Theo RT , sắc lệnh bãi bỏ Quân khu phía Tây và Bộ Tư lệnh chiến lược chung “Hạm đội phương Bắc”, thường được gọi là Quân khu phía Bắc, thay vào đó thành lập Quân khu Leningrad và Quân khu Mátxcơva .
Quân khu phía Tây, có trụ sở chính tại St. Petersburg, được thành lập vào năm 2010. Quân khu phía Bắc được tách ra vào năm 2014.
Quân khu Leningrad hiện sẽ bao gồm Cộng hòa Karelia, Cộng hòa Komi, các vùng Arkhangelsk, Vologda, Kaliningrad, Leningrad, Murmansk, Novgorod và Pskov, thành phố St. Petersburg và Khu tự trị Yamalo-Nenets.
Quân khu Mátxcơva sẽ bao gồm các vùng Belgorod, Bryansk, Vladimir, Voronezh, Ivanovo, Kaluga, Kostroma, Kursk, Lipetsk, Mátxcơva, Nizhny Novgorod, Oryol, Ryazan, Smolensk, Tambov, Tver, Tula, Yaroslavl, và thành phố Mátxcơva.
Nhu cầu tái lập các quân khu Mátxcơva và Leningrad lần đầu tiên được Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đề cập vào tháng 12/2022. Ở thời điểm đó, ông cho rằng động thái này là cần thiết để đối phó với những thách thức mới mà đất nước đang phải đối mặt, cụ thể là việc mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để bao gồm Phần Lan và Thụy Điển.
Bộ trưởng Shoigu mô tả việc thành lập một “nhóm quân tương ứng ở phía tây bắc nước Nga” là một phản ứng thích hợp trước sự gia tăng hoạt động của NATO do Mỹ đứng đầu.
Ngoài việc tái lập các quân khu phía tây và tây bắc nước Nga, sắc lệnh của Tổng thống Putin còn quyết định đưa bốn khu vực mới sáp nhập từ Ukraine vào Quân khu phía Nam.
Quân khu phía Nam sẽ bao gồm Cộng hòa Adygea, Cộng hòa Dagestan, Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk , Cộng hòa Ingushetia, Cộng hòa Kabardino-Balkaria, Cộng hòa Kalmykia, Cộng hòa Karachay-Circassia, Crimea, Cộng hòa Nhân dân tự xưng Lugansk, Cộng hòa Bắc Ossetia - Alania, Cộng hòa Chechnya, Vùng Krasnodar và Stavropol, Vùng Astrakhan, Volgograd, Zaporozhye, Rostov và Kherson và thành phố Sevastopol.
Các khu vực Zaporozhye, Kherson, Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk, bán đảo Crimea đã sáp nhập Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý, nhưng Ukraine không công nhận.