"Inventing Anna" - hay "Anna: Tiểu Thư Dựng Chuyện" trên nền tảng Netflix hiện đang là bộ phim gây sốt trong cộng đồng mạng. Bộ phim dựa trên câu chuyện có thật về Anna Sorokin, người cách đây hơn 10 năm đã khiến cả nước Mỹ náo loạn khi tiết lộ mình là Anna Delvey - nữ thừa kế của một tài phiệt dầu mỏ người Đức với một khối gia sản khổng lồ.
Với gia thế khủng, cô tiếp cận giới tinh hoa tại Manhattan (Mỹ), lấy được tiền để phục vụ những bữa ăn và chuyến du lịch nghỉ dưỡng xa hoa của mình. Vấn đề là Anna Delvey chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng do Anna Sorokin dựng nên, với mục đích lừa tiền của người khác.
Năm 2017, Sorokin bị bắt sau khi lừa đảo một ngân hàng và quỵt tiền khách sạn hạng sang ở Manhattan. Cô bị cáo buộc 8 tội danh, và phải chịu mức án từ 4 - 12 năm tù giam.
Anna Sorokin trên phim (trái) và ngoài đời
Sau khi trải qua 5 trung tâm phục hồi nhân phẩm, Sorokin đã được trả tự do vào tháng 2/2021. Nhưng chỉ sau đó 6 tuần, cô lại bị bắt bởi cơ quan quản lý nhập cư vì ở lại Mỹ với visa đã quá hạn. Suốt 1 năm qua, cô bị tạm giam ở trung tâm quản lý nhập cư và vẫn đang tìm cách chống lại lệnh trục xuất về Đức.
Mới đây, phóng viên Emily Palmer của tờ NY Times đã có một bài phỏng vấn với Sorokin, lắng nghe cô trải lòng về cuộc sống của một "tiểu thư lừa đảo" và thời gian bị giam giữ.
*Câu hỏi được in đậm
Năm 2019 - thời điểm vẫn còn thụ án, cô từng nói rằng "Vấn đề là tôi không thấy hối hận" về những tội danh của mình. Câu nói ấy gắn với cô suốt một thời gian dài, thậm chí là câu hỏi được nhắc đến đầu tiên trong phiên tòa phúc thẩm. Cô có nhớ về nó không?
Anna Sorokin trong phiên tòa năm 2019
Tôi nói với tòa rằng khi đó tôi thực sự chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra. Cô thì đến quá bất ngờ, vào lúc phiên tòa chỉ mới kết thúc vài ngày và tôi vẫn đang trong trạng thái khá chống đối. Tôi vẫn còn chưa vượt qua được bản án đó.
Còn bây giờ thì sao?
Tôi hối hận, về cách mình đã hành xử, về những hành động để người ta nghĩ rằng tôi đang tự hào về tội lỗi của mình. Tôi không nghĩ thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu mọi người cố gắng để giống như tôi.
"Inventing Anna" kể về thời điểm cô giữa tuổi đôi mươi. Giờ cô 31 tuổi rồi, có gì thay đổi ở bản thân không?
Thay đổi nhiều chứ, vì tôi đã thấy rất nhiều loại người bước qua đời. Dù tôi đã đi quá nhiều nơi, từng sống ở châu Âu, ở Mỹ và nhiều nước khác nữa, tôi thấy mình vẫn quá an toàn. Bị phạt tù như thể bóc trần tôi ra trước nhiều loại người, và bỗng dưng các vấn đề của bản thân trở nên thật nực cười.
Anna Sorokin phiên bản trình chiếu trên Netflix, do Julia Garner thủ vai
Nếu được trở lại ngày trước và làm lại, cô sẽ thay đổi điều gì?
Tôi sẽ thay đổi nhiều thứ, nhưng dĩ nhiên đó không phải là cách cuộc sống này diễn ra. Vậy nên tôi vẫn đang tích cực trải nghiệm và học hỏi thêm từ chúng.
Netflix trả cô 320 ngàn đô tiền bản quyền cho series này, và để cô tư vấn cho toàn bộ dự án?
