Tổng thống Zelensky đã “nói rõ ràng với các nhà lãnh đạo NATO rằng ông sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh Vilnius nếu không có những đảm bảo an ninh cụ thể và lộ trình gia nhập,” tờ Thời báo Tài chính đưa tin.
Những phát biểu trên rõ ràng là một tối hậu thư của chính quyền Kiev đối với NATO – lực lượng đã hậu thuẫn Ukraine trong suốt cuộc chiến chống lại Nga trong thời gian qua.
Ukraine đã chính thức nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương do Mỹ lãnh đạo vào tháng 9 năm 2022 với lập luận cho rằng phòng thủ tập thể mà khối này cung cấp cho các thành viên là điều cần thiết cho an ninh của Kiev trước Nga. Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương quy định rằng một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào một thành viên của NATO “sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả họ.”
Trong khi nỗ lực của Ukraine trong việc gia nhập NATO đã được các quốc gia Bắc Âu và các nước Baltic cũng như Ba Lan ủng hộ mạnh mẽ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua (31/5) gợi ý rằng Kiev có thể được cung cấp “một cái gì đó giữa an ninh được cung cấp cho Israel và tư cách thành viên chính thức” của liên minh quân sự phương Tây.
Tờ Thời báo Tài chính dẫn lời 4 quan chức giấu tên hồi tháng 4 nói rằng Mỹ và Đức phản đối đề nghị cho phép Kiev có “mối quan hệ sâu sắc hơn” với liên minh NATO, bao gồm cả một lộ trình tiềm năng để gia nhập vào NATO.
“Chúng tôi sẽ tìm cách hỗ trợ nguyện vọng Châu Âu-Đại Tây Dương của Ukraine nhưng ngay bây giờ, nhu cầu trước mắt ở Ukraine là thiết thực và vì vậy chúng tôi nên tập trung vào việc xây dựng khả năng phòng thủ và răn đe của Ukraine,” ông Dereck Hogan – một quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ chịu trách nhiệm về các vấn đề châu Âu, đã cho biết như vậy vào tháng trước.
Hãng tin Reuters mới đây trích dẫn lời của Thủ tướng Litva Ingrida Simonyte - người sẽ chủ trì cuộc họp thượng đỉnh của NATO vào ngày 11-12/7 tới, nói rằng sẽ “rất buồn” nếu ai đó có thể diễn giải kết quả của hội nghị thượng đỉnh Vilnius là “một chiến thắng của Nga”.
Moscow coi việc mở rộng về phía đông của NATO là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của mình và viện dẫn chính sách mở cửa của khối này là lý do dẫn đến xung đột quân sự với Ukraine. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin gần đây cho biết tính trung lập của Ukraine là một trong những điều kiện cho hòa bình lâu dài giữa Ukraine và Nga.
Sau cuộc đảo chính ở Ukraine xảy ra vào tháng 2 năm 2014, chính phủ mới ở Kiev đã từ bỏ tính trung lập truyền thống của Ukraine và biến việc gia nhập NATO trở thành một phần trong chính sách chiến lược của đất nước. Khối liên minh quân sự phương Tây do Mỹ dẫn dắt cũng đã từ chối lời kêu gọi ngừng mở rộng liên minh của Moscow, nhấn mạnh rằng “chính sách mở cửa” của họ là một nguyên tắc cơ bản mà họ không thể thỏa hiệp.
Giới chức Kiev liên tục thể hiện yêu cầu tha thiết muốn gia nhập NATO nhưng họ thường xuyên phải nhận câu trả lời phũ phàng từ giới chức Châu Âu. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius từng thẳng thừng bác bỏ quyết định cho phép nhanh chóng kết nạp Ukraine làm thành viên của NATO. Theo lời Bộ trưởng Pistorius, quyết định cho Ukraine gia nhập liên minh không thể được đưa ra chỉ vì sự đoàn kết mà là cần được đưa ra "với một cái đầu lạnh và một trái tim nóng. Không phải ngược lại."
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi tháng 5 rằng việc Ukraine gia nhập NATO còn lâu mới đạt được thỏa thuận. Phát biểu thẳng thừng này được chính trị gia người Tây Ban Nha đưa ra là để bình luận về một tuyên bố trước đó của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg rằng tất cả các thành viên của khối quân sự do Mỹ đứng đầu đã đồng ý kết nạp Ukraine làm thành viên của NATO - chỉ là không biết khi nào việc này sẽ diễn ra.