Trái Đất giờ đã có nhiều vật thể nhân tạo hơn tất thảy sinh vật sống

THANH LONG |

Gọi một kỷ nguyên địa chất là Kỷ Nhân sinh giống như một tuyên bố ngạo mạn trước thiên nhiên về sự thống trị của chủng loài chúng ta.

Theo một nghiên cứu mới trên tạp chí Nature, khối lượng của tất cả mọi thứ của chúng ta làm ra – từ gạch vữa, xi măng để xây lên những tòa nhà, đường xá, đến chiếc ô tô và chiếc điện thoại di động mà bạn đang cầm trên tay - đã đạt tới hơn 1,1 teratonne (1.100.000.000.000 tấn). Con số lớn hơn cả tổng trọng lượng của tất cả các sinh vật sống trên hành tinh.

Điều đó có nghĩa là nếu có một chiếc cân đĩa khổng lồ và bạn đặt vào phía bên trái của nó tất cả những vật thể nhân tạo, đặt sang phía bên phải tất cả các sinh vật sống trên hành tinh này (bao gồm động vật, thực vật, nấm, vi khuẩn, virus, và cả con người), chiếc cân vẫn sẽ nghiên về phía bên trái.

Điều đáng nói là cứ sau mỗi một tuần, chúng ta lại chất lên phía bên trái bàn cân ấy một núi vật thể nhân tạo có tổng trọng lượng bằng gần 8 tỷ người cộng lại. Chia trung bình, mỗi tuần trôi qua mỗi người chúng ta đều đang làm ra một khối lượng vật thể nhân tạo nặng hơn chính bản thân mình.

"Đó là một so sánh rất bắt mắt", Fridolin Krausmann, nhà sinh thái học xã hội tại Đại học Natural Resources and Life Sciences cho biết. Và nếu trước nay bạn không tin rằng con người đang thực sự thống trị hành tinh này thì giờ là lúc bạn nên nghĩ lại.

Trái Đất giờ đã có nhiều vật thể nhân tạo hơn tất thảy sinh vật sống - Ảnh 1.

Các nhà khoa học đã đặt ra rất nhiều thước đo để ước lượng những tác động của con người lên hành tinh. Chẳng hạn, họ tính toán mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch để cho thấy con người đang sử dụng chúng và phát thải ra một lượng khí nhà kính lớn chưa từng thấy trong vòng 800.000 năm.

Nông nghiệp và nhà ở đã làm biến đổi 70% diện tích đất trên Trái Đất. Và con người đã xóa sổ vô số loài sinh vật trong một cuộc đại tuyệt chủng mới mà chúng ta là những người phải chịu trách nhiệm.

Tất cả những biến đổi mà con người làm với Đất Mẹ lớn đến mức các nhà khoa học đã tuyên bố rằng chúng ta đang sống trong một thời đại, một kỷ nguyên địa chất - đáng ra phải có một cái tên trung lập đại diện cho tự nhiên thì lại được gọi là Kỷ Anthropocene (hay Kỷ Nhân sinh với từ gốc "anthropos" trong tiếng Hy Lạp cổ nghĩa là "con người").

Gọi một kỷ nguyên địa chất là Kỷ Nhân sinh giống như một tuyên bố ngạo mạn trước thiên nhiên về sự thống trị của chủng loài chúng ta. Nhưng đối với một nhà sinh học hệ thống như Ron Milo tại Viện Khoa học Weizmann, từ ngữ là chưa đủ để thể hiện hết quy mô và sức mạnh thống trị ấy.

Làm việc với các đồng nghiệp của mình, Milo muốn có một thước đo trực quan để đánh giá sự biến đổi của hành tinh kể từ kỷ nguyên con người. Ông tự hỏi sẽ ra sao nếu chúng ta cân tất cả sinh vật sống trên hành tinh và những vật thể vô tri mà con người đã tạo ra rồi so sánh hai con số với nhau?

Để làm được điều đó, Milo và các đồng nghiệp phải tự tổng hợp lại các ước tính trước đó về sinh khối của thực vật trên Trái Đất mỗi năm, từ năm 1900 đến năm 2017. Nghiên cứu thực địa và mô phỏng máy tính cho thấy thực vật đang chiếm khoảng 90% tổng số sinh vật trên Trái Đất.

