Dưới ngòi bút của Thi Nại Am, các xạ thủ "bách phát bách trúng" trong Thủy Hử đều là những chiến tướng dũng mãnh. Họ là ai?
"Tiểu Lý Quảng" Hoa Vinh
Trong Thủy Hử của Thi Nại Am, tài bắn cung siêu phàm của Hoa Vinh được miêu tả là "Nhất tiễn định càn khôn".
Không chỉ sở hữu vẻ ngoài tuấn tú, dáng vẻ thanh thoát, nhanh nhẹn, Hoa Vinh còn là một trong hai cao thủ thiện xạ của nghĩa quân Lương Sơn Bạc.
Tài bắn cung của "Tiểu Lý Quảng" được Thi Nại Am tả rằng: Nếu như xưa kia, danh tướng Dưỡng Do Cơ của nước Sở có thể "bách bộ xuyên dương" (bắn xuyên lá dương ở khoảng cách trăm bước), thì ngày nay, mũi tên của Hoa Vinh có thể cứa đứt đôi lá liễu ở khoảng cách tương tự.
Thậm chí, đầu lĩnh đứng ở vị trí thứ 9, đảm nhận vị trí đứng đầu Mã Quân Bát Hổ Tiên Phong tướng này có thể bắn thủng mắt con chim nhạn đang bay trên trời.
Tài dùng cung của Hoa Vinh còn khiến thiên hạ nể phục khi có thể dùng cung liên châu, một lúc bắn ra nhiều mũi tên.
Cái tài của Mã Quân Bát Hổ Tiên Phong tướng này chính là có thể đánh cận chiến và đánh tầm xa. Nếu như đánh địch ở tầm xa, Hoa Vinh sẽ dùng tài nghệ bắn cung "bách phát bách trúng" của mình để vô hiệu hóa sức mạnh của tướng cầm đầu, thì khi đánh cận chiến, vũ khí đáng sợ mà chiến tướng này sử dụng chính là trường thương.
Khi Hoa Vinh, thời chưa gia nhập Lương Sơn Bạc, tỉ thí với Tần Minh, người này đã dùng cung tiễn bắn một mũi tên trúng tua mũ giáp của Tần Minh - rất giống với cảnh Hoàng Trung đã làm với Quan Vũ trong Tam Quốc Diễn Nghĩa.
Sau khi tới Lương Sơn Bạc, để chứng minh năng lực của mình, Hoa Vinh nói sẽ bắn vào đầu con ngỗng đang bay. Khi dây cung được thả ra, con ngỗng rơi xuống. Huynh đệ Lương Sơn tất thảy đều ngưỡng mộ.
Khi Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa dẫn quân đánh Tăng Đầu thị, Hoa Vinh góp công lớn khi chỉ một mũi tên đã có thể giết chết Võ Đại Lang.
Đứng trước cửa thành Tăng Đầu thị, Võ Đại Lang liên tục dùng lời lẽ khiêu chiến Tống Giang và quân Lương Sơn.
Khi 2 mãnh tướng Lương Sơn xông lên cận chiến, Võ Đại Lang dùng đao đánh, chiếm ưu thế lớn. Hoa Vinh thấy vậy, từ xa trên lưng ngựa bắn một mũi tên trúng ngực, cứu được huynh đệ Lương Sơn thoát tử trong giây lát. Võ Đại Lang vừa bị tên cắm vào ngực vừa bị một nhát giáo đâm nên ngã ngựa, tử trận trước sự chứng kiến của quân Tăng Đầu thị.
"Lãng Tử" Yến Thanh
Trong số các nhân vật chính được miêu tả trong Thủy Hử, Yến Thanh là nhân vật xuất hiện muộn nhất.
Hồi 60 của Thủy Hử viết: Yến Thanh dáng người cao lớn khoảng 7 thước, vai rộng, dung mạo tuấn tú. Vị anh tài trẻ tuổi này không những giỏi võ thuật, thơ ca đàn hát tuyệt đỉnh mà còn có tài bắn nỏ phi phàm.
Yến Thanh mất song thân từ khi còn nhỏ. Về sau được Lư Tuấn Nghĩa nhận nuôi, hết mực yêu chiều và truyền lại võ công. Sau khi cùng Lư Tuấn Nghĩa lên Lương Sơn tụ nghĩa, Yến Thanh xếp ở vị trí 36, là một trong 10 tướng đảm nhận chức vụ Đầu lĩnh Bộ quân.
Kỹ năng sử dụng nỏ của Yến Thanh thuộc hàng "đệ nhất thiên hạ". Chiếc nỏ mà người này dùng là nỏ Tứ Xuyên. Với 3 mũi tên ngắn, Yến Thanh có thể bắn trúng đồ vật, con vật trong đêm. Khi mang ra chiến trường, người này có thể hạ thủ nhiều tướng địch bằng những mưu kế hơn người.
Khi Lư Tuấn Nghĩa mang quân đánh phủ Đông Xương, đối đầu với Trương Thanh, người đang trấn giữ tại đây (lúc này chưa gia nhập Lương Sơn). Biệt tài dùng thương và ném đá cao cường của Trương Thanh đã đánh bại liên tiếp 15 chiến tướng Lương Sơn Bạc.
Yến Thanh thấy vậy liền nghĩ ra kế lấy nỏ bắn vào móng ngựa của Trương Thanh. Thấy ngựa của Trương Thanh quỵ ngã, Kiều tướng Mã quân thủ hộ Quách Thịnh xông lên bắt sống. Về sau, Tống Giang thu phục được Trương Thanh, giao cho chức vụ Tướng tiên phong.
"Tiểu Dưỡng Do Cơ" Bàng Vạn Xuân
Nổi tiếng với tài bắn tên "bách phát bách trúng", Tướng quân Phương Lạp Bàng Vạn Xuân được Thi Nại Am miêu tả là Thần tiễn bất khả chiến bại trong thiên hạ. Ngoại hiệu "Tiểu Dưỡng Do Cơ" của người này đã nói lên tất cả.
Dưỡng Do Cơ là một danh tướng có thật có tài thiện xạ vô địch thiên hạ của nước Sở thời Xuân Thu. Ông nổi tiếng với tài bắn cung "bách bộ xuyên dương", nghĩa là có thể bắn xuyên lá dương dù cách xa hàng trăm bước.
Tài năng bắn tên của Bàng Vạn Xuân có thể sánh ngang với "Tiểu Lý Quảng" Hoa Vinh của nghĩa quân Lương Sơn Bạc. Tuy đánh cận chiến không giỏi nhưng khả năng dùng cung và binh pháp của Bàng Vạn Xuân đỉnh cao đến mức khiến nghĩa quân Lương Sơn tổn thất nặng nề trong trận đánh tại ải Dục Linh.
Sau khi nghĩa quân Lương Sơn đang trên đà đánh bại Phương Lạp, Tống Giang và "Tam kiệt Hà Bắc" Lư Tuấn Nghĩa quyết định chia lực lượng rồi lần lượt đánh chiếm Mục Châu và Huệ Châu mà Phương Lạp chiếm giữ. Mục Châu đã được Tống Giang thu phục, chỉ còn Huệ Châu.
Tổng binh đô đầu lĩnh Lư Tuấn Nghĩa khi đó dẫn theo hơn 20 chiến tướng cùng 30.000 quân lên đường chiếm đánh Huệ Châu. Trước khi đánh Huệ Châu, cả đoàn quân cần chiếm được ải Dục Linh do Bàng Vạn Xuân trấn giữ.
Khi tiến sát ải Dục Linh, Lư Tuấn Nghĩa lệnh cho 6 chiến tướng Lương Sơn là Sử Tiến, Dương Xuân, Thạch Tú, Lý Trung, Tiết Vĩnh, Trần Đạt cùng 3.000 quân đi trước thám thính.
Vào lúc 6 tướng đến cửa đèo, khung cảnh bất ngờ ập đến: Không một tên địch nào đứng gác, phía trên cao có một lá cờ trắng, bên cạnh là "thiên hạ đệ nhất thần tiễn" Bàng Vạn Xuân - đây là khoảnh khắc người này xuất hiện đầu tiên trong Thủy Hử.
Khi Bàng Vạn Xuân lên tiếng khiêu chiến, lời chưa dứt thì đã giương cung, một phát bắn trúng ngực Sử Tiến. Khi quân Lương Sơn chưa kịp đối ứng thì hàng trăm mũi tên bắn xuống như mưa trút.
Trong chưa đầy nửa canh giờ, gần 3.000 quân và tướng Lương Sơn tử trận, chỉ vài trăm người may mắn sống sót. Trận ải Dục Linh vì thế khiến Lương Sơn tổn thất nặng nề dưới mưu kế của Bàng Vạn Xuân.
Đêm đó, Lư Tuấn Nghĩa cùng Thần cơ quân sư Chu Vũ bàn kế đánh Bàng Vạn Xuân. Bằng cách phóng hỏa cửa ải Dục Linh ngay trong đêm, quân của Bàng Vạn Xuân chạy tán loạn, khiến người này phải thúc ngựa bỏ chạy thoát thân.
Về sau, Bàng Vạn Xuân định dùng kế đánh úp doanh trại Lư Tuấn Nghĩa trong đêm nhưng đã bị Chu Vũ nhìn thấu trước đó nên Tướng quân của Phương Lạp nhanh chóng bị bắt giữ. Kết cục, xạ thủ Phương Lạp cúi đầu khuất phục trước sức mạnh của Lương Sơn.
Tham khảo: Sohu, Baidu