Ngày 13-5, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Tấn Dũng đã có buổi làm việc với Sở LĐ-TB-XH TP HCM để kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 trên địa bàn TP.
Tiếp tục bố trí 850 tỉ đồng hỗ trợ
Theo ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng, Phòng Lao động- Tiền lương- BHXH (Sở LĐ-TB-XH TP), TP HCM là địa phương triển khai sớm nhất chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 .
Ngay khi nhận chỉ đạo, TP gấp rút phân bổ khoảng hơn 640 tỉ đồng tiền hỗ trợ xuống cơ sở, tiến hành rà soát hồ sơ và trao tiền hỗ trợ tận tay người thụ hưởng.
Hiện đa số đối tượng thuộc nhóm yếu thế trong diện cần hỗ trợ (người có công, người hưởng chính sách trợ cấp xã hội, hộ nghèo và cận nghèo) đã nhận tiền (đạt tỉ lệ trên 90%).
Đối với trường hợp giáo viên, người lao động không đóng BHXH, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc, Sở LĐ-TB-XH TP cho biết TP có hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người.
"Dù chưa đủ điều kiện thụ hưởng tiền hỗ trợ theo tiêu chí trung ương đề ra nhưng người lao động không có lỗi. Đây là sai sót từ phía sử dụng lao động. Vì vậy, TP HCM quyết định vẫn chia sẻ khó khăn với những trường hợp trên" – ông Lê Minh Tấn giải thích.
Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP khẳng định sắp tới, TP HCM tiếp tục bố trí 850 tỉ đồng vào việc hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng do đại dịch COVID-19; tập trung giải quyết hồ sơ đề nghị hỗ trợ của những nhóm đối tượng khác trước ngày 20-5-2020.
Bên cạnh đó, ông Lê Minh Tấn cũng cho biết người dân, doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM còn gặp nhiều khó khăn với quy định về điều kiện nhận tiền hỗ trợ. Ông Lê Minh Tấn dẫn chứng tình hình hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động.
Tính đến ngày 12-5, cơ quan chức năng mới chỉ tiếp nhận và đang thẩm định hồ sơ đề nghị của 1 doanh nghiệp (có 39 lao động). Không ít doanh nghiệp thực sự khó khăn nhưng không mặn mà với gói hỗ trợ vì điều kiện để được vay tiền rất khắt khe.
Cụ thể, doanh nghiệp muốn vay tiền phải đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động. Cùng đó, doanh nghiệp không được có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nhà nước tại thời điểm ngày 31-12-2019.
Ông Lê Minh Tấn băn khoăn:"Liệu có bao nhiêu doanh nghiệp có đủ tất cả tiêu chí như trên?".
Ghi nhận ý kiến từ Sở LĐ-TB-XH TP HCM, thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Tấn Dũng cho rằng TP HCM là một những tỉnh, thành triển khai công tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 một cách nhanh chóng, công khai, minh bạch.
Trong khi nhiều địa phương còn loay hoay ở bước xác định đối tượng nhận tiền hỗ trợ thì TP đã cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ, chỉ tiêu trung ương giao phó.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH lưu ý lãnh đạo, đơn vị có nhiệm vụ thực hiện công tác trên không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách, thiếu trách nhiệm gây ra hậu quả tiêu cực.
Không khó khăn cũng xin hưởng trợ cấp
Cùng ngày, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cũng có buổi làm việc với UBND phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức, TP HCM) về tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, cho biết khảo sát ban đầu cho thấy địa bàn có khoảng 4.000 người bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 đến cơ quan chức năng đăng ký kê khai thông tin.
UBND phường Hiệp Bình Chánh đã hoàn tất 632 hồ sơ, gửi về Phòng LĐ-TB-XH quận Thủ Đức xem xét. Ngoài ra, còn có doanh nghiệp, giáo viên… xin trợ cấp do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Phường Hiệp Bình Chánh thực hiện trợ cấp cho các diện bảo trợ xã hội là 598/695 người (tỉ lệ 84,6%) với số tiền là 897 triệu đồng; trợ cấp diện chính sách là 224/224 người với số tiền 336 triệu đồng; trợ cấp diện hộ nghèo, hộ cận nghèo là 176/176 hộ với 659 nhân khẩu với số tiền hơn 494 triệu đồng; thực hiện chi trả cho 168 người bán vé số với số tiền 126 triệu đồng.
Hiện còn 97 trường hợp chưa lên nhận, trong đó có 46 trường hợp cho thuê hoặc bán nhà đi nơi khác, 51 trường hợp về quê chưa lên lại TP.
Ngoài ra, phường còn vận động chăm lo người dân địa phương số tiền 206 triệu đồng; 6 tấn gạo; hỗ trợ 1.565 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, giáo viên, công nhân… với số tiền 2.4 tỉ đồng.
Nghe báo cáo trên, một số thành viên trong tổ công tác Bộ LĐ-TB-XH đặt ra nhiều câu hỏi như: Tại sao số trường hợp chưa được nhận tiền trợ cấp còn nhiều? Sao không tách ra từng trường hợp cụ thể hộ nghèo, hộ cận nghèo… để minh bạch? Có cán bộ, người nhà cán bộ nào không đủ điều kiện nhưng vẫn kê khai hồ sơ để nhận trợ cấp không? Những trường hợp chỉ thông báo bằng miệng nhường phần mình cho người khác phường có thống kê không?
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu tại buổi làm việc
Giải trình trước đoàn công tác, ông Nguyễn Ngọc Tuấn thẳng thắn cho biết có nhiều trường hợp thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng hoặc không khó khăn nhưng vẫn làm hồ sơ xin hưởng trợ cấp. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đều từ chối những hồ sơ như vậy.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 kịp tiến độ, phường đã chỉ đạo các đoàn thể làm việc cật lực xuyên suốt cả tuần không ngừng nghỉ. Tuy nhiên, trong khi thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn do Hiệp Bình Chánh là địa bàn có diện tích rộng, dân nhập cư đông nên công tác khảo sát, thẩm định hồ sơ chưa đảm bảo.
Ví dụ như có người được hưởng trợ cấp nhưng lại thường trú 1 nơi, tạm trú 1 nơi, rất khó khăn để làm lập hồ sơ.
Ngoài ra, số lượng nhận hỗ trợ đông trong khi thời gian thực hiện ngắn, thủ tục chuyển phát tiền từ trung ương về TP thông qua kho bạc bị nghẽn cũng gây khó khăn cho địa phương trợ cấp cho người dân.