Hoạt động triệt phá các đường dây nhập khẩu thịt bất hợp pháp vào Trung Quốc đã khiến Ấn Độ - một trong những nhà xuất khẩu thịt trâu lớn nhất thế giới - gặp rắc rối lớn trong việc tìm khách hàng thay thế.
Theo SCMP, Bắc Kinh đã áp dụng những biện pháp quản lý biên giới chặt chẽ hơn vì dịch tả lợn châu Phi. Do đó, các tuyến đường vận chuyển bất hợp pháp thịt trâu Ấn Độ vào Trung Quốc đã gần như chấm dứt hoạt động. Hiện tại, các nhà xuất khẩu Ấn Độ đang hi vọng Indonesia có thể tăng cường nhập khẩu thịt gấp 3 lần để bù đắp những tổn thất trong năm nay.
Được biết, thị trường thịt xuất xứ Ấn Độ ở chợ đen có giá trị ước tính lên tới 2 tỉ USD/1 năm. Ấn Độ không thể trực tiếp bán thịt trâu sang Trung Quốc do có lệnh cấm từ Bắc Kinh vào năm 2001 sau đợt bùng phát dịch tay chân miệng.
Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới, đã tăng cường nhập khẩu thịt bò và một số loại thịt khác giữa bối cảnh người tiêu dùng đang tìm thực phẩm thay thế cho thịt lợn. Dịch tả lợn châu Phi đã giết hơn 1 triệu con lợn được chăn nuôi tại nước này.
Các tuyến đường nhập khẩu thịt trâu và nội tạng động vật từ Ấn Độ tới Trung Quốc thường thông qua Myanmar, Thái Lan và Hong Kong. Tính tới tháng 10 năm nay, số lượng nhập khẩu đã giảm 23% xuống chỉ còn 14.645 container - theo dữ liệu từ Hiệp hội Xuất khẩu Thịt và Sản phẩm Chăn nuôi Ấn Độ. Các số liệu chính phủ nước này cũng cho thấy xuất khẩu thịt sang Việt Nam - khách hàng lớn nhất của Ấn Độ - đã giảm 34% xuống chỉ còn 202.873 tấn trong giai đoạn 6 tháng (từ tháng 3 tới tháng 9 năm nay).
Các nhà xuất khẩu mong muốn thúc đẩy doanh số bán hàng sang Indonesia từ 80.000 tấn vào thời điểm hiện tại lên 300.000 tấn trong thời gian tới.
Một số các hiệp hội xuất khẩu thịt đã thúc giục chính phủ Ấn Độ đối thoại với Indonesia nhằm tăng cường hạn ngạch nhập khẩu thịt. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đã yêu cầu Trung Quốc gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt từ Ấn Độ.
Chính phủ Ấn Độ cũng nhận được đề nghị cắt giảm thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng chăn nuôi để các công ty Ấn Độ có thể bán với giá cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới. Theo người đại diện hiệp hội, Australia, Mỹ và Canada có mức thuế xuất khẩu 0% đối với những mặt hàng này.
Ngoài thịt, các doanh nghiệp cũng mong muốn chính phủ hỗ trợ đối với ngành công nghiệp thuộc da.
"Thậm chí kể cả khi Trung Quốc cho phép nhập khẩu thịt từ Ấn Độ, thì tăng trưởng từ doanh số bán thịt sang Indonesia và cắt giảm thuế với sản phẩm thuộc da sẽ giúp chúng ta có lợi thế," một đại diện hiệp hội nói.