Tổng thống Sri Lanka trốn tới "đảo thiên đường", giữa lúc khủng hoảng trầm trọng

Huyền Chi |

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã rời khỏi đất nước để đến Maldives bằng một máy bay quân sự trong hôm 13/7.

Binh sĩ tuần tra gần khu nhà ở của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa ở Colombo, 3 ngày trước khi người biểu tình ập tới (Ảnh: AP)

Binh sĩ tuần tra gần khu nhà ở của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa ở Colombo, 3 ngày trước khi người biểu tình ập tới (Ảnh: AP)

Sự việc diễn ra chỉ vài ngày sau khi người biểu tình ập vào tư dinh, văn phòng làm việc và khu nhà ở của thủ tướng, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế kéo dài 3 tháng qua kéo theo tình trạng thiếu hụt thực phẩm và nhiên liệu trầm trọng ở đất nước Nam Á.

Lực lượng không quân Sri Lanka đã điều một máy bay quân dụng cho vị Tổng thống 73 tuổi rời khỏi đất nước, sau một quyết định của Hội đồng An ninh - Phát ngôn viên của lực lượng không quân, Dushan Wijesinghe, thông báo trên kênh truyền hình địa phương.

Ông Wijesinghe cho hay, đề nghị này được chính phủ hiện tại đưa ra và được Bộ Quốc phòng phê duyệt. Tổng thống Rajapaksa đã rời khỏi đất nước cùng vợ và 2 vệ sĩ.

Kênh BBC của Anh trước đó đưa tin, ông Rajapaksa đã tới Male, thủ đô của Maldives, vào khoảng 3h00 sáng ngày 13/7 (giờ địa phương). Reuters cho hay vị tổng thống có thể chỉ lưu lại đây trong khoảng thời gian ngắn trước khi di chuyển tới một nước châu Á.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Basil Rajapaksa cũng rời khỏi Sri Lanka và dự kiến sẽ tới Mỹ, theo BBC.

Một phát ngôn viên của đảng đối lập chính trong Quốc hội Maldives nói rằng, việc chính phủ hòn đảo này cho phép ông Rajapaksa tới đây là điều đáng tiếc.

"Tại sao chúng ta lại trở thành một nơi trốn cho bất cứ ai," Mohamed Shareef, phát ngôn viên của Liên minh Quốc hội Tiến bộ, nói và thêm rằng quyết định này đi ngược lại ý chí của cả người dân Sri Lanka lẫn người dân Maldives.

Tổng thống Sri Lanka trốn tới đảo thiên đường, giữa lúc khủng hoảng trầm trọng - Ảnh 1.

Người biểu tình vui chơi trong bể bơi tại khu tư dinh của thủ tướng (Ảnh: Reuters)


Ông Rajapaksa đã đồng ý từ chức do sức ép lớn. Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cho hay ông sẽ rời nhiệm sở ngay khi một chính phủ mới được thành lập.

Các nguồn tin thân với Mahinda Yapa Abeywardena, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka, nói rằng ông vẫn chưa liên lạc được với ông Rajapaksa. Một nguồn tin thân với ông Rajapaksa cho hay, vị lãnh đạo này sẽ gửi thư từ chức trong ngày 13/7.

Các nhà lập pháp đã nhất trí bầu ra một vị Tổng thống mới trong tuần tới, nhưng trong hôm 12/7 lại gặp khó khăn khi quyết định những vị trí trong chính phủ mới để giúp cho đất nước thoát khỏi tình trạng vỡ nợ và bất ổn chính trị.

Việc 2 nhà lãnh đạo của Sri Lanka hứa hẹn từ chức cũng không thể chấm dứt được cuộc khủng hoảng ở nước này – và người biểu tình đã tuyên bố sẽ chiếm đóng các tòa nhà chính phủ cho tới khi các nhà lãnh đạo này từ chức.

Trong suốt nhiều ngày qua, người biểu tình đã ập vào phủ tổng thống như thể đây là một điểm du lịch – họ bơi trong bể bơi, nằm trên ghế sofa, ngắm tranh nghệ thuật và nằm trên những chiếc giường đầy gối êm. Có thời điểm, họ còn phóng hỏa nhà riêng của thủ tướng.

"Tôi không vui vẻ với việc ông ta chạy trốn. Ông ta nên bị bỏ tù," Malik D’ Souza, người biểu tình 25 tuổi đang chiếm văn phòng làm việc của tổng thống, nói. Anh đã tham gia vào các cuộc biểu tình trong suốt 97 ngày.

Ông Rajapaksa "đã hủy hoại đất nước này và ăn trộm tiền của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không ngừng lại cho đến khi có tổng thống và thủ tướng mới," D’ Souza nói. Anh thêm rằng anh đã bỏ phiếu cho ông Rajapaksa trong kỳ bầu cử năm 2019 với niềm tin rằng kinh nghiệm trong quân ngũ của ông sẽ giúp đất nước an toàn, sau nhiều vụ đánh bom khiến hơn 260 người thiệt mạng ở nước này.

Tổng thống Sri Lanka trốn tới đảo thiên đường, giữa lúc khủng hoảng trầm trọng - Ảnh 3.

Biển báo không còn xăng để bán tại một trạm xăng ở Colombo, Sri Lanka (Ảnh: Reuters)


Trong hôm đầu tuần này, các nhà lập pháp Sri Lanka đã nhất trí bầu ra một tổng thống mới trong ngày 20/7, nhưng đến nay vẫn chưa quyết định được ai sẽ là thủ tướng mới và nhân sự lấp đầy các vị trí trong nội các. Tổng thống mới sẽ làm nốt nhiệm kỳ còn lại của ông Rajapaksa, kết thúc vào năm 2024 – và có khả năng chỉ định một thủ tướng mới, nhưng cần được Quốc hội phê chuẩn.

Tham nhũng và quản lý yếu kém đã khiến quốc đảo này chìm trong nợ, không thể thanh toán tiền nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, gây nên tình trạng phẫn nộ trong cộng đồng 22 triệu dân.

Nhiều người dân Sri Lanka đã phải bỏ bữa, xếp hàng suốt nhiều giờ đồng hồ để mua nhiên liệu – một thực tế khắc nghiệt đối với một quốc gia có nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng, cho đến khi gặp khủng hoảng.

Bất ổn chính trị càng làm phức tạp khủng hoảng kinh tế, khi mà việc thiếu một chính phủ đoàn kết thay thế có thể khiến Sri Lanka chậm trễ trong việc xin gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Chính phủ cần phải nộp một bản kế hoạch về đánh giá bền vững nợ cho IMF trong tháng 8, trước khi đạt được một thỏa thuận.

Trong khoảng thời gian chờ đợi, đất nước này phải sống dựa vào nguồn viện trợ từ nước láng giềng Ấn Độ và Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại