Tổng thống Mỹ - Joe Biden đã có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo khu vực phía Đông của NATO và bày tỏ sự ủng hộ, đoàn kết giữa với các quốc gia trong một thời điểm vô cùng khó khăn hiện nay. Ông cũng tuyên bố các quốc gia thành viên sẽ bảo vệ từng tấc đất của NATO và mô tả việc Nga tuyên bố đình chỉ hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân với Mỹ là một sai lầm lớn.
Trong cuộc hội đàm với các đồng minh NATO tại thủ đô Warsaw của Ba Lan, tổng thống Biden khẳng định cam kết của Mỹ với an ninh của các quốc gia thành viên, cụ thể trong Điều 5 quy định một cuộc tấn công vào bất kỳ thành viên nào của NATO được coi là một cuộc tấn công vào tất cả, đòi hỏi các quốc gia cần có phản ứng chung để đảm bảo an ninh khu vực.
Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo Nhóm B9 (Ảnh: Bucharest Nine).
Tổng thống Biden khẳng định: “Là sườn phía đông của NATO, các bạn là tuyến đầu trong hệ thống phòng thủ tập thể của chúng ta. Các bạn hiểu rõ hơn ai hết những gì đang bị đe dọa trong cuộc xung đột này. Không chỉ đối với Ukraine, mà còn đối với tự do của các nền dân chủ trên khắp châu Âu và trên toàn thế giới. Cam kết của Mỹ với NATO là hoàn toàn rõ ràng. Điều 5 là một cam kết thiêng liêng mà Mỹ đã đưa ra. Chúng tôi sẽ bảo vệ từng tấc đất của NATO”.
Đa số lãnh đạo các quốc gia tham gia hội nghị lần này đều bày tỏ mong muốn Mỹ và các nước tiếp tục bổ sung các nguồn lực và hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Tuy nhiên, không phải tất cả thành viên nhóm B9 “Bucharest Nine” đều sẵn sàng hỗ trợ cho Ukraine, đặc biệt là Hungary, quốc gia đã phản đối một số biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga. Cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, nước này là thành viên NATO chưa phê chuẩn việc gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan.
Tổng thống Biden phát biểu tại cuộc họp.
Trong một tuyên bố chung sau cuộc họp, Mỹ và các quốc gia trong nhóm B9 tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ vững chắc với Ukraine và nhấn mạnh cam kết tiếp tục sát cánh với người dân Ukraine. Nhóm B9 (Bucharest Nine) cũng cam kết tăng cường sự hiện diện quân sự của NATO trên lãnh thổ để ngăn chặn các nguy cơ từ Moscow.
Hầu hết các quốc gia nằm ở sườn phía Đông đều là những nước ủng hộ mạnh mẽ trong việc viện trợ quân sự cho Ukraine và kêu gọi tăng cường các nguồn lực bổ sung để đảm bảo an ninh chung. Các nhà lãnh đạo cũng mong muốn tăng cường hơn nữa sự thống nhất và phòng thủ tập thể đối với toàn bộ thành viên NATO tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 tới./.