Sau khi "khoác áo mới" cho di tích Văn Miếu, đến nay, Hoàng Thành Thăng Long tiếp tục được đơn vị quản lý tiến hành quét vôi với màu "mới lạ" so với vẻ cổ kính vẫn thấy.
Theo ghi nhận, hiện nay, khu vực quanh cổng Đoan Môn, hai cửa ngách của khu vực này đã được phủ một lớp nước vôi ve vàng nhạt. Trong khi đó, khu vực cổng Đoan Môn đang trong quá trình thực hiện.
Trao đổi với chúng tôi vào sáng 17/1, ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, đây là việc bảo tồn di tích thường kỳ hàng năm và được thực hiện từ đầu tháng 12/2016, dự kiến kết thúc vào ngày 20/1/2017.
Theo ông Việt Anh, năm nay đơn vị có nhiều hoạt động bảo quản như các hố khảo cổ, di vật tìm thấy trong hố đã phát lộ, cây cối quanh di tích.
Riêng Đoan Môn bảo quản bề mặt tường, phần chân tường gạch vồ và hệ thống liên quan đến di tích như cửa gỗ, hệ thống kết cấu mái ở trên.
Phần cửa ngách trước khi được quét vôi. Ảnh: Trung tâm cung cấp.
Phần cửa ngách sau khi được quét vôi mới.
Cụ thể tường được loại bỏ cây và rêu mốc, dương xỉ mọc ở các khe của di tích, chỗ nào nhiều rêu phải cạo ra, hoàn thiện lại bằng vữa, hạn chế sử dụng xi măng.
Hệ thống gỗ, cửa gỗ và các kết cấu gỗ được làm sạch sau đó đánh véc ni, không phải sơn lại, kể cả phần rui mè ở trên cũng được đánh véc ni bằng tay theo phương pháp truyền thống, tra dầu bôi mỡ cho phần bánh xe - theo thông tin từ Trung tâm.
Đi cùng với Đoan Môn, Trung tâm bảo quản cả hố khảo cổ học cạnh đó như sơn toàn bộ hệ thống kết cấu chịu lực mặt kính, làm sạch di tích, ngăn nước xâm thực một cách tối đa, lắp đặt lại hệ thống bơm để hút nước ngấm vào hố khảo cổ, lắp lại hệ thống điện chiếu sáng.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cũng thông tin thêm, năm 2010, khu vực cổng Đoan Môn cũng được quét vôi tổng thể như lần này.
"Việc dư luận quan tâm tới màu mới của Đoan Môn là rất quý nhưng tôi cũng muốn chia sẻ thêm rằng việc quét vôi bảo dưỡng như vậy vẫn được chúng tôi thực hiện hàng năm, cho từng bộ phận.
Riêng khu vực cổng Đoan Môn, lần quét vôi tổng thể như đang làm cũng từng được thực hiện vào dịp Đại lễ 2010", ông Trần Việt Anh chia sẻ thêm.
Ông Việt Anh cũng nêu rõ, có thể do cảm quan nhìn lúc có rêu và không có rêu hơi khác, chứ trên thực tế lần bảo dưỡng này sử dụng đúng vật liệu, phương pháp nguyên gốc từ lần tu sửa gần nhất.
Trước đó, trao đổi với chúng tôi, GS sử học Phan Huy Lê cho rằng, về nguyên tắc của việc trùng tu các di tích thì đơn vị quản lý đã làm đúng quy trình, tuy nhiên cách xử lý còn cần phải bàn thêm để tránh những ồn ào đáng tiếc có thể xảy ra.