Trận không kích chết chóc nhất trong lịch sử, thiêu rụi Tokyo - Kỳ 1

Thu Hằng |

Thảm bom cháy thả từ máy bay B-29 Mỹ đã tạo ra những cơn lốc lửa mạnh đến mức chúng hút những tấm nệm từ nhà dân rồi quật ra đường phố cùng mọi thứ khác. Đó là cảnh tượng ghê sợ của trận không kích chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại, xảy ra đúng ngày này 75 năm về trước.

ĐÒN PHỤC THÙ BẰNG NAPALM

"Lửa đã thiêu rụi tất cả, biến thành những quả cầu lửa”, bà Nihei, năm nay 83 tuổi, kể lại. Quay khắp tứ phía, cô bé Haruyo Nihei khi đó 8 tuổi cũng chỉ nhìn thấy lửa rừng rực.

Trận oanh tạc bị lãng quên

Nihei đang ngủ say khi những quả bom bắt đầu dội như mưa xuống Tokyo, thành phố được xây dựng chủ yếu là những ngôi nhà gỗ, khiến em phải chạy khỏi ngôi nhà đang sống cùng với bố mẹ, anh trai và em gái.

Khi Nihei chạy xuống đường, những cơn gió quá nóng khiến tấm chăn mỏng ôm lấy cô bé cũng bốc cháy. Cô bé đành buông tay cha để ném nó đi. Ngay lúc đó, người cha bị cuốn vào dòng người đang dồn nhau chạy trốn.

Khi ngọn lửa dịu xuống, Nihei thấy mình đang ở một ngã tư của Tokyo, hét lên gọi cha. Một người lạ ôm lấy Nihei bảo vệ em khỏi lửa. Rồi khi nhiều người đổ dồn vào ngã tư, Niheil lại bị đẩy xuống đất.

Trong lúc nửa tỉnh nửa mê, em nhớ mình đã nghe thấy những giọng nói bị bóp nghẹt ở phía trên: “Chúng ta là người Nhật. Chúng ta phải sống. Chúng ta phải sống”. Cuối cùng những giọng nói trở nên yếu hơn, cho đến khi im lặng hoàn toàn.

Khi Nihei được lôi ra khỏi đống người chết, em nhìn thấy những thi thể cháy đen xung quanh. Hóa ra người lạ bảo vệ Nihei chính là cha cô bé. Sau khi ngã xuống đất, cả hai đều được bảo vệ khỏi đám cháy bởi những thi thể ở phía trên mình.

Đó là sáng sớm ngày 10/3/1945, và Nihei vừa sống sót sau cuộc dội bom kinh hoàng nhất trong lịch sử loài người.

Trận không kích chết chóc nhất trong lịch sử, thiêu rụi Tokyo - Kỳ 1 - Ảnh 1.

Các tòa nhà ở Tokyo rực cháy sau cuộc không kích bằng bom cháy cuối Thế chiến II. Ảnh: Chính phủ Nhật Bản

Có tới 100.000 người Nhật đã thiệt mạng và một triệu người khác bị thương, hầu hết là dân thường, khi hơn 300 máy bay ném bom B-29 của Mỹ thả 1.500 tấn bom cháy (bom Napalm) xuống thủ đô Nhật Bản vào đêm hôm đó.

Những "địa ngục lửa" kinh hoàng đốt cháy hầu như mọi thứ trên một khu vực rộng 41 km vuông thành tro. Và theo một số ước tính, khoảng một triệu người đã mất nhà cửa.

Theo báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ, số người thiệt mạng trong đêm 9 rạng sáng 10/3/1945 thậm chí vượt qua cả số nạn nhân tử vong trực tiếp trong hai vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki vào cuối năm đó (lần lượt cướp đi khoảng 70.000 và 46.000 sinh mạng).

