Trận Thổ Phồn đánh tan 10 vạn quân nhà Đường, gây chấn động Trung Hoa

Đăng Nguyễn |

Người Tạng dưới thời đế quốc Thổ Phồn từng lập nên chiến công lịch sử, đánh tan 10 vạn quân nhà Đường của hoàng đế Đường Cao Tông Lý Trị, đánh dấu thất bại thảm hại nhất trong lịch sử nhà Đường ở Trung Hoa.

Phác họa hình ảnh kỵ binh Thổ Phồn.

Phác họa hình ảnh kỵ binh Thổ Phồn.

Sau khi vị vua đầu tiên của đế quốc Thổ Phồn qua đời vào năm 650, Mangsong Mangtsen, cháu nội vua Songtsen Gampo, chính thức lên ngôi.

Mối quan hệ hữu hảo giữa nhà Đường và người Tạng quay trở lại giai đoạn đầy biến động. Năm 658, Mangsong làm theo cách của ông nội, gửi sứ giả đến Trường An, yêu cầu được cưới công chúa nhà Đường. Yêu cầu này bị Đường Cao Tông Lý Trị thẳng thừng từ chối.

Để củng cố sức mạnh đế quốc, Mangsong kéo quân gây chiến với vương quốc Thổ Dục Hồn ở phía Đông và Tượng Hùng ở phía tây. Cũng năm 658, một loạt vùng lãnh thổ ở Tây Vực quy hàng hoàng đế Đường Cao Tông. Nhà Đường lập ra An Tây đô hộ phủ để cai quản các vùng đất này.

Năm 662, Mangsong liên minh với người Turk, lần lượt công phá các tiền đồn của nhà Đường ở An Tây Đô hộ phủ. Lần lượt Kashgar, Khotan rơi vào tay đế quốc Thổ Phồn.

Trận Thổ Phồn đánh tan 10 vạn quân nhà Đường, gây chấn động Trung Hoa - Ảnh 1.

Tu viện Phật giáo xây dựng ở Lhasa dưới thời đế quốc Tây Tạng.

Năm 690, vua Thổ Phồn giao 20 vạn quân cho tướng Gar Trinring Tsendro, đánh chiếm thủ phủ của vương quốc Thổ Dục Hồn ở Thanh Hải. Thổ Dục Hồn là chư hầu của nhà Đường, nằm trên tuyến đường Con đường Tơ lụa quan trọng kết nối giao thương với phương Tây.

Dưới danh nghĩa giúp Thổ Dục Hồn phục quốc, hoàng đế Đường Cao Tông mở chiến dịch chinh phạt Thổ Phồn, sai danh tướng Tiết Nhân Quý cùng A Sử Na Đạo Chân, Quách Đãi Phong thống lĩnh 10 vạn quân đi đánh giặc.

Tướng Tiết là tổng chỉ huy chiến dịch, đề ra phương án đối phó người Tạng, nhưng Quách không nghe theo. Tiết muốn dẫn kỵ binh nghênh chiến trước, 2 vạn quân cùng lương thảo do Quách chỉ huy ở lại khu vực hồ Thanh Hải chờ tin.

Khi tình hình yên ổn, Tiết sẽ ra dấu hiệu để Quách điều quân. Nhưng Quách tự ý hành động một mình, kết quả bị đại quân Thổ Phồn phục kích, lương thảo bị đốt sạch. Sau khi Quách thảm bại, Tiết quyết chiến với quân Thổ Phồn trong trận Đại Phi Xuyên trên cao nguyên Thanh Hải.

Trận chiến kết thúc với kết cục thảm bại, 10 vạn quân nhà Đường gần như bị tiêu diệt hoàn toàn, các tướng Tiết Nhân Quý, A Sử Na Đạo Chân, Quách Đãi Phong may mắn giữ được mạng sống. Theo sử sách Trung Hoa, đây là trận thảm bại lớn nhất trong lịch sử nhà Đường.

Các tướng trên đường trở về bị quân triều đình bắt giữ, áp giải về Trường An. Đường Cao Tông xét các tướng từng lập nhiều công trạng, miễn tội chết, nhưng bị tước hết bổng lộc.

Phân tích về thất bại thảm hại của quân đội nhà Đường, hai học giả Li Wenping và Yan Liang, đến từ Đại học Lhasa, Tây Tạng từng công bố nghiên cứu về môi trường khí hậu ở địa điểm giao tranh.

Trận Thổ Phồn đánh tan 10 vạn quân nhà Đường, gây chấn động Trung Hoa - Ảnh 3.

Đế quốc Thổ Phồn ở giai đoạn đỉnh cao vào năm 790.

Hai tác giả viện dẫn tài liệu nhà Đường chép về đế quốc Thổ Phồn. “Nơi quân Thổ Phồn và quân nhà Đường giao tranh có khí hậu lạnh giá. Mùa hè ở nơi này giống như mùa xuân ở Trung Hoa. Đội quân nhà Đường hành quân xa xôi đến, đối mặt với dịch bệnh tiềm ẩn, hai tác giả viết.

Bên cạnh đó, còn một nhân tố khác ảnh hưởng trực tiếp đến chiến dịch của nhà Đường là yếu tố độ cao. Độ cao trung bình ở Thanh Hải là trên 3.000 mét, vùng cao nguyên ở phía nam Thanh Hải có độ cao trung bình vượt quá 4.000 mét.

Tướng Tiết Nhân Quý hiểu rõ bất lợi của binh sĩ khi hành quân từ vùng đồng bằng lên vùng núi cao, nên muốn Quách trấn thủ 2 vạn quân ở lại hậu phương, đề phòng tình huống xấu. Nhưng Quách không nghe theo dẫn đến thảm bại của toàn quân.

“Quân nhà Đường gặp rất nhiều bất lợi về khí hậu và yếu tố địa lý. Binh sĩ không quen với thời tiết lạnh giá vào mùa đông và mùa xuân ở vùng cao nguyên, dẫn đến kết cục tất yếu”, hai tác giả viết.

Ngược lại, binh sĩ Thổ Phồn lại được hưởng lợi lớn từ địa hình, vì đã quen sống ở cao nguyên Tây Tạng, nơi còn có khí hậu khắc nghiệt hơn ở Thanh Hải.

Sau thất bại ở Đại Phi Xuyên, nhà Đường mất quyền kiểm soát vùng Thanh Hải và toàn bộ khu vực lòng chảo Tarim. Thất bại cũng mở ra một loạt những cuộc xung đột giữa Thổ Phồn và nhà Đường ở các vùng đất còn lại thuộc An Tây đô hộ phủ.

Hầu hết các tài liệu lịch sử đều chép rằng, toàn bộ vùng An Tây đô hộ phủ rơi vào tay Thổ Phồn vào năm 790, chấm dứt ảnh hưởng kéo dài 150 năm của nhà Đường ở Trung Á.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại