TQ dọa đánh chìm tàu sân bay Mỹ - Chuyên gia cảnh báo: Chớ dại đánh thức gã khổng lồ đang ngủ

Vy Lam |

Theo ông Michael Peck, cựu chuẩn Đô đốc La Viện của Trung Quốc vừa đưa ra ý tưởng vô cùng "liều lĩnh dại dột" khi đòi đánh chìm tàu sân bay Mỹ.

LeMay – Tướng Không quân Mỹ từng giội lửa xuống các thành phố của Nhật Bản và sau này trở thành chỉ huy Bộ Tư lệnh Không quân Chiến lược Hoa Kỳ - từng "khét tiếng" vì tính hiếu chiến.

Những năm 1950 và trong thời kỳ Khủng hoảng tên lửa Cuba, ông Le May đã tìm cách thúc đẩy chính phủ Mỹ tấn công hạt nhân phủ đầu nhằm vào Liên Xô. Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, đây cũng chính là người đã kêu gọi chính phủ Mỹ giội bom, đưa miền bắc Việt Nam "trở về thời kỳ đồ đá".

Mới đây, chúng ta lại bắt gặp một nhân vật hiếu chiến không kém, đó là Tướng Lou Yuan (La Viện) – Phó Chủ tịch Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc, đồng thời là một nhà bình luận quân sự chủ chiến, với tư tưởng ủng hộ Trung Quốc dùng vũ lực thu hồi Đài Loan.

Tháng trước, tại một cuộc hội thảo kỹ thuật-quân sự, ông La tuyên bố Trung Quốc có thể giải quyết các căng thẳng ở Biển Đông bằng cách đánh chìm 2 tàu sân bay Mỹ. Điều này sẽ khiến 10.000 thủy thủ thiệt mạng.

"Điều mà Mỹ lo sợ nhất đó là hứng chịu thương vong" – ông La nói – "Chúng ta sẽ xem người Mỹ sợ hãi tới mức nào".

Trước đó, ông La từng kêu gọi chính phủ Trung Quốc đánh vào Đài Loan nếu Hải quân Mỹ dùng hòn đảo này làm căn cứ hải quân.

"Nếu hạm đội Mỹ dám đóng quân tại Đài Loan thì đây chính là lúc Quân đội Trung Quốc cần triển khai binh lực để thúc đẩy thống nhất hòn đảo này" – ông La nói.

Theo nhà phân tích Michael Peck trên tờ National Interest, cả hai vị tướng này có vẻ đều chưa nắm được sự khác biệt giữa "hung hăng" và "liều lĩnh dại dột".

Cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Liên Xô – một siêu cường quốc hạt nhân [như ý tưởng của LeMay] – sẽ làm bùng nổ Thế chiến III.

Ngay cả nếu Mỹ phá hủy được phần lớn vũ khí hạt nhân của Liên Xô thì siêu cường này cũng chỉ cần giội vài quả bom vào New York hay Los Angeles là đã đủ để cướp đi sinh mạng của hàng triệu người Mỹ, đó là chưa kể Quân đội Liên Xô có thể trả đũa bằng cách đánh vào Tây Âu.

Giờ hãy nói đến cựu Chuẩn Đô đốc La Viện – người đại diện cho một tư tưởng có vẻ ngày càng lan rộng ở Trung Quốc – đó là quân đội Mỹ quá yếu để có thể chiến đấu.

Trung Quốc chắc chắn không phải là bên đầu tiên nghĩ như vậy. Phát xít Đức và Đế quốc Nhật Bản từng có cùng suy nghĩ trên vào năm 1941 (song, Bắc Kinh có lẽ cũng nên nhớ rằng Nhật Bản từng đánh giá Trung Quốc là một đội quân yếu ớt trong những năm 1930).

TQ dọa đánh chìm tàu sân bay Mỹ - Chuyên gia cảnh báo: Chớ dại đánh thức gã khổng lồ đang ngủ - Ảnh 1.

Tên lửa DF-21D của Trung Quốc, được mệnh danh là "Sát thủ tàu sân bay Mỹ".

Theo ông La, tên lửa chống tàu của Trung Quốc đủ sức mạnh để phá hủy các tàu sân bay Mỹ và các tàu đi theo hộ tống. Xét về mặt kỹ thuật, tên lửa siêu vượt âm, hoặc các tên lửa đạn đạo được chuyển đổi thành vũ khí chống tàu, có thể làm được điều đó. Nhưng cũng có thể không, bởi thực tế là chúng chưa từng được "thử lửa" trong chiến tranh.

Vấn đề ở đây là: Việc đánh chìm tàu sân bay Mỹ sẽ được xem như "một hành động chiến tranh", chứ không chỉ đơn thuần là phát bắn cảnh báo sượt qua mũi tàu, hay máy bay do thám bị bắn hạ vì xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc. Nó cũng không giống như cuộc đụng độ vô tình giữa máy bay tuần tra Mỹ và chiến đấu cơ Trung Quốc.

Cần nhấn mạnh lại rằng, đánh chìm tàu sân bay Mỹ sẽ là một "hành động chiến tranh". Nếu những gì ông La nói là đúng thì nước Mỹ sẽ chấm dứt vị thế của một cường quốc quân sự. Và nếu 10.000 thủy thủ thiệt mạng không là gì đối với Mỹ thì Washington cũng sẽ không bảo vệ Đài Loan, Nhật Bản, Israel hay Tây Âu.

Song, nếu ông La nói sai thì sao? Không chính phủ nào, không nghị sĩ nào của Mỹ có thể ngồi yên trong văn phòng, mà không đáp trả mạnh mẽ khi tàu sân bay – biểu tượng cho sức mạnh và uy thế của Mỹ - bị đánh chìm.

Đối với người Mỹ, hành động "đánh chìm tàu sân bay" của Trung Quốc không khác gì với vụ tấn công của Nhật vào Trân Châu Cảng, hay vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9.

"Tôi sợ rằng điều mà tất cả chúng ta đã làm là đánh thức gã khổng lồ đang ngủ và làm trỗi dậy ở hắn một sự quyết tâm khủng khiếp" – Đô đốc Nhật Bản Yamamoto nói sau trận Trân Châu Cảng.

Theo nhà phân tích Michael Peck, cựu chuẩn Đô đốc La Viện của Trung Quốc tốt hơn cả là nên nghe theo lời khuyên này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại