NATO sẽ đề xuất quy chế nào cho Ukraine khi xung đột với Nga chưa kết thúc?

Hoàng Phạm |

Các thành viên NATO đã đồng ý về nguyên tắc rằng Ukraine sẽ gia nhập liên minh quân sự này sau khi xung đột với Nga kết thúc. Vậy NATO có thể đề xuất quy chế như thế nào cho Kiev ở thời điểm hiện nay?

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022, các nhà lãnh đạo NATO đã phải đối mặt với một tình thế khó xử và phức tạp: phản ứng thế nào trước việc Ukraine thúc đẩy gia nhập liên minh quân sự mà không mở ra con đường để Kiev ngay lập tức để trở thành thành viên?

“Vị trí xứng đáng của Ukraine là trong NATO. Theo thời gian, sự hỗ trợ của chúng tôi sẽ giúp Kiev biến điều đó thành hiện thực”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố trong chuyến thăm Kiev vào tháng 4/2023.

Trong khi đó, Điện Kremlin đã nhiều lần tuyên bố rằng, việc ngăn cản Ukraine gia nhập NATO là mục tiêu chính trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng. Moscow cho rằng việc Kiev trở thành thành viên NATO sẽ gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với Nga.

NATO sẽ đề xuất quy chế nào cho Ukraine khi xung đột với Nga chưa kết thúc? - Ảnh 1.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong chuyến thăm Kiev vào tháng 4/2023. Ảnh: KT

Nếu chấp thuận cho Ukraine trở thành thành viên ngay bây giờ, điều này sẽ kéo NATO vào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga. Do đó, các nhà lãnh đạo của liên minh nhất trí rằng triển vọng này sẽ không được bàn đến chừng nào xung đột vẫn còn tiếp diễn.

“Mọi người đều đồng ý rằng bây giờ không phải là lúc kết nạp Ukraine nhưng cần nâng cấp mối quan hệ giữa Ukraine với NATO”, Ông Bruno Lete, một chuyên gia quốc phòng của Quỹ Marshall của Đức, nói với DW.

Dù vậy NATO sẽ cần phải xác định mối quan hệ này có thể nâng cấp tới mức độ nào.

Cho đến nay, các nước NATO vẫn chưa đạt được đồng thuận về tư cách thành viên của Ukraine trong ngắn hạn và trung hạn. Một số quốc gia NATO thuộc khối Xô Viết trước đây đang thúc đẩy cam kết chính thức với Ukraine, có thể là một lộ trình hoặc kế hoạch cụ thể cho Kiev tại hội nghị thượng đỉnh của khối vào tháng 7 tới tại thủ đô Vilnius của Litva.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự kiến sẽ tham dự cuộc họp này.

Nâng cấp quan hệ thay vì hứa hẹn kết nạp

Tuy nhiên, Mỹ dường như không muốn đưa ra những lời hứa hẹn chính thức về việc kết nạp với Ukraine ở thời điểm này. Khi được hỏi liệu có lời mời trở thành thành viên hay không, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về các vấn đề châu Âu và Á-Âu Dereck Hogan nhấn mạnh, chính quyền Tổng thống Biden “vẫn kiên định” với chính sách “mở cửa” của NATO.

“Chúng tôi sẽ tìm cách hỗ trợ Ukraine thực hiện nguyện vọng của họ. Nhưng ở thời điểm hiện nay, các nhu cầu trước mắt ở Ukraine là thiết thực hơn cả, vì vậy chúng tôi sẽ tập trung vào việc xây dựng khả năng phòng thủ và răn đe của Ukraine”, ông Hogan nói với các phóng viên ở Washington.

Chuyên gia quốc phòng Lete cho rằng Mỹ, cũng như Pháp, đang “cân bằng sự hỗ trợ cho Ukraine với những tính toán cho các cuộc bầu cử sắp tới”, trong khi Đức “muốn ngăn chặn việc hoàn toàn cô lập Nga trong cấu trúc an ninh châu Âu thời hậu chiến”.

Dù vậy, các nhà lãnh đạo NATO vẫn muốn gửi tín hiệu tích cực tới Ukraine mà không đưa ra các quyết định quan trọng về các nguyên tắc hoặc thời điểm Kiev có thể trở thành thành viên của liên minh quân sự.

Một trong các đề xuất được đưa ra là nâng cấp mối quan hệ chính trị giữa Ukraine và NATO. Hiện nay, cả bên thường xuyên gặp nhau tại Ủy ban NATO-Ukraine, nơi điều phối các hoạt động và mở ra một diễn đàn để 2 bên tham vấn. Trong tương lai, cơ quan này có thể được chuyển đổi thành “Hội đồng NATO-Ukraine”.

Bà Karsten Friis, chuyên gia an ninh và quốc phòng tại Viện Quan hệ Quốc tế Na Uy, cho rằng: “Mặc dù nghe có vẻ mang tính chất thủ tục, nhưng sự thay đổi này có ý nghĩa thực chất vì nó thể chế hóa mức độ đối thoại cao hơn giữa NATO và Ukraine”.

Khi đó, Ukraine sẽ ngồi vào bàn thảo luận với tư cách là một đối tác bình đẳng, cùng với tất cả 31 thành viên NATO và Thụy Điển. Kiev cũng có thể triệu tập cuộc họp trong trường hợp khẩn cấp và có quyền tiếp cận các lĩnh vực hợp tác mới.

Đảm bảo an ninh dựa trên các thỏa thuận song phương

Ông Lete cho rằng, để giải quyết những lo ngại cốt lõi về an ninh của Ukraine, một số đồng minh NATO đang xem xét mô hình an ninh tương tự như mô hình của Israel.

“Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phương Tây chuyển giao vũ khí và công nghệ tiên tiến cho Ukraine”, ông Lete nhấn mạnh.

Ý tưởng này ban đầu được trợ lý hàng đầu của Tổng thống Ukraine Zelensky, ông Andriy Yermak và cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đưa ra. Họ đề xuất từng thành viên riêng biệt, như Mỹ, Đức và Anh đảm bảo an ninh cho Ukraine. Việc này sẽ dựa trên các thỏa thuận song phương, nhưng được tập hợp lại trong một văn kiện hợp tác chiến lược chung.

Bà Friis tại Viện Quan hệ Quốc tế Na Uy giải thích rằng những đảm bảo an ninh như vậy là nhằm mục đích giúp Ukraine tự vệ và không nên nhầm lẫn với sự đảm bảo theo Điều 5 của NATO.

Điều 5 của hiệp ước thành lập NATO quy định rằng một cuộc tấn công vũ trang chống lại một thành viên của liên minh là một cuộc tấn công vào tất cả các thành viên./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại