Top 5 quốc gia chi tiêu quân sự ‘khủng’ nhất thế giới

Thanh Bình |

Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) chi tiêu quân sự trên thế giới vào năm 2020 lên tới gần 2 nghìn tỉ USD, cao hơn 2,6% so với năm trước.

Chi tiêu quân sự tăng trong năm suy thoái kinh tế vì đại dịch đồng nghĩa với gánh nặng quân sự, khi tức là chi tiêu quân sự chiếm phần lớn hơn trong tổng số GDP. (Ảnh: RIA)

Chi tiêu quân sự tăng trong năm suy thoái kinh tế vì đại dịch đồng nghĩa với gánh nặng quân sự, khi tức là chi tiêu quân sự chiếm phần lớn hơn trong tổng số GDP. (Ảnh: RIA)

Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) chi tiêu quân sự trên thế giới vào năm 2020 lên tới gần 2 nghìn tỉ USD, cao hơn 2,6% so với năm trước.

Báo cáo cho biết: “Năm 2020, chi tiêu quân sự toàn cầu tăng 2,6% lên 1.981 tỉ USD trong năm 2020. Trong khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu giảm 4,4%, chủ yếu do tác động kinh tế của đại dịch Covid-19”.

Theo SIPRI, chi tiêu quân sự nói chung lên tới 2,4% GDP thế giới, năm 2019 con số tương tự là 2,2%.

Năm quốc gia có mức chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới vào năm 2020 bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Vương quốc Anh, chiếm 62% chi tiêu quân sự toàn cầu. Qua đó Nga một lần nữa lọt vào top 5 quốc gia chi tiêu quân sự ‘khủng’ nhất thế giới do SIPRI thống kê.

Quốc gia có chi tiêu quân sự hàng năm cao nhất vẫn là Mỹ. Năm 2020, chi tiêu cho quân sự của Mỹ tăng 4,4% lên 778 tỉ USD. Chiếm 39% tổng chi tiêu quân sự thế giới.

“Việc gia tăng chi tiêu quân sự của Mỹ có thể là do các khoản đầu tư đáng kể vào nghiên cứu và phát triển vũ khí mới, cũng như thực hiện một số dự án dài hạn, chẳng hạn như hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân và mua lớn vũ khí”, bà Alexandra Marksteiner, nhà nghiên cứu tại SIPRI cho biết.

Nhà nghiên cứu nói thêm rằng sự gia tăng chi tiêu quân sự phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng về các mối đe dọa được nhận thức từ “các đối thủ cạnh tranh chiến lược như Trung Quốc và Nga”.

Cũng theo tính toán của SIPRI, Trung Quốc và Ấn Độ xếp vị trí thứ hai và thứ ba. Trong đó, chi tiêu quân sự của Trung Quốc năm 2020 tăng 1,9% lên 252 tỉ USD. Chi tiêu quân sự của Ấn Độ năm 2020 được báo cáo là 72,9 tỉ USD.

SIPRI cho biết, chi tiêu quân sự của Nga năm 2020 lên tới 61,7 tỉ USD, tăng 2,5% so với năm trước. Do đó, Nga xếp vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng của SIPRI. Tuy nhiên, SIPRI lưu ý rằng chi tiêu quân sự thực tế của Nga trong năm 2020 thấp hơn 6,6% so với ngân sách quân sự ban đầu của nước này.

Xếp vị trí thứ 5 là Vương quốc Anh với chi tiêu vũ khí trong năm 2020 là 59,2 tỉ USD, cao hơn 2,9% so với năm 2019.

Trong năm 2020, chi tiêu quân sự cũng tăng đáng kể ở các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Báo cáo của SIPRI cho biết: “Hầu như tất cả các quốc gia thành viên NATO đã tăng chi tiêu quân sự vào năm 2020. Do đó, 12 quốc gia thành viên của tổ chức này đã chi khoảng 2% GDP trở lên cho quân sự”.

“Mặc dù nhiều thành viên NATO đã chi hơn 2% GDP cho chi tiêu quân sự vào năm 2020, nhưng trong một số trường hợp, điều này có thể liên quan đến sự suy thoái kinh tế của đại dịch hơn là một quyết định có chủ ý để đạt được mục tiêu chi tiêu của Liên minh”, ông Diego Lopes da Silva, một trong những tác giả của báo cáo cho biết.

SIPRI được thành lập năm 1966 là một tổ chức giám sát các hoạt động mua bán vũ khí và chi tiêu quốc phòng trên toàn thế giới có trụ sở tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển.

Viện nghiên cứu này thường xuyên đưa ra các báo cáo thường niên về tất cả các hạng mục trong lĩnh vực quốc phòng thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại