Ông Putin ký lệnh tái lập Quân khu Leningrad, điều binh áp sát nước 3 lần chọc giận Nga

Nhật Minh |

Bên cạnh đó, Tổng thống Putin đã đưa 4 vùng lãnh thổ Ukraine do Nga kiểm soát vào khu vực đặc trách của Quân khu phía nam.

Nga tái thành lập Quân khu Leningard và Moscow

Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS tối 26/2 đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh tái thành lập các quân khu Moscow và Leningrad thời Liên Xô. Nội dung của sắc lệnh được đăng tải trên Cổng thông tin pháp luật của Nga và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/3.

Theo đó, khu vực đặc trách của Quân khu Leningrad bao gồm Cộng hòa Karelia, Cộng hòa Komi, Arkhangelsk, Vologda, Kaliningrad, Leningrad, Murmansk, Novgorod và các khu vực Pskov, thành phố St. Petersburg, cũng như khu tự trị Yamalo-Nenets.

Khu vực đặc trách của Quân khu Moscow sẽ bao gồm các vùng Belgorod, Bryansk, Vladimir, Voronezh, Ivanovo, Kaluga, Kostroma, Kursk, Lipetsk, vùng Moscow, Nizhny Novgorod, Oryol, Ryazan, Smolensk, Tambov, Tver, Tula, Yaroslavl và thành phố Moscow.

Ông Putin ký lệnh tái lập Quân khu Leningrad, điều binh áp sát nước 3 lần chọc giận Nga- Ảnh 1.

Cộng hòa Karelia - một trong những địa bàn thuộc khu vực đặc trách của Quân đoàn Leningard - nằm giáp ranh Phần Lan.

Cũng theo sắc lệnh, Hạm đội phương Bắc sẽ chính thức được sáp nhập vào Quân khu Leningrad mới. Địa bàn các nước Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng, cùng các vùng Zaporozhye và Kherson mà Nga đang kiểm soát ở Ukraine sẽ trực thuộc phạm vi đặc trách của Quân khu phía nam.

"Khu vực đặc trách của Quân khu phía nam sẽ nằm trong ranh giới hành chính của Cộng hòa Adygea, Cộng hòa Dagestan, Cộng hòa Nhân dân Donetsk, Cộng hòa Ingushetia, Kabardino- Cộng hòa Balkarian, Cộng hòa Kalmykia, Cộng hòa Karachay-Cherkess, Cộng hòa Crimea, Cộng hòa Cộng hòa Nhân dân Lugansk, Cộng hòa Bắc Ossetia - Alania, Cộng hòa Chechen, vùng lãnh thổ Krasnodar và Stavropol, Astrakhan, Volgograd, Zaporozhye, các vùng Rostov và Kherson, thành phố Sevastopol" - Sắc lệnh cho hay.

Theo nhật báo Moskovskij Komsomolets (MK) của Nga, Quân khu Leningrad (viết tắt là LVO hoặc LenVO) trước đây hoạt động từ năm 1918-2010, sau đó giải thể. Trụ sở chính của Quân khu Leningrad đặt tại St. Petersburg, với thành phần bao gồm lực lượng tác chiến mặt đất và lực lượng không quân, quân số lên tới 28.700 người.

Quá trình phi quân sự hóa diễn ra vào năm 1990 sau khi Liên Xô ký Hiệp ước về Các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE). Theo Hiệp ước, việc triển khai các đơn vị và đội hình quân sự ở phía tây bắc Liên Xô (sau này là Nga) phải hạn chế. Vì lý do đó, vào năm 2010, Quân khu Leningrad đã giải thể hoàn toàn.

Hiện tại, cơ cấu quân đội Nga đang bao gồm Quân khu phía nam, Quân khu phía Tây (trên cơ sở hợp nhất Quân khu Moscow và Quân khu Leningrad năm 2010), Quân khu miền Trung, Quân khu phía Đông và Hạm đội phương Bắc.

Lời cảnh cáo tới Phần Lan

Trước đó, vào tháng 12/2023, Tổng thống Putin cho hay, Nga buộc phải xây dựng các đơn vị quân sự tại Quân khu Leningrad do Phần Lan gia nhập NATO.

"Chúng tôi (Nga và Phần Lan) từng có mối quan hệ tốt đẹp, thân mật nhất. Đã từng không có vấn đề gì nhưng giờ sẽ có, bởi chúng tôi sẽ thành lập quân khu Leningrad, và chắc chắn sẽ tập kết các đơn vị quân đội ở đó" – Nhà lãnh đạo Nga cảnh báo.

Kế hoạch tái lập hai quân khu Leningrad và Moscow cũng đã được Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đề cập tại cuộc họp hội đồng của Bộ Quốc phòng Nga vào năm ngoái. Tới đầu năm nay, ông Shoigu một lần nữa nhắc lại kế hoạch này trong cuộc họp bàn về việc tăng quy mô lực lượng vũ trang Nga.

Theo sắc lệnh mới công bố, khu vực đặc trách của Quân khu Leningrad đã bao gồm các vùng ở sát biên giới với Phần Lan.

Quốc gia Bắc Âu trong năm qua đã ít nhất 3 lần có động thái làm leo thang căng thẳng với Nga. Đầu tiên, Phần Lan đã chính thức trở thành thành viên NATO vào tháng 4 năm/2023 để đáp trả việc Nga đưa quân tới Ukraine đầu năm 2022, bất chấp Moscow nhiều lần cảnh báo.

Tiếp đó, tới tháng 11/2023, nước này đóng cửa toàn bộ biên giới trên bộ với Nga, đồng thời cáo buộc Moscow gây ra cuộc khủng hoảng di cư bằng cách tạo điều kiện để người tị nạn kéo tới biên giới giữa hai nước và cho phép họ vào lãnh thổ Nga mà không có giấy tờ thông hành hợp lệ.

Đỉnh điểm căng thẳng giữa hai phía là vào tháng 12/2023, khi Phần Lan quyết định ký kết thỏa thuận quốc phòng với Mỹ, trong đó cho phép Washington tiếp cận rộng rãi khu vực lân cận biên giới Phần Lan - Nga.

Với thỏa thuận này, quân đội Mỹ có quyền tiếp cận 15 khu quân sự của Phần Lan mà không bị cản trở, và có thể lưu trữ tại đó các thiết bị quân sự, cũng như đạn dược.

Ông Putin ký lệnh tái lập Quân khu Leningrad, điều binh áp sát nước 3 lần chọc giận Nga- Ảnh 3.

Tổng thống Putin đã cảnh cáo Phần Lan về việc nước này gia nhập NATO. Ảnh: Daily Express

Bình luận về động thái của Nga trên tờ Barents Observer, Giáo sư Katarzyna Zysk tại Viện nghiên cứu Quốc phòng Na Uy (IFS) cho rằng, việc tái cơ cấu các quân khu của Nga đích thực liên quan tới việc Nga có đường biên giới dài với NATO trên đất liền.

"Việc phân chia lại Quân khu phía Tây thành Quân khu Moscow và Quân khu Leningard, cũng như sáp nhập Hạm đội phương Bắc vào Quân khu Leningard là phản ứng của Nga đối với việc NATO mở rộng ở Bắc Âu và đang lên kế hoạch tiến hành những thay đổi lớn hơn nữa trong vị thế phòng thủ" - Bà Zysk nhận định.

Theo bà Zysk, Nga đang nhận thấy rằng cần phải tăng cường khả năng chống lại các hoạt động trên bộ quy mô lớn dọc biên giới Phần Lan và tại các chiến trường quân sự ở Baltic.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại