Thổ Nhĩ Kỳ tuyệt vọng
Hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Nga diễn ra trong ngày 5/3 có thể là cơ hội cuối cùng để thực hiện một thỏa thuận tránh xung đột ở Idlib, Syria.
Đối mặt với tổn thất ngày càng lớn ở Idlib và nguy cơ làn sóng người tị nạn một lần nữa bùng nổ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan rất mong muốn có một thỏa thuận ngừng bắn và Tổng thống Vladimir Putin cũng sẵn sàng ra điều kiện.
Tổn thất của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib ngày càng tăng lên.
Tuy nhiên, bất cứ thỏa thuận nào được hai bên nhất trí, nhiều khả năng sẽ chỉ mang đến sự bình ổn tạm thời, AP dẫn lời các nhà phân tích.
"Vấn đề chính ở Idlib là Tổng thống Assad vẫn quyết tâm thiết lập toàn quyền kiểm soát khu vực", Vladimir Frolov, một nhà phân tích đối ngoại của Nga nhấn mạnh. Đây sẽ là mục tiêu mà chính quyền Syria sẽ không dừng lại.
Cuộc chiến ở Idlib đã đưa Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO - tiến gần hơn với nguy cơ chiến tranh với Nga. Trong tháng vừa qua, quân đội Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần đụng độ khốc liệt với số thương vong ngày càng lớn. Nga trong vai trò hậu thuẫn cho Damascus chắc chắn không đứng ngoài cuộc.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đã gửi hàng ngàn binh sĩ tới Syria trong vài tuần qua, sự can thiệp đã trở thành thảm họa khi có đến 58 lính Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng tính đến thời điểm này, với 33 binh sĩ thiệt mạng trong một cuộc không kích vào tuần trước.
Áp lực bủa vây, Tổng thống Erdogan đã mở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp, tuyên bố rằng ông sẽ không còn kìm hãm dòng người di cư và người tị nạn muốn đến châu Âu, khiến phương Tây âu lo.
Các nhà phân tích cho rằng động thái này thể hiện sự tuyệt vọng của ông Erdogan, đặc biệt là sau khi không nhận được sự trợ giúp từ NATO.
"Thổ Nhĩ Kỳ bắt buộc phải làm vậy với hy vọng rằng áp lực được tạo ra sẽ khiến châu Âu phải đổi ý", Ahmet Kasim Han, giáo sư Quan hệ Quốc tế tại Đại học Altinbas ở Istanbul cho biết.
Với sự cô lập ngày càng tăng, Tổng thống Erdogan đang có ít đòn bẩy hơn trong cuộc đàm phán với người đồng cấp Putin tới đây.
Hai nhà lãnh đạo Erdogan và Putin đã gặp nhau nhiều lần trong vài năm qua để phối hợp các chiến lược của họ ở Syria. Động lực hàng đầu của ông Erdogan bây giờ là ngăn chặn một làn sóng người tị nạn mới đổ về Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đòn bẩy chính của ông với người đồng cấp Putin là mong muốn của Moscow về mối quan hệ bền chặt với Thổ Nhĩ Kỳ làm đối trọng với ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.
Đòn bẩy yếu ớt
Nga sẽ không đứng ngoài cuộc chơi ở Idlib.
Tổng thống Putin đã báo hiệu sự sẵn sàng đáp ứng các mối quan ngại về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ. Sau cuộc không kích vào tuần trước khiến binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng, Nga đã tạm lùi sang một bên để cho phép máy bay không người lái Thổ Nhĩ Kỳ tạm giành lại lợi thế trên chiến trường, tạo cơ hội cho Thổ Nhĩ Kỳ giữ thể diện.
Nhưng vào đầu tuần này, Nga đã tiếp tục giúp quân đội Syria chiếm lại thị trấn chiến lược Saraqeb, nằm trên đường cao tốc chính Damascus-Aleppo. Quân cảnh Nga đã nhanh chóng tiến vào thị trấn như một dấu hiệu cho thấy họ không muốn Thổ Nhĩ Kỳ chiếm lại cứ điểm này.
Soner Cagaptay, giám đốc Viện Chính sách Cận Đông ở Washington cho biết, các cuộc đàm phán ở Moscow có thể sẽ đưa ra một thỏa thuận dựa trên tình hình hiện tại, phản ánh những lợi ích lớn mà lực lượng Syria có được và nó sẽ không theo ý muốn của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện tại, mọi ánh mắt chú ý đều đổ dồn về cuộc họp Erdogan-Putin diễn ra trong ngày 5/3. Giới phân tích tin rằng, Tổng thống Erdogan đang tới Moscow với một đòn bẩy yếu ớt.
Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã ly gián Nga và phương Tây chống lại nhau, nhưng lần này Ankara đã chọc giận cả hai bên và Tổng thống Donald Trump không muốn đến giải cứu Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Putin có thể vẫn chọn giải pháp giảm leo thang căng thẳng, nhưng mọi thứ sẽ đi theo khuôn khổ mà ông đề ra. Bất cứ giải pháp nào được nhất trí ở Moscow đối với căng thẳng hiện tại cũng chỉ là một sự hàn gắn ngắn hạn.
"Putin biết rằng ông có lợi thế quân sự và chính trị đáng kể so với Erdogan", nhưng sẽ tìm cách cho phép nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ lùi bước mà vẫn giữ thể diện", Dmitry Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow đánh giá.
Nói một cách đơn giản hơn, Tổng thống Putin chắc chắn đang tìm cách thỏa hiệp với Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, nhưng đó sẽ là một thỏa hiệp theo ý Nga.
Về lâu dài, Idlib sẽ tiếp tục vạch trần những sai lầm trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ và tất cả những rắc rối mà cuộc chiến ở Syria đã gây ra cho Tổng thống Erdogan.
Đối với Tổng thống Putin, các nhà quan sát cho rằng, chiến thắng ở Syria không chỉ mang tính chính trị mà còn mang đậm dấu ấn cá nhân.
Yury Barmin, nhà phân tích Trung Đông tại Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, đánh giá: "Putin trỗi dậy như một chiến lược gia bậc thầy ở Syria".
"Chiến thắng ở Syria không chỉ mang lại uy tín đối với Nga mà còn đối với cá nhân ông Putin", ông nói.