Từ năm 1990 trở đi, dữ liệu từ vệ tinh theo dõi thảm thực vật toàn cầu đã được đưa vào nghiên cứu. Sau đó, nhóm của Milo bổ sung thêm dữ liệu sinh khối của hàng loạt các sinh vật sống khác — từ vi khuẩn đến cá voi — mà họ đã thống kê được vào năm 2018 dựa trên các cuộc khảo sát thực địa.

Con người, dĩ nhiên là một sinh vật sống không thể bỏ qua, nhưng chúng ta chỉ chiếm khoảng 0,01% sinh khối của toàn bộ Trái Đất.

Trái Đất giờ đã có nhiều vật thể nhân tạo hơn tất thảy sinh vật sống - Ảnh 3.

Các ước tính hàng năm về khối lượng vật liệu do con người tạo ra được tính dựa vào các nghiên cứu trước đây của Krausmann và các đồng nghiệp. Trong đó, họ đã ước tính trọng lượng của toàn bộ các vật thể nhân tạo như ô tô, máy móc, các tòa nhà và cơ sở hạ tầng khác.

Krausmann nhận thấy khối lượng của các vật thể này đã thay đổi rất đáng kể chỉ trong vòng 120 năm qua. Năm 1900, khối lượng vật chất do con người tạo ra chỉ tương đương với 3% tổng sinh khối của Trái Đất.

Nhưng kể từ đó trở đi, lượng vật liệu "man made" cứ tăng gấp đôi sau mỗi 20 năm. Tình trạng dư thừa bê tông và nhựa đường bắt đầu xảy ra trong những năm Thế chiến thứ hai cho đến cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973. Đó là khoảng thời gian mà các nước phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng.

Trong những thập kỷ gần đây, bê tông và nhựa đường thậm chí vẫn tiếp tục được sản xuất vượt ngưỡng. Trong khi đó, tổng sinh khối trên hành tinh lại giảm dần kể từ năm 1900 xuống còn khoảng 1.100 tỷ tấn.

Sự sụt giảm sinh khối được cho là từ nạn phá rừng và nhiều nguyên nhân khác, trong khi khối lượng vật thể "man made" sinh ra từ hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên như đá, khoáng sản và kim loại của con người.

Các nhà khoa học cho biết biết tổng khối lượng của các vật thể nhân tạo sẽ vượt quá tổng sinh khối của Trái Đất khi năm 2020 kết thúc, một sai số có thể là 6 năm và tùy thuộc chúng ta có tính nước vào sinh khối hay không. Nhưng đến năm 2037, dù bao gồm cả nước thì tổng khối lượng các vật thể "man made" sẽ vẫn lớn hơn tổng sinh khối hành tinh.

Dự đoán đến năm 2040, trọng lượng của tất cả những thứ do con người tạo ra sẽ tăng gần gấp ba lần lên hơn 3 teratonne (3.000.000.000.000 tấn). Điều này có nghĩa là nhân loại đang trở thành một làng nghề thủ công khổng lồ với năng suất hơn 30 gigatonnes (30.000.000.000 tấn) mỗi năm.

Trái Đất giờ đã có nhiều vật thể nhân tạo hơn tất thảy sinh vật sống - Ảnh 5.

Nhiều so sánh trong nghiên cứu của Milo cho thấy những góc nhìn nghiêm trọng khác. Chẳng hạn, tổng trọng lượng của các tòa nhà và cơ sở hạ tầng của con người ngày nay đã lớn hơn tổng sinh khối của cây cối, thảm thực vật. Lượng nhựa được con người làm ra đã nặng hơn tổng trọng lượng tất cả các loài động vật cộng lại.

Các nhà nghiên cứu kết luận những phát hiện này làm tăng thêm sức nặng cho khái niệm về kỷ Anthropocene. Milo nói: "Đó là một dấu hiệu cho thấy quá trình chuyển đổi đã xảy ra và cái tên mà chúng ta đặt cho kỷ nguyên địa chất này là hoàn toàn xứng đáng".

Tham khảo BBC, Science

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại