"Bảo vật" Lương Sơn Bạc: Không biết võ công, không xông trận mạc nhưng có thứ hạng cao ngất ngưởng

Trang Ly |

Trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, người này được thủ lĩnh Tống Giang và nhiều vị đầu lĩnh nể phục, coi trọng.

Nhân vật đó chính là "Bảo vật Thần y" An Đạo Toàn - Vị đầu lĩnh xếp thứ 56 trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, nắm chức vụ Chưởng quản giám tạo chư sự - Chuyên trị y tật nội ngoại cho quân Lương Sơn.

Thần y chữa được bách bệnh

Trước khi gia nhập Lương Sơn Bạc, An Đạo Toàn hành nghề thầy thuốc tại Kiến Khang Phủ (Giang Tô, Trung Quốc ngày nay). Sinh ra trong một dòng họ chuyên làm thầy thuốc, An Đạo Toàn khi còn trẻ đã nhanh chóng học hỏi và thừa hưởng tài năng y thuật đỉnh cao của tổ tiên.

Nhiều năm sau, ông thông thạo tất cả các loại dược liệu trên đời. "Tiếng lành đồn xa", An Đạo Toàn được biết đến là vị thầy thuốc có thể chữa được bách bệnh. 

Ông vừa giỏi trồng thuốc, bốc thuốc, vừa giỏi bắt mạch, châm cứu, phẫu thuật, nắn xương, trị được cả nội - ngoại thương một cách tuyệt đỉnh. Nhờ đó, được mệnh danh là "Hoa Đà của thiên hạ".

"Cha đẻ" của tác phẩm Thủy Hử đã ca ngợi tài năng "thần y" của An Đạo Toàn qua tứ thơ sau:

Sau khuỷu tay áo là hàng trăm bài thuốc hay

Kim châm ngọc dao thừa hưởng từ sư phụ

Biển Thước* tái sinh hẳn là khó có thể sánh bằng

An Đạo Toàn danh tiếng truyền ngàn dặm xa

Đối với Thi Nại Am, tài năng y thuật của An Đạo Toàn còn vượt xa cả Biển Thước - vị thần y trứ danh thời Chiến Quốc, một trong những danh y đầu tiên được ghi chép sớm nhất trong các thư tịch của lịch sử Trung Quốc.

Khác với Biển Thước hay Hoa Đà, An Đạo Toàn là một đại danh y "hư cấu" do Thi Nại Am xây dựng nên. Do đó, tài nghệ y thuật của ông được xem là "xuất quỷ nhập thần", không ai trên đời có thể sánh bằng.

Mối lương duyên với nghĩa quân Lương Sơn Bạc

Trong Thủy Hử, An Đạo Toàn xuất hiện ở hồi 64 khi thủ lĩnh Lương Sơn Bạc là Tống Giang đột ngột ngã bệnh.

Chuyện kể rằng, trong trận đánh phủ Đại Danh (Hà Bắc, Trung Quốc ngày nay), Tống Giang bất ngờ đổ bệnh. Kiểm tra mãi mới phát hiện sau lưng nổi lên cái mụn đỏ, to như hạt đậu. Không chỉ đau đớn tại lưng, toàn thân Tống Giang còn nóng như sôi, đầu đau như búa bổ, người mệt mỏi rã rời.

Các tướng Lương Sơn lo lắng khôn nguôi. Lúc sau, "Lãng Lý Bạch Điều" Trương Thuận mới nhớ ra thần y An Đạo Toàn ở Kiến Khang Phủ và kể về câu chuyện vị thần y này đã chữa bệnh khó cho mẹ của Trương Thuận thế nào. 

Vì nóng lòng muốn Tống Giang khỏi bệnh mà Trương Thuận xung phong đi tìm vị thần y nọ về chữa trị cho Tống huynh.

Trên đường đi, Trương Thuận gặp cướp, suýt bỏ mạng trên sông Tầm Dương. Nhờ tài năng quen thuộc sông nước và bơi lội giỏi mà thoát chết nhanh chóng. Đường đi khó khăn là vậy, đến nơi gặp được An Đạo Toàn còn bị ông kiên quyết từ chối.

Trương Thuận đang thuyết phục An Đạo Toàn lên Lương Sơn chữa bệnh cho Tống Giang. Ảnh minh họa.

"Lãng Lý Bạch Điều" Trương Thuận đành nghĩ ra quỷ kế. Ám sát một gia đình nọ và viết lên tường dòng chữ bằng máu "Thủ phạm là An Đạo Toàn".

Quỷ kế thành công. Bị dồn vào cùng đường tuyệt lộ, An Đạo Toàn buộc phải theo Trương Thuận lên Lương Sơn Bạc.

Tại đây, các vị đầu lĩnh lần đầu tiên chứng kiến và lấy làm kinh ngạc trước tài năng của thần y An Đạo Toàn. Đứng trước một Tống Giang đang "lòng như lửa đốt" cùng hàng trăm đôi mắt lo lắng của huynh đệ Lương Sơn, An Đạo Toàn bình tĩnh đến lạ.

Sau hồi bắt mạch, xem xét chỗ đau, người này ôn tồn nói: "Các ngài không phải lo lắng. Bề ngoài bệnh tuy có vẻ nghiêm trọng nhưng mạch tượng lại ổn định. Khoảng mươi ngày nữa bệnh sẽ tiêu tan".

Nói xong, An Đạo Toàn lấy kim đã khử trùng cẩn thận, chích nặn lấy độc khí, rồi dùng thuốc bôi vào vết thương.

Quả nhiên, khoảng năm ngày sau, khí sắc của Tống Giang hồng hào, khỏe mạnh trở lại. Gần mười ngày sau, bệnh khỏi hẳn.

Cảm phục trước tài năng hiếm có của An Đạo Toàn, cả Tống Giang và tất thảy các vị đầu lĩnh Lương Sơn Bạc đều mong mỏi vị thần y tụ nghĩa cùng Lương Sơn Bạc, chuyên trách việc thăm khám, chữa bệnh cho các tướng sau khi xông pha trận mạc.

An Đạo Toàn đồng ý ở lại và ngay lập tức được bổ nhiệm ở vị trí cao - xếp thứ 56. Tuy không biết võ công, không xông pha trận mạc trực tiếp, nhưng An Đạo Toàn lại được cả Lương Sơn coi trọng vì tài năng y thuật của ông, và vì vai trò quá lớn trong việc chăm sóc sức khỏe, bệnh tật của nghĩa quân.

Khi thủ lĩnh Tống Giang dẫn quân đánh Phương Lạp, An Đạo Toàn không thể lên đường tòng quân vì tuân lệnh vua Tống hồi cung chữa bệnh.

Sau khi nghĩa quân Lương Sơn đánh Phương Lạp chiến thắng trở về cũng là lúc tiếng tăm của ông vang danh cả triểu đình. Về sau, vị thần y này được triều đình chiêu an và được phong chức Thái y kim tử - đứng đầu trong Thái Y viện.

Trong số 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, thần y An Đạo Toàn là một trong số ít những người có hậu vận tốt đẹp.

Tham khảo: 163, Sohu, Lishimingren

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại