Thịt lợn là thực phẩm thiết yếu hàng ngày và là thành phần chính trong hầu hết các món ăn của người Thái Lan từ bếp nấu trong gia đình cho đến các quán ăn vỉa hè, nhà hàng lớn.
Theo trang The Guardian, có khoảng 18 triệu con lợn được nuôi hàng năm với quy mô lớn nhỏ khác nhau và ngành chăn nuôi này trị giá khoảng 3,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, trên thực tế, đằng sau những lò giết mổ lợn rải khắp đất nước Thái Lan lại tồn tại góc khuất đáng sợ ít ai biết.
Trong một lò mổ ở miền trung Thái Lan, nơi 500 con lợn bị giết mỗi ngày, phóng viên ảnh Jo-Anne McArthur mới đây đã theo dõi và ghi lại những khoảnh khắc ám ảnh trong quá trình giết mổ những con lợn tại đây.
Những con lợn được đưa đến lò mổ trong một chiếc xe tải chật chội, hàng chục con lợn chen chúc nhau trong điều kiện nắng nóng khắc nghiệt, con đường vận chuyển từ nơi chăn nuôi tới lò mổ lại xa xôi khiến nhiều con lợn rơi vào tình trạng mất nước, kiệt sức và cháy nắng nghiêm trọng.
Những con lợn bị nhồi nhét lên những chiếc xe tải chật hẹp để đưa đến các lò giết mổ.
Những con lợn mệt mỏi, kiệt sức, chen chúc nhau chờ đến lượt mình bị giết.
Trong quá trình "bốc dỡ" những con lợn vào lò mổ, chúng cũng bị hành xử một cách thô bạo. Nhiều con bị ngã trơn trượt dưới nền đất bẩn thỉu, một số con thì bị đánh và đá một cách tàn nhẫn.
Chưa dừng lại ở đó, để giết mổ những con lợn một cách dễ dàng hơn, nhiều lò mổ đã sử dụng biện pháp thủ công bằng cách dùng dùi cui để hạ gục những con lợn, làm giảm khả năng phản kháng của chúng.
Tuy nhiên, phương pháp này thường không đạt hiệu quả, những con lợn không bị bất tỉnh hoàn toàn và chúng phải chịu nhiều vết bầm tím đầy đau đớn, một hành động ngược đãi tàn nhẫn.
Ngoài việc dùng dùi cui, nhiều lò mổ đã sử dụng máy gây choáng heo để làm tê liệt thần kinh của những con lợn, đảm bảo việc giết mổ dễ dàng hơn và thịt lợn cũng đảm bảo độ tươi ngon.
Tuy nhiên, nhiều lò mổ ở Thái Lan hiện nay chủ yếu sử dụng những chiếc máy tự chế, không mang lại hiệu quả như mong đợi mà nó còn gây ra những cú sốc điện đầy đau đớn và tê tái.
Nhiều con lợn bị đánh đập dã man bằng dùi cui trước khi giết hại.
Những con lợn chịu đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần.
Ông Wadchara Pumpradit, một nhà hoạt động vì quyền lợi của động vật cho hay, ở Thái Lan cũng có quy định tiêu chuẩn về việc giết mổ tại các lò mổ.
Tuy nhiên, mặc dù các lò mổ hiện nay ở Thái Lan đều cam kết rằng "những con lợn sẽ bất tỉnh hoàn toàn trước khi bị giết" nhưng đó chỉ là lời nói hoa mỹ và thực tế thì hoàn toàn ngược lại.
Kate Blaszak, cố vấn động vật trang trại toàn cầu (Wap) cho biết, trên khắp Đông Nam Á, các tiêu chuẩn giết mổ và thực thi nhân đạo là cần thiết cho tất cả các loài bị giết mổ, bao gồm lợn, gia cầm, gia súc và trâu, cũng như ngỗng và vịt.
Tuy nhiên, theo Blaszak, việc thực thi theo đúng quy định của pháp luật trong quá trình giết mổ tại nhiều quốc gia, trong đó có Thái Lan còn rất hạn chế.
Nhìn chung, người Thái Lan chưa nhận thức được sự cần thiết của các hoạt động giết mổ nhân đạo. Những con vật được nuôi dưỡng trong trang trại chỉ để chờ ngày bị giết.
Mọi người không bao giờ quan tâm đến nhu cầu thiết thực và quyền được tôn trọng của các con vật này.
Các quy định được ban bố, các khóa huấn luyện giết mổ an toàn và nhân đạo đã được diễn ra nhưng không một ai chắc chắn rằng các lò giết mổ được cấp phép đều đã tuân phủ luật pháp một cách nghiêm túc khi họ không bị giám sát trực tiếp.
Các con lợn bị đối xử tàn nhẫn trong điều kiện tồi tàn.
Không một ai đảm bảo được rằng quá trình giết mổ diễn ra an toàn và ít đau đớn đối với những con lợn này.
Vào năm 2014, Thái Lan đã thông qua Đạo luật bảo vệ Động vật đầu tiên. Tuy nhiên, chủ yếu chỉ tập trung vào việc bảo tồn các loại động vật quý hiếm, ngăn chặn việc săn bắn và đánh bắt trái phép.
Các nhóm phúc lợi cùng với Hiệp hội phòng chống hành vi tàn ác đối với động vật (TSPCA) của Thái Lan, hy vọng sẽ cùng hợp tác với chính phủ để tăng cường vai trò của cơ quan thực thi pháp luật liên quan đến giết mổ nhân đạo.
Tuy nhiên, Pumpradit cho rằng điều này cần có thời gian.
TSPCA là nơi đầu tiên đưa ra đạo luật để bảo vệ động vật nhưng phải mất khoảng 20 năm nó mới được ban hành trên cả nước.
Đây chắc chắn sẽ là một trận chiến lâu dài. Luật pháp và quy định là một chuyện, việc thực thi tới đâu mới là thách thức lớn nhất.
Kate Blaszak cho biết, lợn là một loài vật thông minh và nó có khả năng cảm nhận nỗi đau đớn và sự khổ sở một cách dữ dội hơn.
Người tiêu dùng cũng cần phải đảm bảo quyền lợi, được sử dụng thịt lợn đã được giết mổ theo tiêu chuẩn tốt nhất với chất lượng thịt được đảm bảo và an toàn.
Do đó, việc giết mồ lợn một cách nhân đạo hơn là điều cần thiết và cấp bách.