Nhưng bất chấp sự tàn phá khủng khiếp của chiến dịch không kích bằng bom cháy xuống Tokyo, không giống như ở Hiroshima hay Nagasaki, ngày nay không có bảo tàng nhà nước nào ở thủ đô của Nhật Bản chính thức tưởng niệm sự kiện này vào ngày 10/3.

Và trong khi chiến dịch đánh bom của quân Đồng minh ở Đức vào tháng 2/1945 đã gây ra một cuộc tranh luận công khai mạnh mẽ về chiến thuật tung bom cháy vào các khu vực dân cư, thì trong dịp tưởng niệm 75 năm vụ dội bom cháy xuống Tokyo, tác động của trận oanh tạc này vẫn hầu như không được thế giới biết đến.

Trận không kích chết chóc nhất trong lịch sử, thiêu rụi Tokyo - Kỳ 1 - Ảnh 2.

Quang cảnh Tokyo nhìn từ trên không sau khi bị bom cháy Mỹ càn quét ngày 10/3/1945. Ảnh: CNN

Sự ra đời của "Siêu pháo đài bay" B-29

Nỗi kinh hoàng mà cô bé Nihei nhìn thấy đêm hôm đó là kết quả của Chiến dịch Hội nghị, đúng hơn là một loạt vụ không kích bằng bom cháy chết chóc nhất xuống Tokyo của Không quân Mỹ, từ tháng 2 đến tháng 5/1945.

Chiến dịch này được thiết kế chính bởi Tướng Curtis LeMay, Tư lệnh lực lượng máy bay ném bom Mỹ ở Thái Bình Dương. Chính LeMay sau đó đã phát động cuộc không kích vào Triều Tiên cũng như ủng hộ ý tưởng về một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu chống lại Liên Xô trước đây trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba vào tháng 10/1962.

Mặc dù Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt từng gửi thông điệp tới tất cả các chính phủ đang tham chiến, kêu gọi họ kiềm chế "sự man rợ vô nhân đạo" của hành động tấn công thường dân khi chiến tranh bùng nổ ở châu Âu vào năm 1939, đến năm 1945, chính sách này đã thay đổi.

Sau cuộc tấn công tàn khốc của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng ngày 7/12/1941, Washington nung nấu trả thù. Đến năm 1942, sức mạnh của đế chế Nhật Bản ở Thái Bình Dương đạt tới thời kỳ đỉnh cao.

Các nhà hoạch định chiến tranh Mỹ đã đưa ra một danh sách các mục tiêu, nhằm xóa sạch bất cứ thứ gì có thể tiếp tay cho Tokyo, từ căn cứ máy bay cho đến các nhà máy sản xuất ổ bi. Nhưng để thực hiện kế hoạch của mình, Mỹ cần tới những căn cứ không quân có phạm vi hoạt động vươn được tới các đảo chính của Nhật Bản.

Với cuộc xâm chiếm đảo Guadalcanal ở Nam Thái Bình Dương vào tháng 8/1942, Mỹ bắt đầu xây dựng được cơ sở cho kế hoạch phục thù, và còn tiếp tục đẩy mạnh với việc chiếm các đảo Saipan, Tinian và đảo Guam vào năm 1944.

Nắm được bộ ba đảo ở Nam Thái Bình Dương trong tay, Mỹ đã có các vùng lãnh thổ để xây dựng sân bay cho máy bay ném bom hạng nặng mới, hiện đại nhất của họ, B-29.

Ban đầu được phát triển để xuất kích tấn công Đức Quốc xã từ lục địa Mỹ trong trường hợp Anh rơi vào tay Hitler, máy bay B-29 - với khả năng bay nhanh, cao và chở theo lượng bom lớn – là công cụ lý tưởng để gây chiến với Nhật Bản – theo ông Jeremy Kinney, người phụ trách Bảo tàng Hàng không và Không gian Quốc gia Smithsonian ở Virginia, Mỹ.

Trận không kích chết chóc nhất trong lịch sử, thiêu rụi Tokyo - Kỳ 1 - Ảnh 3.

Máy bay ném bom B-29 của Mỹ đang bay. Ảnh: CNN

Máy bay ném bom là đỉnh cao của 20 năm tiến bộ hàng không trước Thế chiến II và là chiếc đầu tiên có thân máy bay được điều áp, làm nóng, cho phép chúng hoạt động ở độ cao 18.000 feet (5.500 mét) mà không đòi hỏi phi hành đoàn phải trang bị đặc biệt hay sử dụng mặt nạ oxy.

Ngoài ra, khả năng bay cao cũng đưa máy bay ra khỏi tầm bắn của hầu hết các loại súng phòng không và cho phi hành đoàn thêm nhiều thời gian trước khi đối thủ có thể giao chiến với họ. "Siêu pháo đài bay B-29 là công nghệ tiên tiến nhất thời bấy giờ," ông Kinney nói.

Và các nhà hoạch định chiến tranh Mỹ đã sẵn sàng tung B-29 tới Nhật Bản.

Nhưng các cuộc tấn công ban đầu của B-29 vào Nhật Bản được coi là thất bại. Máy bay thả chất nổ từ độ cao lớn - khoảng 30.000 feet (9.150 mét) – cao độ mà chúng được thiết kế để hoạt động, nhưng chỉ có 20% trúng mục tiêu. Các phi công Mỹ đổ lỗi cho tầm nhìn kém trong thời tiết xấu và cho biết những cơn gió mạnh thường đẩy bom ra xa khỏi mục tiêu.

Tướng LeMay được giao nhiệm vụ tìm cách để hoạt động không kích đạt hiệu quả. Cuối cùng "câu trả lời" của viên tướng này quyết liệt đến nỗi nó thậm chí còn gây sốc cho chính các phi công sẽ thực hiện đòn tập kích.

Những chiếc B-29 sẽ xuống thấp - ở mức 5.000 đến 8.000 feet (1.500m-2.400m) và xuất kích vào ban đêm. Chúng sẽ đi theo một tập hợp duy nhất, thay vì chia ra đội hình lớn nhiều lớp mà Mỹ từng áp dụng trong các vụ đánh bom ban ngày nhằm vào lực lượng Đức ở châu Âu.

Trận không kích chết chóc nhất trong lịch sử, thiêu rụi Tokyo - Kỳ 1 - Ảnh 4.

Khói lửa bốc lên từ Tokyo trong cuộc không kích bom cháy của Mỹ. Ảnh: CNN

Có lẽ đáng kể nhất, là những chiếc B29 lúc này mang theo bom cháy Napalm, loại vũ khí được thiết kế để đốt cháy phần lớn cơ sở hạ tầng ở Tokyo. Bom cháy phóng ra các loại chất dễ cháy, thay vì phá hủy bằng chấn động và mảnh đạn như bom thông thường.

Khi được thông báo về nhiệm vụ, đa số trong hơn 3.000 phi công Không quân Mỹ đã phản ứng với sự hoài nghi.

Bay trong một đội hình duy nhất, họ sẽ không thể bảo vệ nhau khỏi các máy bay chiến đấu của Nhật Bản. Hơn nữa, Tướng LeMay đã ra lệnh tước hầu như tất cả vũ khí phòng thủ của các máy bay ném bom để chúng có thể mang nhiều bom cháy hơn.

"Hầu hết phi công rời khỏi phòng họp ngày hôm đó đã bị thuyết phục bởi hai điều: một, LeMay thực sự là một kẻ điên, và hai, nhiều người trong số họ sẽ không sống sót để chứng kiến ngày hôm sau”, James Bowman, con trai của một phi công B-29 tham gia trận không kích Tokyo viết trong một tạp chí được tập hợp từ hồ sơ của các đơn vị liên quan.

(Còn tiếp)


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại