Hình ảnh đôi rồng đá được gia cố ở Hoàng Thành Thăng Long bằng cách dùng khung sắt chọc vào yết hầu linh vật đang gây nên những tranh cãi.
Đôi rồng đá được đặt trước Điện Kính Thiên là hình ảnh ấn tượng, thu hút sự chú ý của du khách khi ghé thăm Hoàng Thành Thăng Long.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhiều người bất ngờ với hình ảnh rồng đá được “gia cố” bằng cách đặt khung sắt nhọn ngay dưới họng rồng.
Khung sắt nhọn không chỉ làm mất đi tính thiêng liêng của linh vật mà còn có nguy cơ khiến rồng đá bị tổn thương.
Giải pháp tôn tạo này của ban quản lý Hoàng Thành Thăng Long đang khiến nhiều chuyên gia di sản phản ứng.
Trao đổi với Lao Động, Giáo sư Trần Lâm Biền cho biết, nếu có việc dùng thanh sắt chống vào yết hầu, dù với mục đích gì cũng gây nên sự phản cảm.
Theo chuyên gia di sản, cần phải nghĩ ra giải pháp khác phù hợp hơn, tránh làm tổn thương nghiêm trọng đến linh vật.
Về vấn đề này, GS Nguyễn Lân Cường nhấn mạnh, rồng đá đã tồn tại hàng trăm năm nay ở Hoàng Thành Thăng Long. Việc tôn tạo hay gia cố là đúng.
Tuy nhiên, cần phải có biện pháp hợp lý hơn. Đối với một địa chỉ lớn như Hoàng Thành Thăng Long, nên tránh những hình ảnh phản cảm như việc để khung sắt chọc vào yết hầu rồng đá.
“Ban quản lý Hoàng Thành Thăng Long có cả một đội ngũ nghiên cứu mà sao lại không có giải pháp nào tốt hơn hay sao?”, ông đặt câu hỏi.
Trong khi đó GS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam lại khẳng định, đây chỉ là giải pháp tạm thời trước nguy cơ đầu rồng đá có thể bị gãy. Hiện tại vẫn phải dùng khung sắt để gia cố cho đến khi tìm giải pháp khác tốt hơn.
“Có thể có người phản ứng nhưng không thể chạy theo dư luận được mà tất cả là để cứu đầu rồng đá không bị xuống cấp”, ông chia sẻ.
Theo GS Bài, việc tôn tạo di tích lịch sử là bài toán đau đầu cho các nhà khảo cổ, các chuyên gia di sản và cơ quan chức năng. Hiện nay rồng đá ở Điện Kính Thiên đang là mối quan tâm của Ban quản lý Hoàng Thành Thăng Long.
Đôi rồng đá trước khi được "gia cố".
Trước đó, hình ảnh rồng đá đặt trước điện kính thiên ở Hoàng Thanh Thăng Long bị 2 khung sắt chọc vào yết hầu được chia sẻ mạnh mẽ trên mạng xã hội và gây phản ứng gay gắt. Có ý kiến cho rằng, việc “bảo vệ” như thế không khác gì “yểm” rồng, đồng thời làm mất đi tính trang nghiêm của linh vật.
Đại diện Ban quản lý Hoàng Thanh Thăng Long khẳng định, hình thức này là để bảo vệ đầu rồng khỏi bị gãy.
Rồng đá điện Kính Thiên được đánh giá là di sản kiến trúc tuyệt tác, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê Sơ với chiều dài 5,3m. Điểm nổi bật của linh vật là chiếc đầu rồng với những nét chạm tinh xảo, thể hiện được sự oai hùng, mạnh mẽ.