Tranh bị chê, danh họa Picasso chỉ hỏi lại 3 câu đã khiến đối phương im bặt: Rất đáng ngẫm!

Nguyễn Nhung |

Hãy thử ngẫm nghĩ lại xem, đã bao giờ bạn ứng xử như cách mà danh họa Picasso đã làm trong câu chuyện dưới đây?

Câu chuyện thứ nhất

Có người hỏi danh họa Pablo Picasso: "Tranh của ông sao tôi nhìn chẳng hiểu gì thế?"

Picasso hỏi lại: "Thế ông nghe chim hót bao giờ chưa?"

"Rồi."

"Hay không?"

"Hay."

Và Picasso chỉ nhẹ nhàng hỏi lại: "Vậy ông có hiểu không?"

Người kia im lặng, không biết nói gì.

Câu chuyện thứ hai

Có người hỏi Từ Quang Trung (nhà văn, nhà thơ, nhà giáo dục và nhà phê bình người Đài Loan, Trung Quốc) rằng: "Lý Ngao ngày nào cũng tìm ông gây sự, vậy mà trước giờ ông đều không đáp lời, tại sao thế?"

Từ Quang Trung trầm ngâm rồi trả lời dứt khoát: "Ngày nào cũng mắng tôi, cho thấy trong cuộc sống của ông ta không thể không có tôi. Còn tôi không đáp lời, điều đó chứng minh trong cuộc sống của tôi có thể không có ông ta."

Tranh bị chê, danh họa Picasso chỉ hỏi lại 3 câu đã khiến đối phương im bặt: Rất đáng ngẫm! - Ảnh 1.

Câu chuyện thứ ba

Có một người phụ nữ lớn tuổi thường hay bực mình vì những chuyện vặt vãnh. Một hôm, bà ta tìm đến một vị cao tăng để thỉnh giáo. Nghe xong câu chuyện của người phụ nữ, vị cao tăng đưa bà vào một phòng thiền, sau đó khóa cửa rồi đi.

Một lòng muốn có được lời chỉ dạy của cao tăng, nhưng không ngờ cao tăng lại nhốt mình vào trong một căn phòng vừa lạnh vừa u tối, bà ta tức tối hét lên, cũng như ngày thường, bà ta buông những lời nhục mạ quái ác. Bà ta mắng nhiếc rất lâu nhưng vị cao tăng vẫn không bận tâm.

Rồi người phụ nữ lại bắt đầu khổ sở thỉnh cầu cao tăng cho bà ta ra nhưng cao tăng vẫn làm như không nghe thấy gì hết. Cuối cùng, bà ta cũng im lặng.

Cao tăng đến bên ngoài cửa, hỏi: "Bà vẫn giận giữ sao?"

Người phụ nữ trả lời: "Tôi đang nổi giận với chính mình, tại sao lại phải đến cái nơi quái quỷ này để chịu cái tội này cơ chứ?"

"Người mà đến chính bản thân mình cũng không muốn tha thứ, làm sao tâm có thể tĩnh được?" – cao tăng khoát vạt áo một cái rồi bỏ đi.

Một lúc sau, cao tăng lại quay lại hỏi: "Bà còn giận dữ không?"

Người phụ nữ đáp: "Tôi không giận nữa, vì không đáng để giận."

Cao tăng nói: "Cái gốc của sự giận dữ trong bà vẫn còn, bà cần phải thoát ra khỏi vòng xoáy của tức giận trước đã."

Sau một hồi lâu, người phụ nữ lớn tuổi chủ động hỏi cao tăng : "Thưa đại sư, người có thể nói cho con biết tức giận là cái gì không ?"

Vị cao tăng liền nghiêng chén trà trên tay, toàn bộ nước trà đổ xuống đất. Nhìn theo hồi lâu, người phụ nữ mới bừng tỉnh ngộ, cảm ơn đại sư rồi ra về.

Trong cuộc sống này, sinh mệnh của chúng ta cũng giống như cốc nước trà trong tay cao tăng vậy, trong tích tắc là có thể hòa vào với đất. Cuộc sống ngắn ngủi như thế, vài việc vặt vãnh nhỏ nhặt có đáng để chúng ta phung phí thời gian vào việc giận dữ hay không?

Tranh bị chê, danh họa Picasso chỉ hỏi lại 3 câu đã khiến đối phương im bặt: Rất đáng ngẫm! - Ảnh 2.

Lời bình

Tôi tin rằng trong cuộc sống này, mỗi chúng ta đều đã từng trải qua cảm giác giận dữ vì những chuyện không đâu, chẳng qua chỉ để phân cao thấp, luận mạnh yếu, tranh đi cãi lại, cuối cùng chẳng ai thắng.

Trong việc này, bạn thắng một ai đó, nói không chừng ở việc khác, bạn sẽ thua họ.

Khi bạn nhắm mắt từ biệt thế giới này, bạn và tất cả những người khác trong thiên hạ đều giống nhau cả thôi: Chẳng có gì, tay trắng.

Con người sống trên đời, điều quan trọng nhất là làm một vài việc mình cho là có nghĩa. Đừng để phí thời gian vào những việc vặt vãnh. Đừng vì muốn hơn nhau một câu nói mà đánh mất thời gian quý giá của bản thân.

Người có tu dưỡng thực sự sẽ biết cách nuốt cơn giận vào trong. Chỉ khi không giận dữ, bạn mới có thể làm tốt mọi việc, mới có thể sống khỏe mạnh, hạnh phúc.

Chúng ta giận dữ, là bởi bản thân ta chưa đủ độ lượng; chúng ta u uất trong lòng, là bởi bản thân ta chưa đủ khoan dung.

Chúng ta lo lắng tiều tụy, là bởi bản thân ta chưa đủ thong dong, tự tại; chúng ta bi thương, là bởi bản thân ta chưa đủ kiên cường.

Chúng ta buồn rầu sầu não, là bởi bản thân ta chưa đủ lạc quan; chúng ta đố kỵ, là bởi bản thân ta chưa đủ ưu tú.

Có thể thấy, căn nguyên của mọi rắc rối tiêu cực đều bắt nguồn từ chính bản thân ta. Vì thế, mỗi lần phiền não xuất hiện là một lần nó cho chúng ta một cơ hội để tìm ra khuyết điểm của bản thân.

Có một số việc sau khi đã ngẫm thật kỹ, chúng ta sẽ thấy, giận dữ thực sự là một việc làm ngu ngốc và lãng phí.

Nó khiến chúng ta lãng phí tâm sức, tinh thần, thời gian, đồng thời gây ra vô số những tổn hại mà chính bản thân ta là người phải hứng chịu nhiều hơn cả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại