hạnh kiểm cũng vậy. Mình cứ nghĩ đó là quy định sẵn có của các trường cơ mà nhỉ. 

Thêm nữa là việc viết như vậy thì đúng là để giáo viên nhìn thấy thì không thích là đúng rồi. Cuối cùng là, có thể bạn giỏi, nhưng qua cách bạn xưng hô với người ít nhất đã từng trao mình chút kiến thức thì mình nói thật là mình không nể".

Bạn Hoàng Bảo Nguyễn bình luận: "Bạn sai rõ ràng mà, ở nước ngoài hay Việt Nam cũng bị phạt thế thôi. Cô giáo cũng có suy nghĩ của cô giáo, lúc nào cũng thấy nhiều bạn nói như kiểu mình bị hại hay làm sao ý, bạn không làm sai người ta phạt bạn bạn có quyền lên tiếng, còn bạn làm sai dù cố tình hay vô tình thì bạn cũng đã làm sai, chỉ không may cho bạn là cô giáo nghiêm túc quá. Cách xưng hô nó đã thể hiện bạn thế nào rồi".

Bên cạnh đó, một số người nghi ngờ tính xác thực của câu chuyện và cho rằng dù sao câu chuyện cũng chỉ từ một phía, và với giọng điệu này thì không thể nói được ai đúng ai sai. Như Thanh Vũ đã để lại ý kiến rất dài như sau:

"Không biết bạn nam này có viết hoàn toàn đúng sự thật không? Sao bạn biết cô ấy hay đi khắp nơi nói bạn là HS cá biệt, có thể chỉ là cô ấy kể về những hành động bạn làm thôi, thường thì có trường hợp đặc biệt các thầy cô về phòng GV vẫn hay kể ra nhé bạn, chuyện thường. Mình không bênh cô giáo nhưng bạn hơi phiến diện, làm rõ hơn 1 số vấn đề thế này nhé:

1. Thật sự trong mắt người lớn việc viết câu trêu chọc trên bảng không đơn giản là vui đùa, nên cô giáo sẽ bị ấn tượng xấu về người làm nên hành vi đó.

2. Cô thấy bạn không dám thừa nhận việc mình đã làm, ấn tượng càng xấu hơn.

3. Vì ấn tượng đã tệ, nên 1 khi để ý thấy thêm nhiều lần đi trễ, càng thấy bạn là 1 HS cá biệt nên càng không thích.

4. Không biết cô ấy làm những gì để cản trở bạn rút học bạ? Nói thật nếu cô ấy cho bạn là cá biệt thì sẽ càng mừng khi cho bạn đi. Có thể bạn thấy thủ tục khó khăn quá rồi tự quy kết do cô không?

5. Cô ấy là thế hệ cách chúng ta một đời, cách nhìn nhận về du học nó khác. Chỉ là mình nghĩ không 1 cô giáo nào phát ngôn kiểu thẳng thừng như vậy nên mình nghi ngờ tính chân thực của nó, cảm giác bạn muốn nói để ai cũng thấy cô ấy ăn nói quá đáng. 

Cô đưa ra ý kiến trước lớp kiểu đánh giá không tốt về du học thì không được hay lắm thôi, vì đó chỉ là ý kiến chủ quan của cô, việc gì cũng có mặt tốt và xấu cả.

Có điều do cô ấy lớn hơn, thêm nữa cô ấy rất giỏi nên việc hình thành suy nghĩ tự cho là đúng khi nói với cả lớp điều đó hoàn toàn xuất phát từ việc muốn tốt cho các bạn (cô ấy nghĩ thế, như bố mẹ vẫn tự nghĩ điều gì tốt là làm cho chúng ta vậy).

Hai chiều tranh cãi xoay quanh chuyện du học sinh Stanford kể chuyện từng bị cô giáo cấp 3 làm khó dễ - Ảnh 3.

"Chưa từng ở trong hoàn cảnh người khác thì đừng cố phán xét"

Nói đi cũng phải nói lại, với học sinh cấp 3 - độ tuổi đang chịu sự ảnh hưởng rất nhiều từ môi trường và những người trực tiếp giảng dạy, truyền đạt kiến thức hàng ngày, nếu thực sự M. bị chính cô giáo làm khó dễ thì đây là một trải nghiệm không hề vui vẻ, và chẳng ai muốn có.

Có lẽ khi trực tiếp rơi vào tình huống không được giáo viên thừa nhận, bị xem là cá biệt trong lớp, hay cố tình làm khó dễ (nếu có), bạn sẽ dễ đồng cảm hơn với M. và hiểu vì sao cậu bạn lại kể lại câu chuyện này với giọng điệu như vậy.

Bên cạnh đó, nhiều người còn cho rằng quan điểm những học sinh nghịch ngợm, không ngoan, không xuất sắc... sẽ không thể có được thành quả cho đến giờ vẫn còn tồn tại. Và chỉ khi bị áp đặt những điều đó, bạn mới hiểu nó áp lực như thế nào. 

Nhưng thực tế thì ngược lại, rằng không cần biết kết quả học tập của bạn như thế nào, miễn bạn biết phấn đấu, bạn sẽ chứng minh được năng lực của mình nằm ở đâu.

Đó cũng là lý do mà trong số rất nhiều ý kiến tranh cãi, một bộ phận lại bênh vực M. khi kể lại những kỷ niệm của chính bản thân mình trong hoàn cảnh tương tự.

"Từng bị giáo viên chủ nhiệm trù dập và biết trong tình cảnh đó nó thấm đến cỡ nào và suốt 1 thời gian điều đó đã trở thành vết hằn tâm lý khó phai mờ mỗi khi nhớ lại. Nên nói thẳng chưa từng ở trong hoàn cảnh của người khác thì đừng cứ cố phán xét" - T.T.H bình luận.

Hoang Giang bình luận khá gay gắt khi cho rằng cô giáo đã quá khắt khe: "Đặt mình vào bước đường của người khác và nhìn bằng đôi mắt của họ xem. Sự khác nhau giữa 1 hạ sĩ quan và 1 người thầy/người cô nó quyết định ít nhiều đến sự phát triển của 1 con người lắm đấy".

Lam Bui tỏ ra đồng cảm: "Việc một học sinh có thể tốt hay không, không phải phụ thuộc giáo viên dạy giỏi hay không mà có khích lệ được học sinh hay không. Mình từng trải qua 2 năm bỗng dưng dốt toán chỉ vì bị cô thầy xem thường và tự dưng kém hẳn ra trong khi trước đó mình luôn đứng top 5. 

Sau khi hết 2 năm đó mình mới khá lên được nhưng vì mất 2 năm thủng kiến thức nên cũng chỉ khá thôi. Không đổ lỗi cho ai nhưng thực sự hiểu cảm giác của người kể".

Hiện tại, những tranh cãi xoay quanh câu chuyện này vẫn chưa có hồi kết và ai cũng muốn bảo vệ ý kiến của mình. Riêng với M., việc cậu bạn kể lại câu chuyện này rất có thể chỉ mang tính chất chia sẻ một kỷ niệm thời đi học và không có ý khoe khoang hay gay gắt như nhiều người nghĩ. 

Tuy nhiên, vì câu chuyện chạm đến vấn đề nằm trong suy nghĩ của nhiều người nên ai cũng muốn đưa ra ý kiến.

Còn bạn, bạn nghĩ sao về câu chuyện này?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại