Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn về việc đưa các chính sách hỗ trợ đến với người dân một cách nhanh chóng, minh bạch, đảm bảo không bị thất thoát, không ai bị thiệt thòi.
Nhanh chóng đưa chính sách hỗ trợ đến với người dân
- Phóng viên: Thưa đồng chí, trong thời điểm phòng chống dịch Covid-19, TPHCM đã và đang triển khai các chính sách an sinh xã hội như thế nào để giảm bớt sự tác động của dịch bệnh lên đời sống người dân, nhất là những nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương?
Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM LÊ MINH TẤN: Dịch Covid-19 đang tác động lớn đến đời sống người dân trong cả nước nói chung và TPHCM nói riêng.
Trước tình hình này, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM rất quan tâm đến đời sống người dân và kịp thời thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ phù hợp tới nhiều nhóm người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
TPHCM đã thông qua gói chi 1.800 tỷ đồng hỗ trợ 600.000 công nhân, người lao động bị mất việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cùng với đó, dự kiến có khoảng 15.000 hộ chính sách có công; 9.000 hộ nghèo, cận nghèo; hơn 17.200 người bán vé số dạo được hỗ trợ.
Trong lúc dịch bệnh, tất cả các cơ sở giáo dục ngưng dạy học trực tiếp; trong đó, ảnh hưởng nhiều nhất là các cơ sở mầm non, nhóm trẻ tư thục, ngoài công lập, vì không nhận trẻ là không có thu nhập.
Ước tính có khoảng 32.000 giáo viên mầm non, người chăm sóc trẻ ở các nhóm trẻ ngoài công lập đang ngưng không giảng dạy và TPHCM hỗ trợ tới nhóm đối tượng này như những người lao động bị mất việc bởi dịch Covid-19.
TPHCM cũng liên tục thống kê, rà soát, bổ sung đối tượng bị tác động trực tiếp bởi dịch bệnh để có hướng hỗ trợ phù hợp. Sở LĐTB-XH TPHCM cũng đang chờ hướng dẫn chung của Bộ LĐTB-XH về việc thực hiện gói an sinh hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 mà Thủ tướng Chính phủ đã thông qua, để thực thi một cách nhanh chóng nhất.
Dịch bệnh tác động, gây ra nhiều thách thức về nhiều mặt kinh tế - xã hội, nhưng hơn lúc nào hết đây cũng là thời điểm cần sự gần gũi, sẻ chia, chăm lo chu đáo đời sống người dân. Trên thực tế, các chính sách xã hội trong lúc phòng chống dịch Covid-19 của TPHCM là rất kịp thời, mang tính nhân văn, có sự thấu hiểu và sẻ chia.
- Quy mô số người dân được hỗ trợ là rất lớn, bước đầu đã lên tới cả triệu người. Bằng cách nào TP có thể đưa chính sách hỗ trợ tới số lượng lớn người dân một cách sớm nhất, trong lúc cần kíp này?
Việc triển khai các chính sách hỗ trợ tới nhiều người dân trong lúc dịch bệnh quả thật là áp lực không nhỏ với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, địa phương.
Nhưng các cơ quan, địa phương đều có điểm chung là nỗ lực hết sức, nâng cao tính phục vụ; từng cán bộ, công chức, viên chức đều có ý thức hơn, trách nhiệm hơn, gần gũi hơn để nhanh chóng đưa chính sách mang tính nhân văn sớm đến với người dân, hạn chế thấp nhất “độ trễ” của chính sách.
Tất cả các khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân ở 322 phường, xã, thị trấn thuộc 24 quận, huyện đều đồng loạt vào cuộc, liên tục thực hiện các phần việc thống kê, rà soát đối tượng và chi trả chế độ chính sách theo từng địa chỉ cụ thể.
Hiện nay, việc chi trả chế độ tại nhà đang thực hiện tại các quận, huyện một cách rất trôi chảy, nhanh chóng; việc trao tiền hỗ trợ người bán vé số đang thực hiện đều khắp.
Các phường, xã, thị trấn gấp rút thống kê, xem xét mức độ bị ảnh hưởng của từng hộ chính sách có công, hộ nghèo, cận nghèo bị giảm thu nhập vì dịch Covid-19 để hỗ trợ sớm.
Với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bước đầu, qua rà soát, TPHCM ước lượng khoảng 600.000 công nhân, người lao động gặp khó khăn, bị mất việc, không có bảo hiểm thất nghiệp.
TPHCM đi đầu cả nước, có chính sách hỗ trợ 600.000 công nhân, người lao động này, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ trong 3 tháng.
Hiện nay, các doanh nghiệp đang báo cáo tình hình lao động ngưng việc, gửi về Ban quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất, khu công nghệ cao và Phòng LĐTB-XH 24 quận, huyện xác nhận. Sau đó, Sở LĐTB-XH TPHCM sẽ tổng hợp, trình UBND TPHCM.
