*Mỗi tháng tại Anh Quốc, có khoảng 100 triệu gia súc bị giết đẻ lấy thịt trong các lò mổ. Người bình thường chẳng quan tâm, các nhà hoạt động vì động vật thì phẫn nộ, lên tiếng đấu tranh.
Nhưng có lẽ, chẳng mấy ai để ý đến tiếng lòng của các công nhân làm việc ở đó - những người phải tự tay chấm dứt mạng sống của một sinh vật.
Tôi là một người yêu động vật
Khi còn nhỏ, tôi mơ ước trở thành một bác sĩ thú ý. Tôi đã luôn tưởng tượng bản thân mình được chơi đùa cùng những chú cún xinh xắn, được vuốt ve xoa dịu những chú mèo con đang sợ hãi.
Và bởi nhà của tôi là một vùng quê, tôi cũng nghĩ mình sẽ đi khám cho những chuồng gia súc trong làng, nếu chúng ốm.
Nhưng cuộc sống lý tưởng ấy đã không xảy ra. Chuyện đời tôi là một ví dụ điển hình cho đa số những người bình thường, nghĩa là ước mơ với thực tế thì thường khác xa nhau.
Trời đất run rủi, tôi làm việc cho một lò mổ, suốt 6 năm trời. Thay vì dành thời gian giúp những con bò được khỏe hơn, nhiệm vụ của tôi là đảm bảo sao cho khoảng 250 con sẽ bị mổ mỗi ngày.
Ở Anh - mà có lẽ là đâu cũng thế, dù ăn thịt hay ăn chay thì hầu như tất cả mọi người chẳng ai muốn đến một cái lò mổ cả.
Dễ hiểu thôi, đó là nơi thực sự bẩn, nhớp nháp đến đáng sợ. Phân và nước tiểu vương vãi đầy sàn, ruột gan, nội tạng vương vãi với những bức tường vấy máu đỏ thẫm.
Chưa kể đến mùi: mùi của những sinh vật đang hấp hối xộc thẳng vào mũi ngay khoảnh khắc bạn bước vào, và sẽ ngày càng dày đặc hơn, kể cả khi bạn đã quen với nó.
Một nơi kinh khủng như thế, ai sẽ muốn bước vào? Ai sẽ làm việc ở đó cơ chứ? Vậy mà tôi đã ở đó những 6 năm.
Vô cảm với nỗi đau và sự ám ảnh kinh hoàng
Dĩ nhiên nếu được lựa chọn, chẳng ai muốn làm việc trong một lò mổ cả.
Với trường hợp của tôi, lý do chỉ là vì tôi đã có thâm niên hàng chục năm làm việc trong ngành thực phẩm, kiểu như những nhà máy chế biến thịt.
Vậy nên khi nhận được lời mời từ một lò mổ ở vị trí quản lý chất lượng, làm việc trực tiếp với những "đao phủ", tôi chỉ cảm thấy nó cũng bình thường. Khi ấy, tôi cũng ngoài 40 rồi.
Ngày làm việc đầu tiên, người ta dẫn tôi đi một vòng quanh lò mổ, giải thích quy trình làm việc, và quan trọng nhất là xem... thái độ của tôi như nào.
Họ liên tục nhìn tôi, hỏi xem tôi có ổn không bởi không ít người đã ngất xỉu khi nhìn thấy cảnh tượng trong lò. Ít ra, họ cũng đặt sự an toàn của người mới và khách tham quan lên hàng đầu.
Tôi thì vẫn ổn - ít ra là tôi nghĩ vậy. Tôi thấy như muốn phát bệnh, nhưng nghĩ rằng mình sẽ sớm làm quen được thôi. Chỉ tiếc là tôi đã nhầm!
Một thời gian ngắn sau đó, tôi nhận ra rằng bản thân sẽ không thể giả vờ đây chỉ là công việc bình thường được. Tôi không rõ những người khác thế nào, nhưng với tôi nó thực sự tàn nhẫn, là một nơi nguy hiểm để làm việc.
Rất nhiều lần các nhân viên giết mổ - dù đã làm đúng quy trình làm choáng con bò trước khi ra tay - nhưng vẫn bị đá một cú chí mạng.
Tương tự, lũ bò có thể sợ hãi và hoảng loạn, và tin tôi đi, bạn không bao giờ muốn đứng cạnh một con bò đang phát hoảng đâu.
Tôi thì chưa bị thương lần nào, nhưng tinh thần của tôi thì có.
Ngày qua ngày phải giam mình trong lò mổ rộng lớn, không cửa sổ, lồng ngực tôi nặng trĩu, áp lực thì dần gặm nhấm tinh thần. Mỗi đêm tôi thức dậy vì những cơn ác mộng, vì những đôi mắt đầy van xin gây ám ảnh trong suốt cả ngày dài trước đó.
Một trong những kỹ năng bạn có thể học được khi làm việc trong một lò mổ, đó là sự thờ ơ. Bạn sẽ biết cách trở nên lãnh đạm trước cái chết và nỗi đau.
Thay vì nghĩ bò là sinh vật sống, bạn sẽ tự chia chúng thành những bộ phận có thể ăn được. Nghe có vẻ tàn nhẫn, nhưng nó giúp công việc trở nên dễ dàng hơn, và đặc biệt cần thiết để tồn tại ở nơi này.
Nhưng dù có lãnh đạm đến mức nào, tất cả sẽ bị phá vỡ vào cuối ngày. Đó là khi hàng trăm chiếc thủ bò được chất thành đống, đã được xẻ đi những phần thịt có thể bán được. Chỉ còn duy nhất một thứ dính lại, là những đôi mắt vô hồn.
Những đôi mắt vô hồn.
Nhìn vào đó, tôi không ngừng cảm nhận được cảnh có hàng trăm đôi mắt theo dõi mình. Một số tỏ ra oán trách, vì tôi nằm trong số những người đã gây ra cái chết của chúng.
Một số khác thì van xin, như thể nếu như tôi có cách quay ngược thời gian, làm ơn hãy cứu chúng. Cảm giác ấy thực sự ghê sợ, mà đồng thời cũng rất đau lòng.
Nó khiến tôi cảm thấy cực kỳ tội lỗi, và phải cố gắng lắm mới kìm lại được cơn buồn nôn quặn thắt trong dạ dày.
Vài tháng sau khi làm việc, một sự kiện không thể quên đã xảy ra khiến tôi tin rằng những người làm việc ở đây cũng chịu nỗi ám ảnh tương tự.
Khi ấy, một công nhân đang mổ bụng con bò mới giết mổ, để rồi thấy một bào thai rơi ra. Người này hét lên một cách sợ hãi, chạy trốn vào góc phòng, tay ôm chặt đầu, run rẩy.
Tôi mang anh ta sang một căn phòng khác để lấy lại bình tĩnh, nhưng anh chỉ lặp đi lặp lại "Nó không đúng, thực sự không đúng chút nào."
Đó vốn là một người đàn ông cứng cỏi, hiếm khi bộc lộ cảm xúc ra bên ngoài. Nhưng lần này, tôi thấy mắt anh nhòe đi vì nước mắt.
Tột cùng của nỗi ám ảnh là những cuộc "thảm sát" hàng loạt
Ở Anh, sau thời điểm dịch bò điên và lao bò bùng nổ vào thập niên 1990 đã có quy định sẽ phải tiêu hủy cả đàn nếu có dấu hiệu nhiễm bệnh.
Tôi bắt đầu vào làm sau năm 2010 - nghĩa là rất xa sau khủng hoảng bò điên rồi, nhưng quy định này vẫn còn. Nếu một con vật trong đàn xét nghiệm ra bệnh, cả đàn sẽ bị tiêu hủy - cả đực, cái lẫn bê con.
Giết bò mang thai đã đáng sợ, cảm giác phải tước đi sinh mạng của bê con còn khủng khiếp hơn. Vậy mà có một ngày, chúng tôi phải hạ sát một lúc 5 con bê.
Khi dẫn chúng lên máy chém, những sinh vật đáng thương ấy bước đi còn chưa vững, cổ họng rên tiếng gọi mẹ.
Chiếc máy được thiết kế để dành cho những con bò trưởng thành - có thể nặng đến hơn 1 tấn. Một con bê hiển nhiên là không thể chất vừa cỗ máy ấy, nên chúng tôi đưa cả 5 con vào, rồi ra tay một lần thôi.
Nhìn xác của chúng, lòng chúng tôi trịu lại. Nhưng phải làm như vậy, vì việc phải lần lượt tước đi sinh mạng từng con là điều vượt quá sức chịu đựng của bất kỳ ai trong chúng tôi khi đó.