Đúng vậy, và đó là lý do khi đài BBC hỏi tôi câu: "Phạm tội có được trả tiền không?", tôi đã không thể trả lời "không" vì quả thực mình có được trả tiền. Nhưng nhìn chung, tôi không có ý là phạm tội sẽ có tiền.
Cô sử dụng số tiền ấy như thế nào?
Tôi sử dụng gần 200 ngàn đô để bồi hoàn, và phần còn lại là chi phí pháp lý.
Trong thời gian được thả vào năm ngoái, cô có vẻ hay đăng những thông tin phóng đại trên mạng xã hội?
Tôi luôn nghĩ mạng xã hội chỉ mang tính châm biếm. Tôi chưa bao giờ xem nó là thứ gì nghiêm túc cả. Một phần lý do tôi kể chuyện là để nâng cao nhận thức của công chúng về những điều vô nghĩa mà các tù nhân phải trải qua mỗi ngày.
Hãy nói về thời gian bị tạm giam ở Cơ quan nhập cư và Hải quan (ICE). Cô được trả tự do sau khi mãn hạn tù, rồi lại bị bắt sau 6 tuần vì quá hạn visa?
Họ (ICE) đến gặp tôi 3 lần, bắt đầu từ tháng 12/2020, và lần cuối cùng họ tới là để nói rằng: Chúng tôi không quan tâm đến cô. Tôi đã rất sốc khi bị bắt lần nữa. Nhưng dù sao cũng chẳng có gì thay đổi so với trước đó 6 tuần.
Tôi không muốn gây tranh cãi, nhưng tôi nghĩ hệ thống nhà tù thật sự không hiệu quả và gây lãng phí thời gian. Giữa thời điểm bị bắt và được thả, người đầu tiên hỏi tôi về quá trình phạm tội lại là hội đồng xét xử.
Có những chương trình xử lý người nghiện ma túy, kẻ phạm tội tình dục và những tội danh liên quan đến bạo lực. Nhưng tội phạm tài chính thì không. Vụ của tôi bị đưa vào nhóm... tội phạm về ẩm thực.
Nhiều người ở ICE không nói tiếng Anh. Có vẻ như cô đã dành thời gian giúp đỡ những người không thạo tiếng mà không có luật sư, và dường như là rất khó khăn?
Thực sự không có nhiều lựa chọn, và cũng chẳng ai biết mình có gì. Bạn không thể tìm hiểu được cái gì ở đó. Những cuốn sách ở trung tâm đã lỗi thời, từ cách đây khoảng 20 năm. Tôi thậm chí vẫn chưa tìm ra vụ việc nào tương tự như mình cả.
Tôi có luật sư, nhưng nhiều người ở đây không có vì đơn giản bạn không thể trở thành gánh nặng cho chính phủ liên bang chỉ vì một vụ nhập cư hoặc ở lại trái phép. Bạn sẽ phải tìm đến các tổ chức từ thiện, hoặc tự mình đấu tranh.
Cô có bạn bè ở đây không (Goshen, Indiana)?
Có vài người tôi từng giao du, nhưng họ đều bỏ đi rồi. Giờ tôi chỉ làm việc của mình, rồi viết lách các thứ và hoàn thiện các dự án của bản thân.
Bộ phim của Netflix là một phiên bản giả tưởng hơn về một thời điểm trong đời cô. Vậy bên cạnh bộ phim, cô muốn người xem thấy gì ở một Anna Sorokin?
Chuyện của tôi chắc chắn có nhiều điều nữa cần phải được chia sẻ. Do đó, tôi đang bắt tay thực hiện nhiều dự án khác nhau, như dự án phim tài liệu với Bunim Murray Productions tại Los Angeles, cùng một cuốn tự truyện về thời gian ở tù. Tôi cũng đang làm một kênh podcast riêng nữa.
Dĩ nhiên, tôi không ủng hộ mọi người phạm tội. Tôi chỉ muốn tiết lộ những góc nhìn khác về một thời tội lỗi của mình.
Nguồn: NY Times