Trong trận đánh cuối cùng với quân Phương Lạp, nghĩa quân Lương Sơn tuy giành chiến thắng nhưng chỉ 27 chiến tướng, bao gồm cả thủ lĩnh Tống Giang, sống sót trở về.
Rất nhiều anh hùng Lương Sơn Bạc đã tử trận. Có người bỏ mạng ngay chiến trường, lại có người chết sau vài ngày bị mũi tên độc bắn trúng...
Trong số đó có 8 chiến tướng Lương Sơn tử trận tại chỗ bởi những mũi tên của Tướng quân Phương Lạp.
Tướng quân Phương Lạp đó là ai?
Bàng Vạn Xuân: Cung thủ siêu phàm, túc trí đa mưu
Nếu như, Lương Sơn Bạc có đệ nhất thần tiễn "Tiểu Lý Quảng" Hoa Vinh với thành tích hạ được 12 tên địch thì Phương Lạp có cung thủ siêu phàm Bàng Vạn Xuân - mệnh danh "Tiểu Dưỡng Do Cơ".
Dưỡng Do Cơ là một danh tướng có thật của nước Sở thời Xuân Thu. Người này nổi tiếng với tài bắn cung "bách bộ xuyên dương", nghĩa là có thể bắn xuyên lá dương dù cách xa hàng trăm bước.
Thi Nại Am một lần nữa lấy danh tướng có thật trong lịch sử Trung Hoa đặt ngoại hiệu cho nhân vật của mình, cốt để nói lên tài bắn cung đỉnh cao "bách phát bách trúng" của chiến tướng Phương Lạp Bàng Vạn Xuân.
Bàng Vạn Xuân xuất hiện khá muộn trong Thủy Hử. Khi Tống Giang dẫn đầu nghĩa quân Lương Sơn Bạc viễn chinh phía Nam, đánh quân Phương Lạp. Bàng Vạn Xuân xuất hiện. Người này giữ chức Tướng quân Phương Lạp, nắm trong tay nhiều phó tướng tài giỏi.
Điểm yếu của Bàng Vạn Xuân là đánh cận chiến không giỏi. Ngược lại, người này không chỉ dùng cung tên "xuất quỷ nhập thần" mà còn túc trí đa mưu, bày binh bố trận như thần.
Dưới đây là 2 trận đánh thể hiện tài thao lược của Tướng quân Phương Lạp.
Trong trận đánh ải Dục Linh, Bàng Vạn Xuân và phó tướng đã khiến quân Lương Sơn Bạc tổn thất nặng nề.
Khi "Tam kiệt Hà Bắc" Lư Tuấn Nghĩa dẫn đội mã binh tiến gần ải Dục Linh - nơi Bàng Vạn Xuân đang trấn giữ, Lư Tuấn Nghĩa liền lệnh cho 6 chiến tướng là Sử Tiến, Dương Xuân, Thạch Tú, Lý Trung, Tiết Vĩnh, Trần Đạt mang theo 3.000 quân bộ binh đi trước thám thính.
Bất ngờ, đội quân nghìn người cùng 6 tướng tài của Lương Sơn rơi vào ổ phục kích của Bàng Vạn Xuân. Từ trên cao bên sườn núi, Tướng quân Phương Lạp cùng 2 phó tướng và quân thiện xạ bắn tên như mưa trút xuống bên dưới.
Chỉ 1 mũi tên, Bàng Vạn Xuân đã bắn chết Sử Tiến - đầu lĩnh thứ 23 của Lương Sơn, đảm nhận chức vụ Tướng tiên phong với tài dùng đao đánh cận chiến.
5 chiến tướng Lương Sơn còn lại cũng bị mũi tên của giặc mà chết trận. Gần 3.000 quân bộ binh cũng tử trận trong một trận chiến chỉ kéo dài chưa đầy nửa canh giờ. Chỉ hơn 100 người may mắn chạy thoát khỏi ổ phục binh do Bàng Vạn Xuân tạo nên.
Trước tổn thất quá lớn của nghĩa quân, Thần cơ quân sư Chu Vũ vốn biết nhiều về trận pháp, tinh thông mưu lược liền bày kế cho Lư Tuấn Nghĩa trả thù cho huynh đệ.
Lập tức, Tổng binh đô đầu lĩnh Lư Tuấn Nghĩa giao cho Bộ quân đầu lĩnh Thời Thiên, chuyên phi báo việc cơ mật, lẻn vào thành - nơi Bàng Vạn Xuân đang trấn - phóng hỏa.
Quân địch gặp hỏa hoạn bất ngờ liền nháo nhác, mất cảnh giác. Lúc này, Lư Tuấn Nghĩa bên ngoài dẫn đội quân hùng mạnh tiến đánh trong thành. Quân Phương Lạp cùng lúc bị gọng kìm nội ứng - ngoại hợp làm cho thất thủ.
Hai phó tướng của Bàng Vạn Xuân bị giết ngay tại trận. Thấy vậy, Bàng Vạn Xuân thúc ngựa bỏ chạy về thành Hấp Châu.
Lư Tuấn Nghĩa thừa thắng xông lên, đuổi theo đến tận Hấp Châu. Tại đây, Bàng Vạn Xuân giao chiến với "Ma Vân Kim Sí" Âu Bằng - một đầu lĩnh Mã quân của Lương Sơn nổi tiếng với tài tay không bắt ám khí, bắt được cả mũi tên đang bay.
Hai bên giao chiến được nhiều hiệp thì bất ngờ Bàng Vạn Xuân quay đầu bỏ chạy. Vì nóng lòng muốn lập công lớn, trả thù cho huynh đệ Lương Sơn, Âu Bằng cho ngựa phi nước đại đuổi theo.
Nào ngờ, trúng quỷ kế của tên Tướng Phương Lạp.
Nhận thấy Âu Bằng gần đuổi kịp, Bàng Vạn Xuân giương cung bắn tên. Âu Bằng lúc này liền trổ tài nghệ tay không bắt được mũi tên của Tướng quân họ Bàng.
Nhưng Âu Bằng không ngờ rằng, Bàng Vạn Xuân tinh quái, dùng cung liên châu, bắn một lúc ra nhiều mũi tên về phía đối thủ. Mũi tên thứ hai, thứ ba... phóng ra, Âu Bằng tử trận.
Đêm đó, Bàng Vạn Xuân định tập kích doanh trại của Lư Tuấn Nghĩa liền bị Chu Vũ nhìn thấu từ trước nên đã cho quân bắt sống. Bàng Vạn Xuân tay bị trói, quỳ gối nhận "lệnh tử" từ Lư Tuấn Nghĩa.
Xạ thủ nổi tiếng của Phương Lạp cuối cùng cũng chịu khuất phục trước các chiến tướng dũng mãnh của Lương Sơn.
Tham khảo: Sohu, 163, Thủy Hử