Những công nhân tại lò mổ, tôi chưa bao giờ thấy họ nặng nề như vậy. Cảm xúc khi làm việc tại đây liên tục tích tụ, ai cũng biết nhưng chẳng ai nói ra, mà cũng không được phép nói. Họ không thể bộc lộ sự yếu đuối của bản thân.
Hơn nữa, một số người có muốn cũng không nói được, vì họ là dân di cư. Rào cản ngôn ngữ khiến họ không thể nhờ cậy ai, dù tâm trạng có nặng nề đến đâu.
Rất nhiều công nhân làm cùng tôi, họ có làm thêm vào buổi đêm ở nơi khác. Sau 10 - 11 tiếng liên tục trong lò mổ, họ tiếp tục đi làm, và vô tình khiến sự mệt mỏi tăng lên cao.
Một số người trở nên nghiện rượu, thường xuyên xuất hiện tại lò mổ trong hơi men. Số khác thì thì nghiện các loại nước tăng lực, và không dưới 1 người bị đau tim vì uống quá nhiều.
Cần biết rằng, những công việc tại lò mổ đã từng được liên hệ với nhiều chứng bệnh về tinh thần - như một nhà nghiên cứu từng gọi nó là sang chấn tâm lý sau chấn thương (PTSD) nhưng là đối với "kẻ ra tay".
Cá nhân tôi, tôi biết mình bị trầm cảm vì những giờ làm việc căng thẳng và liên tục, và bởi những cái chết xung quanh. Sau một thời gian, tôi bắt đầu có ý định tự sát.
Sự thật là, tôi không biết có phải những công việc trong lò mổ gây ra triệu chứng như vậy, hay công việc này thường thu hút những người mắc bệnh. Chỉ biết rằng, nó thực sự cô đơn, rất khó để kiếm tìm sự đồng cảm.
Khi kể cho người khác biết về công việc của mình, những gì tôi nhận lại là sự lảng tránh, ghê sợ, hoặc họ tiếp chuyện vì tính hiếu kỳ.
Tôi chẳng bao giờ có thể mở lòng chia sẻ về những gì bản thân phải chịu đựng. Đôi khi tôi đùa giỡn cùng, nhưng hầu hết là im lặng.
Vài năm sau khi làm việc tại lò mổ, một cậu đồng nghiệp bỗng dưng phát biểu rằng anh ta "sẽ không ở đây quá 6 tháng nữa".
Mọi người đều cười, vì đây vốn là anh chàng thích đùa giỡn, và cho rằng anh đã có một công việc mới. Nhưng tôi thì khác! Tôi thấy có gì đó không ổn, bèn lôi anh ta ra góc phòng, vặn hỏi ý nghĩa của câu nói ấy.
Và bạn biết không, cậu ta sụp đổ. Câu ta nói bản thân đã bắt đầu nghĩ đến chuyện tự tử, cảm thấy không thể chịu đựng được thêm một phút nào nữa. Nhưng cậu ta van xin tôi đừng nói với cấp trên.
Tôi cố hết sức giúp cậu ta vượt qua những rào cản và áp lực tâm lý, và rồi nhận ra chính bản thân mình cũng cần được giải thoát.
Tôi đã luôn cảm thấy ghê tởm chính mình trong suốt một thời gian dài, gần như trải qua mọi giai đoạn của chứng trầm cảm. Và khi giúp cậu, tôi hiểu rằng đã đến lúc rồi. Tôi nghỉ việc!
Kể từ ngày hôm ấy, mọi thứ với tôi trở nên tươi sáng hơn. Tôi bắt đầu làm việc cho một tổ chức từ thiện về các chứng bệnh tinh thần, luôn kêu gọi mọi người mở lòng, chia sẻ cảm xúc và tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ.
Vài tháng sau khi rời đi, tôi nhận được tin của một đồng nghiệp cũ. Khi còn làm chung, người này có nhiệm vụ xẻ thịt sau giết mổ. Còn giờ, anh đã tự tử rồi.
Thi thoảng, tôi nhớ lại những ngày còn làm trong lò mổ. Tôi nghĩ về các đồng nghiệp cũ đã làm việc vất vả, khổ sở như thế nào.
Tôi nghĩ về những người đã buông bỏ, không thể tiếp tục sống. Và đến tận giờ phút ngày, mỗi đêm tôi vẫn thấy hàng trăm cặp mắt đang nhìn mình, oán trách, van xin...