Giám sát chặt chẽ nguồn chi
- Cùng với nguồn ngân sách hỗ trợ, đồng chí nhận xét sự đồng hành, tương trợ, san sẻ từ cộng đồng ra sao đối với những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh?
Trong lúc đang cố gắng vượt qua dịch bệnh, chúng ta cũng thấy được tình nghĩa, tấm lòng nhân ái của người dân TPHCM. Lúc dịch bệnh lây lan cũng là lúc chúng ta cảm nhận được tình người đang lan tỏa.
Tôi rất xúc động với nghĩa cử của các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân, người dân TPHCM.
Sự hỗ trợ từ cộng đồng đang rất lớn. Người thì góp khẩu trang, nước rửa tay phòng dịch; người thì nấu cơm tặng người khó khăn; người thì nghĩ ra “ATM gạo”, san sẻ với người nghèo… Tất cả cùng đồng hành, chung tay với chính quyền TPHCM làm rất tốt công tác hỗ trợ, chia sẻ với người bị tác động bởi dịch bệnh.
Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TPHCM cũng góp sức không nhỏ sẻ chia với cộng đồng. Để đảm bảo sức khỏe của người có công, hưu trí, diện bảo trợ xã hội trong thời điểm phòng chống dịch Covid-19, từ ngày 6-4, TPHCM thực hiện tới tận nhà chi trả tiền trợ cấp, lương hưu tới hơn 210.000 người.
Những người về hưu, hưởng trợ cấp đa số là người trên 60 tuổi. Việc mang tiền đến nhà chi trả lương hưu, trợ cấp - thực hiện miễn phí - là tấm lòng của bưu tá, nhân viên bưu điện, của cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên ở phường xã, thị trấn đối với người hưu trí, người có công, diện bảo trợ xã hội; cũng là thực hiện chỉ đạo của TPHCM, yêu cầu người trên 60 tuổi nên ở nhà, không ra đường lúc phòng chống dịch bệnh.
Trong năm 2020, TPHCM cũng điều chỉnh hệ số tính tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức năm 2020 nhằm chia sẻ khó khăn với đồng bào, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Cụ thể, đối với cán bộ, công chức, viên chức có hệ số lương trên 3,00: hệ số điều chỉnh tăng thu nhập tối đa từ 1,2 xuống 0,6 so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ của năm 2020; đối với cán bộ, công chức, viên chức có hệ số lương từ 3,00 trở xuống: hệ số điều chỉnh tăng thu nhập tối đa từ 1,2 xuống 0,8 so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ của năm 2020.
- Số tiền hỗ trợ trong đợt này rất lớn, quy mô đối tượng thụ hưởng đông. Vậy TPHCM có biện pháp kiểm soát, giám sát thế nào để đảm bảo việc thực hiện chi trả tiền hỗ trợ đến đúng người hưởng?
Ngay từ việc thống kê, xác định đối tượng hưởng đã được làm hết sức chặt chẽ, xác định theo tiêu chí cụ thể, thống kê theo từng địa chỉ ở từng ấp, khu phố, tổ dân phố, tổ nhân dân, doanh nghiệp…
Với từng đối tượng hỗ trợ, MTTQ, các đoàn thể, các tổ chức thành viên MTTQ, người dân đều giám sát rất chặt chẽ, công tâm, khách quan. Việc hỗ trợ người nghèo, cận nghèo còn có sự giám sát trực tiếp của tổ tự quản giảm nghèo bền vững ở khắp các phường xã, thị trấn. Việc hỗ trợ công nhân, người lao động mất việc có quận huyện, Ban quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất TPHCM, Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM xác nhận; có sự giám sát của công đoàn cơ sở, của LĐLĐ TPHCM.
Sự giám sát chặt chẽ đảm bảo không để xảy ra tình trạng trục lợi, sai đối tượng, hoặc nếu có sai sót thì phát hiện ngay, xử lý kịp thời.
Khoản hỗ trợ từ ngân sách, từ cộng đồng có ý nghĩa rất lớn. Đây không phải là chế độ hàng tháng mà là chính sách hỗ trợ trong thời điểm phòng chống dịch Covid-19. Tôi mong người nhận trân trọng tấm lòng này của thành phố, của cộng đồng, từ đó bồi đắp thêm ý chí chủ động vươn lên, sớm vượt qua khó khăn.
Những ai không bị ảnh hưởng nhiều thì nhường phần hỗ trợ đó tới người bị ảnh hưởng nặng hơn; mỗi người nhận 1 suất hỗ trợ, ai lãnh trùng thì gửi lại, để tiếp tục trao cho người chưa nhận; với những người còn sót, chưa được hỗ trợ thì TPHCM tiếp tục rà soát, chi bổ sung.
TPHCM không để ai bị bỏ lại phía sau, không để ai phải cơ cực, khổ sở trong lúc phòng chống dịch Covid-19. Chúng ta cùng chung tay sớm vượt qua dịch bệnh và cùng xây dựng TPHCM phát triển.