Một tàu sân bay của Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Hai nguồn tin quân sự độc lập chia sẻ với SCMP rằng, quá trình đóng tàu sân bay thứ 4 của Trung Quốc (tàu sân bay nội địa thứ 3) đã bắt đầu từ đầu năm nay. Một chiếc khác cùng loại (type 002) cũng đang trong quá trình hoàn thiện. Các tàu sân bay này đều được trang bị máy phóng điện từ hiện đại.
Hai nguồn tin nói thêm rằng, trước đó, quá trình đóng tàu sân bay thứ 4 bị trì hoãn vì đại dịch Covid-19, suy giảm kinh tế và một số vấn đề kỹ thuật.
"Năm ngoái, hải quân đã mua và chuẩn bị toàn bộ thép đặc biệt cho tàu sân bay thứ 4. Công việc xây dựng đang được tiếp tục ở một số bộ phận của tàu sân bay này", một nguồn tin giấu tên cho hay.
Các thông tin trực tuyến mới nhất cho thấy Trung Quốc đang tăng cường xây dựng phần cứng, bao gồm một ụ nổi khổng lồ và một nhà máy đóng tàu mới, để hỗ trợ các dự án tàu sân bay.
Hôm 4/1, nhà máy đóng tàu Giang Nam, có trụ sở ở thành phố Thượng Hải và chịu trách nhiệm đóng các tàu Type 002, đã bắt đầu dự án mở rộng cơ sở - là một khu phức hợp - kéo dài trong 3 năm, theo thông báo trên mạng xã hội của Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc, công ty mẹ của nhà máy đóng tàu Giang Nam.
Khu phức hợp trị giá 18 tỷ nhân dân tệ (2,8 tỷ USD), có diện tích hơn 240 héc-ta, bao gồm các bến tàu trong nhà, ngoài trời, xưởng lắp ráp thân tàu, nhà máy cùng nhiều cơ sở đóng tàu hiện đại khác với hệ thống thông minh và tự động.
Thông báo của Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc được đưa ra chỉ vài ngày sau khi nhà máy đóng tàu Giang Nam tuyên bố lắp đặt ụ nổi khổng lồ đầu tiên và các thiết bị đặc biệt vào cuối tháng trước.
Ụ nổi tự hành bằng thép, với chiều dài 256 mét, chiều rộng 60 mét và tháp nâng kéo dài được hơn 30 mét, có khả năng chở tối đa 32.000 tấn hàng hóa.
Ụ nổi khổng lồ ở nhà máy đóng tàu Giang Nam. Ảnh: SCMP
"Ụ nổi và dự án mở rộng cơ sở cho thấy Bắc Kinh đang cần thêm không gian để đóng tàu chiến mới vì nhà máy đóng tàu hiện có ở Thượng Hải đã quá chật chội", Lu Li-shih, cựu giảng viên Học viện hải quân Đài Loan ở Cao Hùng, nhận định.
Ông Li-shih cho biết, các hình ảnh vệ tinh trước đó cho thấy một tàu khu trục Type 055 đang được lắp ráp cùng lúc với thân tàu của tàu sân bay mới.
"Ụ nổi sẽ trở thành bệ trung chuyển cho toàn bộ tàu trước khi hạ thủy hoặc phục vụ công việc bảo trì khác. Ụ nổi và dự án mở rộng nhà máy đóng tàu Giang Nam chắc chắn sẽ giúp Trung Quốc phát triển việc đóng tàu thương mại và quân sự. Bắc Kinh cần tận dụng khoản lãi từ việc đóng tàu thương mại để tài trợ các dự án tàu hải quân đầy tham vọng của đất nước", ông Li-shih nói.
Theo SCMP, tới năm 2030, Trung Quốc dự kiến xây dựng ít nhất 4 nhóm tàu sân bay tác chiến để trở thành lực lượng hải quân lớn thứ 2 thế giới, sau Mỹ.
Tuy nhiên, một nguồn tin quân sự khác nói rằng, quá trình huấn luyện của hải quân PLA còn lạc hậu và sẽ là một nỗi lo lớn khi các tàu chiến được hạ thủy nhưng thủy thủ đoàn chưa hoàn tất khóa đào tạo.
"Đó là lý do hải quân Trung Quốc tổ chức huấn luyện bất chấp các điều kiện thời tiết hồi năm ngoái", nguồn tin quân sự nói.
Các cuộc tập trận gần nhất của hải quân PLA, bao gồm 3 cuộc tập trận kéo dài 10 ngày, được thực hiện đồng thời ở ngoài khơi đảo Hải Nam, miền nam Trung Quốc, bắt đầu ngày 29/12/2020, và một cuộc tập trận 5 ngày ở khu vực ngoài khơi phía bắc biển Hoàng Hải.
Các nhà quan sát quân sự cho rằng, việc xây dựng phần cứng và huấn luyện hải quân cho thấy Bắc Kinh đang bứt phá để hoàn thiện kỹ năng đóng tàu và đào tạo nhân sự cho tàu chiến, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều thách thức trong và ngoài nước, nổi bật nhất là căng thẳng với Mỹ.
"PLA đang chịu áp lực lớn vì những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng gia tăng", chuyên gia quân sự Zhou Chenming nhận định.
"Bắc Kinh nhận thấy họ cần sức mạnh quân sự để dự phòng khi đối mặt với nhiều thách thức khác nhau, bao gồm đại dịch Covid-19, các quyết định bất ngờ của ông Trump, tình hình chính trị bất ổn ở Hong Kong, các lực lượng ủng hộ Đài Loan ly khai, và một số vấn đề khác", ông Zhou nói thêm.